Các đảng đối lập ở Nhật Bản phản đối sửa đổi Hiến pháp

Đảng Dân chủ đối lập chính của Nhật Bản ngày 18/5 đã yêu cầu Thủ tướng Shinzo Abe​ rút lại đề xuất sửa đổi Hiến pháp lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Các đảng đối lập ở Nhật Bản phản đối sửa đổi Hiến pháp ảnh 1Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (giữa) ngày 3/5 đã bố một kế hoạch nhằm tìm kiếm sự thay đổi đầu tiên đối với bản Hiến pháp sau Chiến tranh thế giới thứ II của nước này. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Đảng Dân chủ đối lập chính của Nhật Bản ngày 18/5 đã yêu cầu Thủ tướng Shinzo Abe​ rút lại đề xuất sửa đổi Hiến pháp lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ Hai, đồng thời cho rằng thủ tướng đã can thiệp vào quy trình lập pháp vốn thuộc về Quốc hội.

Trước đó, trong thông điệp bằng video được phát tại cuộc họp gồm những nghị sĩ ủng hộ cải cách hiến pháp vào ngày 3/5 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản đã đề xuất về sự hiện diện của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) trong điều khoản 9 về từ bỏ quyền phát động chiến tranh trong hiến pháp và cung cấp sự hậu thuẫn về pháp lý đối với lực lượng này, cũng như thi hành luật tối cao sửa đổi vào năm 2020.

Tuy nhiên, điều này đã vấp phải sự phản đối của những nghị sĩ đang xem xét cẩn thận về khả năng sửa đổi hiến pháp, trong đó có cả một số thành viên của đảng LDP.

Tại phiên họp đầu tiên của Ủy ban hạ viện về các vấn đề Hiến pháp kể từ khi Thủ tướng Abe đưa ra đề xuất trên, đảng Dân chủ đã thuyết phục ông Abe rút lại đề xuất này.

Nghị sỹ Masaharu Nakagawa, cựu Bộ trưởng Giám sát Thiên tai Nhật Bản, cho rằng chỉ Quốc hội mới có quyền đề xuất xem xét lại Hiến pháp, do đó đề xuất của Thủ tướng Abe là sự vi phạm nghiêm trọng quy trình lập pháp.

Ông khẳng định sẽ yêu cầu ủy ban phê chuẩn một nghị quyết để gửi một kháng nghị cứng rắn tới Thủ tướng Abe cũng như rút lại những tuyên bố của ông ấy về vấn đề này.

Trong khi đó, Seiken Akamine​ thuộc Đảng Cộng sản Nhật Bản, lại coi tuyên bố của Thủ tướng Abe là "sự can thiệp quá đáng" vào các vấn đề đáng ra thuộc trách nhiệm của Quốc hội.

Nghị sỹ này cho biết Hiến pháp hiện hành là điểm khởi đầu cho Nhật Bản với tư cách là một quốc gia hòa bình sau hành động gây hấn trong chiến tranh, đồng thời cảnh báo rằng bất cứ động thái sửa đổi lại điều khoản từ bỏ quyền phát động chiến tranh trong Hiến pháp sẽ thay đổi bản chất Hiến pháp nước này.

Đáp lại, các nghị sỹ đảng LDP cầm quyền đều khẳng định Thủ tướng Abe đã không làm gì sai vì ông chỉ đưa ra thông điệp trên với tư cách là Chủ tịch LDP chứ không phải người đứng đầu chính phủ.

Một nghị sỹ cấp cao của LDP nêu rõ đảng này đang lên kế hoạch tự phác thảo đề xuất sửa đổi Hiến pháp khả năng là trong năm nay.

Kể từ khi được ban hành năm 1947 đến nay, Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản chưa từng được sửa đổi.

Theo quy định, để thực hiện đề xuất sửa đổi Hiến pháp và kêu gọi trưng cầu ý dân, cần sự chấp thuận của 2/3 số nghị sỹ ở cả hai viện.

Hiện liên minh cầm quyền của Thủ tướng Abe và các đảng đối lập ủng hộ sửa đổi Hiến pháp đã có được 2/3 sự ủng hộ, song có khả năng họ sẽ tìm kiếm sự đồng thuận từ phe còn lại trong Quốc hội do sự nhạy cảm của người dân đối với Hiến pháp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục