Căng thẳng ngoại giao Hà Lan-Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục leo thang

Một ngày sau khi Thổ Nhĩ Kỳ ngừng tiếp xúc ngoại giao cấp cao với Hà Lan, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus cho biết nước này có thể sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Hà Lan.
Căng thẳng ngoại giao Hà Lan-Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục leo thang ảnh 1Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus. (Nguồn: presstv.ir)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, ngày 14/3, một ngày sau khi Thổ Nhĩ Kỳ ngừng tiếp xúc ngoại giao cấp cao với Hà Lan, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus cho biết nước này có thể sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Hà Lan.

Trả lời phỏng vấn với kênh truyền hình CNN phát bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, Phó Thủ tướng Kurtulmus cho biết thêm Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không rút đại sứ của nước này tại Hà Lan về nước.

Ông cũng bác bỏ những thông tin cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ cố tình đẩy căng thẳng ngoại giao với Hà Lan leo thang nhằm mục đích trục lợi cho cuộc trưng cầu ý dân về cải cách hiến pháp vào tháng 4 tới đây.

Trước đó, một số bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị Chính phủ Đức và Hà Lan cấm phát biểu trước các cuộc tuần hành do cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ tại hai nước này tổ chức. Hoạt động này diễn ra trước thềm cuộc trưng cầu ý dân vào tháng 4 tới, vốn được cho là nhằm trao thêm quyền lực cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Cùng ngày, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã lên án ông Erdogan sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng "danh tiếng" của Hà Lan đã bị "hủy hoại" sau vụ thảm sát Srebrenica vào năm 1995.

Phát biểu trên kênh truyền hình RTL, ông Rutte cho rằng Tổng thống Erdogan tiếp tục làm leo thang căng thẳng giữa hai nước và nhấn mạnh đây là một "sự xuyên tạc lịch sử." 

Trước đó, phát biểu tại Ankara, ông Erdogan đã động chạm đến một vấn đề nhạy cảm với Hà Lan khi nhắc lại cuộc thảm sát Srebrenica tại Bosnia vào năm 1995, khi lực lượng gìn giữ hòa bình của Hà Lan đã bị các tay súng người Serbia gốc Bosnia đẩy lùi và không thể bảo vệ những người tị nạn Hồi giáo.

Căng thẳng đã bùng phát trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan khi ngày 11/3, Chính phủ Hà Lan đã không cho phép Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu bay đến thành phố Rotterdam nhằm vận động cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ tại đây ủng hộ kế hoạch cải cách hiến pháp theo đề xuất của Tổng thống Erdogan.

Tiếp đó, ngày 12/3, Bộ trưởng Các chính sách xã hội và gia đình Thổ Nhĩ Kỳ, bà Fatma Betul Sayan Kaya, cùng gia đình cũng đã được hộ tống trở lại biên giới Đức, sau khi đoàn xe của vị quan chức này cố tìm cách đến Rotterdam bằng đường bộ khi chưa có sự đồng ý của phía Hà Lan.

Động thái của Hà Lan đã vấp phải sự chỉ trích mạng mẽ từ Thổ Nhĩ Kỳ. Trong ngày 11/3, Thổ Nhĩ Kỳ đã phong tỏa Đại sứ quán Hà Lan tại Ankara và Tổng lãnh sự quán Hà Lan tại Istanbul vì "lý do an ninh."

Tổng thống Erdogan đã chỉ trích mạnh mẽ Hà Lan, đồng thời tuyên bố Ankara sẽ trả đũa bằng cách cấm các chính trị gia Hà Lan bay tới Thổ Nhĩ Kỳ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục