Là địa phương vùng cao còn nhiều khó khăn của Yên Bái, những năm qua, huyện Trạm Tấu đặc biệt quan tâm tuyển dụng, đào tạo và lựa chọn cán bộ trẻ người dân tộc thiểu số có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín tại địa phương.
Huyện coi đây là khâu đột phá để tạo nguồn cán bộ ngang tầm với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn mới.
Đào tạo cán bộ trẻ qua thực tiễn
Là cán bộ trẻ của Huyện đoàn được luân chuyển về cơ sở, Giàng A Tặng được Huyện ủy Trạm Tấu điều động, chỉ định và bầu giữ chức Bí thư Đảng bộ xã Hát Lừu.
Trên cương vị mới, Giàng A Tặng luôn trăn trở tìm hướng giải quyết những khó khăn, vướng mắc của địa phương; không cho phép mình chủ quan nhưng phải mạnh dạn, quyết liệt và không né tránh công việc. Qua gần 2 năm gắn bó với cơ sở, Giàng A Tặng đạt được một số thành tích bước đầu và rút ra nhiều bài học quý.
Bí thư Đảng ủy xã Hát Lừu Giàng A Tặng cho biết là xã nông thôn mới nhưng nơi đây còn rất nhiều việc phải làm, nhất là huy động nội lực trong nhân dân để khai thác hiệu quả lợi thế của địa phương vào phát triển kinh tế, khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại Nhà nước; củng cố và nâng cao các tiêu chí đã đạt được trong xây dựng nông thôn mới, thiết thực cải thiện đời sống nhân dân một cách bền vững.
Sinh ra và lớn lên ở xã Xà Hồ, được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã khi mới hơn 30 tuổi, Giàng A Sáy nhận thức rõ trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cơ sở. Nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao do chính anh khởi xướng, phát động đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm và thu nhập của người nông dân. Bên cạnh việc mở rộng diện tích trồng cây Sơn tra, xã Xà Hồ là địa phương đi đầu trong việc tận dụng diện tích dưới tán rừng để trồng dược liệu, tăng nhanh diện tích trồng cây khoai sọ bản địa.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Xà Hồ Giàng A Sáy chia sẻ, việc khó làm trước, việc dễ làm sau, không trông chờ ỷ lại, đồng thời vận dụng kiến thức đã được học vào thực tế của địa phương một cách phù hợp là bí quyết hành động của anh. Để chủ động tìm ra giải pháp hữu hiệu cho những quyết sách của mình, anh thường xuyên xuống thôn, bản gặp gỡ người dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất, từ đó kịp thời tháo gỡ.
Hiện tại, 12 xã, thị trấn của huyện Trạm Tấu đều bố trí luân chuyển, đào tạo cán bộ trẻ về công tác, nhiều người đã khẳng định trình độ, năng lực thực tiễn, được người dân tín nhiệm. Công tác luân chuyển, đào tạo cán bộ trẻ tại cơ sở của huyện không chỉ hợp lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín mà còn phát hiện, rèn luyện, tích lũy thêm năng lực công tác của họ khi hoạt động tại cơ sở.
Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu Giàng A Thào cho biết, vừa qua, huyện đã rà soát, bổ sung quy hoạch trên 1.650 lượt cán bộ chủ chốt cấp xã và các cơ quan, đơn vị của huyện. Trong đó, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số đang luân chuyển về cơ sở được quan tâm, chú ý đặc biệt, vì đây là nguồn cán bộ có đủ năng lực trình độ, trải qua thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới.
Đổi mới phương thức tạo nguồn cán bộ
Từ những khảo sát đánh giá và tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, huyện Trạm Tấu thực hiện đồng bộ, nghiêm túc các văn bản, đề án của Trung ương và tỉnh đảm bảo tính thống nhất, chặt chẽ trên nguyên tắc Đảng lãnh đạo trực tiếp, quản lý toàn diện công tác cán bộ. Việc điều động, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ được thực hiện công khai, bài bản, đúng quy trình, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.
Ông Trịnh Văn Xuê, Phó Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu, cho rằng để làm tốt công tác tạo nguồn cán bộ cơ sở, thời gian qua, huyện không ngừng nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền thông qua xây dựng môi trường giáo dục theo hướng phân luồng học sinh. Huyện đẩy mạnh khuyến học, khuyến tài để giúp đỡ, hỗ trợ con em địa phương học tập; thường xuyên rà soát, thăm dò nguyện vọng để tuyển dụng, bố trí vào những vị trí việc làm phù hợp.
Bên cạnh đó, huyện đổi mới công tác đánh giá chất lượng cán bộ cơ sở một cách toàn diện, nhất là hiệu quả công việc, uy tín và vị thế cá nhân. Việc đánh giá đều công khai, thông qua hình thức bỏ phiếu kín, lấy phiếu tín nhiệm để bảo đảm tính khách quan. Nhờ vậy, huyện Trạm Tấu kịp thời phát hiện cán bộ chưa bảo đảm uy tín, thiếu tận tụy với cơ sở. Thậm chí, có những trường hợp phải xử lý, đưa ra ngoài quy hoạch đối với cán bộ không đạt yêu cầu...
Ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Trạm Tấu, cho biết huyện đã bám sát các tiêu chí của Trung ương và tỉnh, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã tiến hành giới thiệu cán bộ trẻ, nữ và người dân tộc thiểu số thật sự nổi trội, có triển vọng phát triển để đào tạo, đề bạt và sử dụng cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, huyện có chính sách ưu tiên đưa đi đào tạo, bố trí việc làm phù hợp và từng bước luân chuyển về cơ sở theo đúng quy định.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện Trạm tấu đã điều động, luân chuyển, bổ nhiệm 47 cán bộ; cử đi đào tạo, bồi dưỡng cho trên 2.400 lượt cán bộ, công chức, đảng viên. Không chỉ cọ sát thực tiễn, cán bộ thuộc diện dự nguồn sẽ được tham dự các kỳ họp của Hội đồng Nhân dân huyện, dự Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở và các hội nghị mở rộng của Huyện ủy và Ủy ban Nhân dân huyện. Qua đó, đội ngũ này được bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp lãnh đạo, quản lý qua thực tiễn tổ chức, điều hành các hội nghị.
Nhờ những quyết sách trong công tác cán bộ, mạnh dạn bố trí cán bộ trẻ người dân tộc thiểu số vào các vị trí chủ chốt cấp xã, đến nay huyện Trạm Tấu đã xây dựng được đội ngũ cán bộ trẻ có năng lực, bản lĩnh, dám đổi mới sáng tạo, trách nhiệm cao, được thử thách, rèn luyện qua thực tiễn, đóng góp tích cực vào kết quả phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh ở địa phương./.
Thể chế hóa các quy định mới của Bộ Chính trị về công tác cán bộ
Các nội dung về giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ, tạm đình chỉ chức vụ... sẽ được sửa đổi đồng bộ với quy định của Đảng và phù hợp với thực tiễn thực hiện.