Chứng khoán phái sinh: Thận trọng khi cơ hội và rủi ro song hành

Sau nhiều lần lỡ hẹn và cuối cùng thị trường chứng khoán phái sinh cũng chính thức ra đời vào ngày 10/8, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và lâu dài của các thành viên trên thị trường.
Chứng khoán phái sinh: Thận trọng khi cơ hội và rủi ro song hành ảnh 1Họp báo Công bố ra mắt thị trường chứng khoán phái sinh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sau nhiều lần lỡ hẹn và cuối cùng thị trường chứng khoán phái sinh cũng chính thức ra đời vào ngày 10/8, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và lâu dài của các thành viên trên thị trường.

Đây là một dạng thị trường bậc cao, các sản phẩm phái sinh sẽ có vai trò thúc đẩy giá trị hàng hóa trên thị trường cơ sở, qua đó giúp thị trường mở rộng quy mô, đa dạng hóa sản phẩm đồng thời là công cụ phòng tránh rủi ro hữu hiệu cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, thị trường phái sinh cũng được ví như như hai mặt của một đồng xu, cơ hội đầu tư lớn bao nhiêu rủi ro cũng song hành bấy nhiêu. Vì vậy, các nhà quản lý đã phải rất thận trọng để đi đến quyết định khởi động thị trường.

Bài 1: Chứng khoán phái sinh - Cuộc “thai nghén” kéo dài gần thập kỷ

Tại Báo cáo Tổng kết thị trường chứng khoán Việt Nam - năm 2010, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Vũ Bằng cho biết, Cơ quan này đã từng bước triển khai nghiên cứu các phương án cụ thể về thị trường chứng khóa phái sinh, để có thể áp dụng trong các năm 2013-2104. Song trên thực tế, quá trình để ra được thị trường đã dài hơn rất nhiều so với những định liệu của vị “tổng công trình sư.”

Ngày 8/8, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chính thức tổ chức họp báo công bố ra giờ “G” ra mắt thị trường chứng khoán phái sinh.

Tiến sỹ Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho hay, tất cả các công việc chuẩn bị đã hoàn tất đồng thời Thủ tướng đã phê duyệt mở cửa Thị trường chứng khoán phái sinh vào ngày 10/8/2017.


Sản phẩm đầu tiên

Sản phẩm đầu tiên được cơ quan chức năng lựa chọn ra mắt thị trường là hợp đồng tương lai VN30-Index.

Theo ông Nguyễn Anh Phong, Phó Tổng Giám đốc, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội - HNX, “trên cơ sở định hướng của Chính phủ, các sản phẩm phái sinh giới thiệu trên thị trường sẽ đi từ đơn giản tới phức tạp, HNX đã lựa chọn hai loại sản phẩm đầu tiên là Hợp đồng tương lai trên chỉ số cổ phiếu và Hợp đồng tương lai trên trái phiếu Chính phủ.”

Ông Phong cho rằng, việc lựa chọn các sản phẩm này hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế và nhu cầu thị trường nội địa. Theo kinh nghiệm quốc tế, hầu hết các thị trường đều ra mắt sản phẩm hợp đồng tương lai trước hợp đồng quyền chọn và tài sản cơ sở là chỉ số chứng khoán hoặc trái phiếu Chính phủ thường được giới thiệu trước tiên. Bởi, các hàng hóa này có đặc tính đại diện cao, đáp ứng tốt mục tiêu phòng ngừa rủi ro cho thị trường cơ sở.

Theo ông Phạm Hồng Sơn, khung pháp lý đã cho phép giới thiệu trên thị trường ba sản phẩm hợp đồng tương lai (chỉ số VN30, chỉ số HNX30 và trái phiếu Chính phủ). Tuy nhiên trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, để hạn chế rủi ro và đảm bảo an toàn trong trình thử nghiệm thị trường mới, giai đoạn đầu thị trường vận hành sẽ thử nghiệm đối với họp đồng tương lai chỉ số VN30, sau đó mới áp dụng chỉ với số HNX30 và hợp đồng tương lai trái phiếu.

Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu VN30-Index

• Tài sản cơ sở: VN30-Index

• Quy mô hợp đồng: 100.000 VND x VN30-Index, trong đó giá trị 100.000 VND được gọi là hệ số nhân (multiplier) của hợp đồng, ký hiệu là m.

