Xung đột - Thách thức lớn nhất đối với các quốc gia châu Phi

Theo Giám đốc khu vực châu Phi của Ủy ban Quốc tế Hội Chữ thập Đỏ, các cuộc xung đột tiếp tục kéo dài và chưa có chiều hướng chấm dứt, trong khi nhiều cuộc xung đột mới lại nảy sinh.
Xung đột - Thách thức lớn nhất đối với các quốc gia châu Phi ảnh 1Hiện trường một vụ tấn công tại làng Ogassogou, gần Mopti, Mali. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng dailymaverick.co.za đăng bài phân tích của tác giả Simon Allison - nhà tư vấn thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Nam Phi - về thách thức lớn nhất đối với châu Phi năm 2020, nội dung như sau:

Đối với Liên minh châu Phi (AU), năm 2020 được coi là thời điểm mang tính bước ngoặt.

Sáng kiến "Im lặng tiếng súng" thuộc Chương trình nghị sự châu Phi 2063 nhằm mục đích "chấm dứt mọi cuộc chiến tranh, xung đột dân sự, bạo lực về giới, xung đột bạo lực và ngăn chặn nạn diệt chủng ở lục địa vào năm 2020."

Trong khi không ai có thể tranh cãi về mục tiêu cao cả đó thì tổ chức đại diện cho châu lục và các quốc gia thành viên sẽ phải làm việc một cách thần kỳ để có thể đạt được mục tiêu đó vào cuối năm nay, đặc biệt là khi xu hướng hiện tại dường như đang đổi chiều.

[Châu Phi năm 2020: “Mảnh đất của cơ hội” cho các nhà đầu tư]

Trong cuộc trao đổi gần đây với các nhà báo ở Johannesburg (Nam Phi), Patricia Danzi - Giám đốc khu vực châu Phi của Ủy ban Quốc tế Hội Chữ thập Đỏ (ICRC) - cho biết ICRC cùng với các tổ chức nhân đạo lớn khác đang phải vật lộn để đối phó với các tình huống hiện tại vốn không được chú ý đúng mức cũng như hạn chế về nguồn lực.

Điều đáng quan ngại hơn là nhiều tình huống bất ngờ tiếp tục xảy ra ngoài mong đợi.

Theo Giám đốc Danzi, các cuộc xung đột tiếp tục kéo dài và chưa có chiều hướng chấm dứt, trong khi nhiều cuộc xung đột mới lại nảy sinh. Chẳng hạn, năm 2019, xung đột tại Burkina Faso đã buộc 750.000 người phải di tản bởi bạo lực khiến ICRC phải thiết lập phản ứng khẩn cấp mới trong khi tổ chức này vẫn tiếp tục duy trì hoạt động ở các quốc gia láng giềng Mali và Nigeria.

Ý kiến của Giám đốc Danzi rất đáng quan tâm. Với việc mở rộng không ngừng của các khu vực xung đột và thảm họa trên khắp châu Phi, các tổ chức nhân đạo lớn từ lâu đã hoạt động tích cực.

Do đó, nếu những tổ chức này lo ngại về tình hình xung đột hiện nay thì các nhà hoạch định chính sách khác cũng nên có sự đồng cảm. Nếu quan sát tình hình sẽ không khó để nhận biết được thực trạng mà Giám đốc Danzi mô tả về những xung đột mới nổi lên cộng thêm những xung đột đã kéo dài dai dẳng. Tình trạng này có xu hướng lặp lại.

Khu vực Sahel cần được đặc biệt quan tâm trong bối cảnh lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, quân đội Pháp hoặc lực lượng an ninh G5 Sahel tại khu vực bất lực trong việc ngăn chặn cuộc xung đột.

Tình trạng gia tăng bạo lực trong năm 2019 ở cả Burkina Faso và Mali đã cho thấy sự mong manh của chính phủ ở cả hai nước này.

Cách đó không xa, xung đột bên trong và xung quanh Lưu vực hồ Chad vẫn tiếp tục xảy ra. Mạng lưới hỗ trợ thảm họa ReliefWeb cho biết bạo lực đã kéo dài 10 năm, trong khi ở miền Bắc Chad, một cuộc xung đột mới đang diễn ra nhằm tranh giành quyền khai thác các kho dự trữ vàng.

Xa hơn về phía Đông, thỏa thuận hòa bình ở Nam Sudan đang ở thế "ngàn cân treo sợi tóc." Sự chậm trễ trong việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc khiến Mỹ triệu hồi Đại sứ nước này tại Juba hồi tháng 11/2019.

Trong khi đó, cuộc chiến mới giữa các nhóm sắc tộc ở khu vực trung tâm của Nam Sudan đã khiến ít nhất 79 người thiệt mạng và buộc Liên hợp quốc phải triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình. Triển vọng về một giải pháp cho cuộc xung đột kéo dài này vào năm 2020 dường như rất mong manh.

Tại Ethiopia, Thủ tướng Abiy Ahmed - người giành giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2019 với dự án cải cách đầy tham vọng - đang đối mặt với mối đe dọa lớn nhất khi các nhóm chính trị khác nhau tìm cách tận dụng không gian chính trị mới hình thành dẫn đến bạo lực cộng đồng lan rộng và căng thẳng trong đảng cầm quyền, đồng thời Chính phủ của Thủ tướng Abiy Ahmed vẫn đang vật lộn để kiểm soát tình hình.

Cách đối phó của Thủ tướng Ahmed trước tình hình hiện tại trong năm 2020 sẽ quyết định tương lai của quốc gia đông dân thứ hai ở châu Phi này và có tác động lớn đến sự ổn định của toàn bộ khu vực Sừng châu Phi.

Ở trung tâm của lục địa, bạo lực bùng phát thường xuyên ở Cộng hòa Trung Phi cho thấy thỏa thuận hòa bình chưa vững chắc ở nước này.

Tại Cộng hòa Dân chủ Congo, xung đột ở phía Đông đã cản trở rất nhiều đến việc kiểm soát sự bùng phát của virus Ebola.

Tại miền Nam, năm 2019, Mozambique đã chính thức ký kết Hiệp định Hòa bình và Hòa giải quốc gia nhằm chấm dứt xung đột vũ trang giữa đảng Frelimo cầm quyền và nhóm đối lập chính Renamo.

Mặc dù vậy, một nhánh ly khai của Renamo vẫn tiếp tục gây chiến với Chính phủ Mozambique. Đáng lo ngại hơn, các vụ bạo lực tại tỉnh Cabo Delgado ở phía Bắc chưa có dấu hiệu suy giảm cho dù danh tính chính xác của quân nổi dậy vẫn chưa được làm rõ. Sự hiện diện của các nhà thầu quân sự tư nhân Nga có khả năng làm trầm trọng thêm tình hình.

Tại Tây Phi, cuộc chiến kéo dài chống lại Boko Haram của Nigeria đã đi vào ngõ cụt. Trong khi đó, các nhà phân tích đang lo ngại theo dõi căng thẳng ở Guinea với việc Tổng thống Alpha Conde dường như tìm cách kéo dài thời gian tại vị.

Xung đột - Thách thức lớn nhất đối với các quốc gia châu Phi ảnh 2Hiện trường một vụ tấn công tại làng Sajeri, ngoại ô Maiduguri, bang Borno, Nigeria. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ở Côte d’Ivoire, cuộc bầu cử năm 2020 có vẻ sẽ mang những thù địch cũ trở lại sàn đấu.

Thống kê trên cho thấy xung đột ở châu Phi đang trở nên tồi tệ hơn. Dự án Dữ liệu sự kiện và vị trí xung đột vũ trang vốn được sử dụng để theo dõi các sự cố xung đột trên toàn thế giới đã phát hiện ra rằng năm 2019 (tính đến ngày 30/11/2019), ở châu Phi có 21.600 vụ xung đột vũ trang.

Trong cùng kỳ năm 2018, con số đó chỉ là 15.874 vụ. Điều này cho thấy số vụ xung đột vũ trang trong năm 2019 tăng 36% so với năm 2018.

Đây có lẽ là thách thức lớn nhất đối với châu Phi vào năm 2020. Các nhà lãnh đạo châu Phi do AU dẫn đầu có thể làm gì để đảo ngược xu hướng này? Bên cạnh đó, các hình thái thời tiết cực đoan liên quan đến biến đổi khí hậu có thể khiến tình hình càng thêm phức tạp.

Giám đốc Danzi đã lưu ý tác động của biến đổi khí hậu sẽ không thể chấm dứt với những "cơn bão" ngày càng lớn hơn... Đây là những vấn đề không thuộc kế hoạch có sẵn của ICRC nhưng tổ chức này vẫn phải giải quyết.

Quá trình lập kế hoạch cần phải bắt đầu ngay lập tức. Tiếng súng không những không im lặng mà ngày càng nổ to hơn. Tuy nhiên, vẫn có một tia hy vọng.

Trong quá trình hợp tác để cùng nhau ký kết Hiệp định Khu vực thương mại tự do châu Phi (AfCFTA), các nhà lãnh đạo châu Phi cho thấy họ có khả năng đạt được quan điểm chung đối với một thách thức lớn của lục địa.

Nếu các nhà lãnh đạo này có thể một lần nữa có cùng quan điểm chung, duy trì sự thống nhất đó và nhanh chóng hiện thực hóa thì dự báo tình hình trong năm 2021 có thể tốt hơn những gì chúng ta đang làm hiện nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục