Vào cuối tháng 9/2024, khi cuộc xung đột tại Trung Đông kéo dài gần một năm lan rộng và xếp hạng tín nhiệm của của Israel một lần nữa bị hạ cấp, Bộ trưởng Tài chính nước này Bezalel Smotrich vẫn khẳng định rằng nền kinh tế có khả năng chống chịu dù đang chịu nhiều sức ép.
Tuy nhiên, khi xung đột đang có nguy cơ lan rộng ra khu vực rộng lớn hơn, chi phí kinh tế cũng tăng vọt đối với cả Israel và các quốc gia khác ở Trung Đông.
“Kinh tế Israel đang hứng chịu gánh nặng của cuộc xung đột dài nhất và tốn kém nhất trong lịch sử đất nước,” Bộ trưởng Smotrich cho biết hôm 28/9.
Tăng trưởng lao dốc
“Nếu những leo thang gần đây biến thành một cuộc xung đột kéo dài và dữ dội hơn, thiệt hại đối với kinh tế và tăng trưởng (của Israel) sẽ rất nặng nề,” cựu Thống đốc ngân hàng trung ương Israel Karnit Flug chia sẻ với CNN ngày 1/10.
Xung đột đã làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo đã tồn tại từ lâu ở Gaza, khu vực Bờ Tây cũng đang “trải qua một sự suy giảm kinh tế nhanh và đáng báo động,” Liên hợp quốc cho biết trong một báo cáo vào tháng trước.
Trong khi đó, kinh tế Liban có thể suy giảm tới 5% trong năm nay do các cuộc tấn công xuyên biên giới giữa lực lượng Hezbollah và Israel, theo BMI, một công ty nghiên cứu thị trường thuộc sở hữu của Fitch Solutions.
Đối với Israel, suy giảm kinh tế thậm chí còn nghiêm trọng hơn nếu kịch bản xấu nhất xảy ra theo dự đoán của Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia tại Đại học Tel Aviv.
Mặc dù vậy, ngay cả trong một kịch bản tích cực hơn, các nhà nghiên cứu cũng dự đoán Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Israel - trong những năm gần đây đã vượt qua Vương quốc Anh - sẽ giảm trong năm 2024, vì dân số Israel tăng nhanh và mức sống giảm.
Trong giai đoạn trước cuộc tấn công ngày 7/10/2023 và xung đột Israel-Hamas sau đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Israel sẽ tăng trưởng 3,4% trong năm nay. Hiện tại, dự báo của các nhà kinh tế dao động từ 1% đến 1,9%. Tăng trưởng trong năm tới cũng dự kiến sẽ yếu hơn so với các dự báo trước đó.
Tuy nhiên, Ngân hàng trung ương của Israel lại không có khả năng cắt giảm lãi suất để thổi luồng sinh khí mới vào nền kinh tế vì lạm phát đang đi lên do tiền lương và chi tiêu chính phủ tăng vọt để tài trợ cho các hoạt động quân sự.
Mất mát dài hạn
Ngân hàng Trung ương Israel ước tính hồi tháng Năm rằng, chi phí phát sinh từ chiến sự sẽ lên tới 250 tỷ shekel (66 tỷ USD) cho đến cuối năm 2025, trong đó bao gồm chi phí quân sự và dân sự, chẳng hạn như chi phí nhà ở cho hàng nghìn người Israel buộc phải rời bỏ nhà cửa ở phía Bắc và phía Nam. Con số này tương đương khoảng 12% GDP của đất nước.
Những chi phí này sẽ tăng cao hơn nữa khi các cuộc giao tranh dữ dội với Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này, bao gồm cả Hezbollah ở Liban, làm tăng thêm chi phí quốc phòng của Israel và khiến việc người dân được trở về nhà ở miền Bắc đất nước bị trì hoãn.
Bộ trưởng Tài chính Smotrich tin tưởng rằng kinh tế Israel sẽ phục hồi sau khi chiến sự kết thúc, nhưng các nhà kinh tế lại lo ngại rằng thiệt hại thực tế sẽ kéo dài hơn nhiều.
Cựu Thống đốc Ngân hàng trung ương Israel và hiện là Phó Chủ tịch nghiên cứu tại Viện Dân chủ Israel Karnit Flug cho biết có nguy cơ Chính phủ Israel cắt giảm đầu tư để giải phóng nguồn lực quốc phòng. Bà nói: "Điều đó sẽ làm giảm tiềm năng tăng trưởng (của nền kinh tế) trong tương lai."
Các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia cũng có cùng quan điểm này. Trong một báo cáo công bố hồi tháng Tám, cơ quan này viết: "Israel sẽ phải chịu thiệt hại kinh tế dài hạn bất kể kết quả ra sao."
Tốc độ tăng trưởng dự kiến giảm so với các dự báo kinh tế trước chiến sự trong mọi kịch bản, và chi tiêu quốc phòng tăng có thể làm trầm trọng thêm nguy cơ suy thoái. Điều này gợi nhớ đến thập kỷ mất mát sau Chiến tranh Yom Kippur.
Cuộc chiến năm 1973, còn được gọi là chiến tranh Arab-Israel, đã dẫn đến một thời kỳ đình trệ kinh tế kéo dài ở Israel, một phần do nước này tăng mạnh chi tiêu quốc phòng, tăng thuế và giảm chi tiêu không liên quan đến quốc phòng. Đây là một trong những nguyên nhân thúc đẩy làn sóng di cư của những người Israel có trình độ học vấn cao, đặc biệt là các doanh nhân công nghệ.
Cuộc xung đột đã khiến thâm hụt ngân sách của Israel tăng gấp đôi lên 8% GDP, từ mức 4% GDP trước đó. Nợ chính phủ tăng vọt và trở nên đắt đỏ hơn, vì các nhà đầu tư đòi hỏi lợi nhuận cao hơn để mua trái phiếu và các tài sản khác của Israel. Nhiều lần bị hạ xếp hạng tín nhiệm cũng sẽ làm tăng chi phí vay nợ của quốc gia này hơn nữa.
Bất ổn là lực cản kinh tế
Để thu hẹp lỗ hổng tài chính, chính phủ không thể dựa vào dòng thuế từ các doanh nghiệp, bởi trong khi nhiều doanh nghiệp trong số đó đang sụp đổ thì những doanh nghiệp khác lại không muốn đầu tư trong khi chưa rõ cuộc chiến sẽ kéo dài bao lâu.
Coface BDi, một công ty phân tích kinh doanh lớn tại Israel, ước tính rằng 60.000 công ty Israel sẽ đóng cửa trong năm nay, tăng so với mức trung bình hàng năm là khoảng 40.000. Hầu hết trong số này là các công ty nhỏ, chỉ có tối đa 5 nhân viên.
"Sự bất ổn chỉ gây hại cho nền kinh tế, gây hại cho đầu tư," Giám đốc điều hành Avi Hasson của Startup Nation Central, một tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy ngành công nghệ của Israel trên toàn cầu, cho biết.
Trong một báo cáo gần đây, Giám đốc điều hành Hasson đã cảnh báo rằng khả năng phục hồi đáng chú ý của ngành công nghệ Israel cho đến nay "sẽ không bền vững" trước những bất ổn do cuộc xung đột kéo dài và chính sách kinh tế của chính phủ./.
Moody’s lần thứ 2 trong năm hạ xếp hạng tín nhiệm của Israel
Tuyên bố của Moody’s nêu rõ: "Nguyên nhân chính của việc hạ xếp hạng là rủi ro địa chính trị đã gia tăng đáng kể hơn nữa, lên mức rất cao."