• Tháng đáo hạn: Tháng hiện tại, tháng kế tiếp, hai tháng cuối 02 quý gần nhất

• Phương thức giao dịch: Phương thức khớp lệnh và Phương thức thỏa thuận

• Thời gian giao dịch: Mở cửa trước thị trường cơ sở 15 phút, Đóng cửa: kết thúc cùng thị trường cơ sở

• Biên độ dao động giá: ±7%

• Đơn vị giao dịch: 1 hợp đồng.

Ký quỹ 80%

Theo quy định, phương thức thanh toán cho phép nhà đầu tư sử dụng ký quỹ 80% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu. Nhưng, thời kỳ đầu này lại áp dụng tỷ lệ cho thanh toán 100% tiền mặt và ngân hàng chỉ định thanh toán cho phái sinh là Vietinbank.

Vận hành trên thị trường, thời gian mở cửa là 8 giờ 4, kết cấu có ba phiên ATO, khớp lệnh liên tục và  ATC. Cụ thể, các phiên khớp lệnh gồm có phiên buổi sáng từ 9 giờ - 11 giờ 30, 13 giờ -14 giờ 30 và cuối cùng phiên đóng cửa ATC 14 giờ 30-14 giờ 45. (sớm hơn 15 phút so với thị trường cổ phiếu và đóng cửa cùng thị trường cổ phiếu).

Mỗi hợp đồng tương lai chỉ số VN30-Index có 4 tháng đáo hạn, bao gồm tháng hiện tại, tháng kế tiếp và 2 tháng cuối hai quý gần nhất, tức là sản phẩm sẽ có 4 mã chứng khoán tương ứng.

Ví dụ tại thời điểm tháng 8/2017, thị trường có 4 mã giao dịch trên 4 hợp đồng, gồm hợp đồng tương lai trên chỉ số cổ phiếu VN30-Index đáo hạn tháng 8/2017 (tháng hiện tại), đáo hạn tháng 9/2017 (tháng tiếp theo), đáo hạn tháng 12/2017 và đáo hạn tháng 3/2018 (hai tháng cuối 2 quý gần nhất).

Theo đó, hệ số nhân đối với VN30-Index là 100.000 đồng, tương ứng quy mô một hợp đồng tương lai chỉ số VN30-Index tại mức 700 điểm sẽ là 70 triệu đồng (100.000  đồng x 700 điểm).

Ngoài ra, Trung tâm Lưu ký quy định mức ký quỹ ban đầu vào khoảng 10%-15% giá trị hợp đồng, có nghĩa quy mô hợp đồng 70 triệu đồng thì mức ký quỹ ban đầu để mua 1 hợp đồng khoảng 7 triệu đồng - 10,5 triệu đồng. Với mức ký quỹ này, các nhà đầu tư cá nhân sẽ thuận lợi tham gia giao dịch các hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30-Index.

[10/8: Chính thức vận hành thị trường chứng khoán phái sinh]

90% là nhà đầu tư cá nhân

Ông Dương Ngọc Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cho biết, hiện có 7 công ty chứng khoán được VSD chấp thuận làm thành viên bù trừ, là SSI, VNDS, HSC, BSC, MBS, VPBS, VCSC. Hiện, số lượng tài khoản đăng kỳ giao khoảng 1.300 tài khoản. Tuy nhiên, ông Tuấn kỳ vọng số lượng này sẽ tăng lên trên 2.000 tài khoản vào thời điểm thị trường chính thức vận hành

Theo giới chuyên môn, các sản phẩm chứng khoán phái sinh khá phức tạp nên giai đoạn đầu sẽ chủ yếu là các nhà đầu tư tổ chức tham gia. Nhưng trên thực tế, ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán MBS cho biết, MBS có khoảng trên 300 tài khoản mở liên quan đến phái sinh, trong đó khảo sát có khoảng 90% là tài khoản cá nhân.

“Mức độ phát triển thị trường trong thời gian đầu là tương đối thận trọng, quy mô thị trường tăng dần đều theo thời gian, theo sự phát triển cùng minh bạch của thị trường cơ sở cũng như số lượng sản phẩm phái sinh và đặc biệt là khả năng, sự hiểu biết của các thành viên tham dự thị trường,” ông Hà dự đoán./.

Ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán MBS
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục