Hội đồng Bảo an chia rẽ trong cách thức giải quyết tên lửa Triều Tiên

Các nước thành viên thường trực đã thể hiện những quan điểm trái chiều về cách thức đối phó với chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Hội đồng Bảo an chia rẽ trong cách thức giải quyết tên lửa Triều Tiên ảnh 1Hình ảnh phát trên truyền hình ở một nhà ga Seoul (Hàn Quốc) cho thấy Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un theo dõi vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa ngày 4/7. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 5/7, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tiến hành phiên họp khẩn về vấn đề Triều Tiên, trong đó các nước thành viên thường trực đã thể hiện những quan điểm trái chiều về cách thức đối phó với chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Các Đại sứ Mỹ, Anh và Pháp kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua một nghị quyết mới có tính ràng buộc nhằm thắt chặt các lệnh trừng phạt Triều Tiên, trong khi đại diện của Nga và Trung Quốc phản đối việc tăng cường bao vây kinh tế đối với Bình Nhưỡng.

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, phát biểu trước phiên họp công khai, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley tuyên bố những hành động gây bất ổn của Triều Tiên đang làm tiêu tan hy vọng về một giải pháp ngoại giao và có thể buộc Mỹ phải sử dụng hành động quân sự.

[Mỹ sẵn sàng sử dụng biện pháp quân sự đối với Triều Tiên]

Bà Haley nhấn mạnh rằng vụ thử tên lửa hôm 4/7 của Bình Nhưỡng rõ ràng là hành vi leo thang quân sự, đồng thời cảnh báo Washington sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp, kể cả sức mạnh quân sự nếu cần thiết, để tự bảo vệ nước Mỹ cũng như các đồng minh. Tuy nhiên, bà Haley nói thêm rằng Mỹ không muốn phải áp dụng biện pháp quân sự.

Bên cạnh đó, Đại sứ Haley tuyên bố trong vài ngày tới, Mỹ sẽ đề xuất một số biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên, đồng thời cảnh báo rằng Washington sẵn sàng cắt đứt quan hệ thương mại với những quốc gia nào tiếp tục giao dịch thương mại với Triều Tiên vì đây là những hành vi vi phạm lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc.

Quan điểm của bà Haley nhận được sự đồng tình từ các đồng minh Pháp và Anh.

Hai thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế có những biện pháp tập thể mạnh mẽ trên lĩnh vực kinh tế và thậm chí là cả quân sự nếu cần thiết, nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, Phó Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Pyotr Ilyichev cho rằng nên loại trừ khả năng áp dụng các biện pháp quân sự để giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Ông cho rằng tất cả các nước cần phải thừa nhận rằng trừng phạt sẽ không giải quyết vấn đề, đồng thời khẳng định những nỗ lực nhằm bao vây kinh tế Triều Tiên là "không thể chấp nhận."

Theo ông Ilyichev, Nga đang tìm cách nhanh chóng khôi phục tiến trình đối thoại để giải quyết những bất đồng trên Bán đảo Triều Tiên.

Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Lưu Kết Nhất thì khẳng định đề xuất "tạm ngừng để đổi lấy tạm ngừng" do Moskva và Bắc Kinh đề xuất có thể làm dịu căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.

Trước đó vào ngày 4/7, Nga và Trung Quốc đưa ra sáng kiến về việc cùng lúc dừng các chương trình hạt nhân tên lửa của Triều Tiên cũng như các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Sáng 4/7, Triều Tiên đã phóng thử thành công một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) dưới sự giám sát của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đồng thời cảnh báo loại tên lửa này có thể tấn công vào bất cứ đâu trên thế giới.

Phía Triều Tiên tuyên bố loại ICBM này có khả năng mang theo một đầu đạn hạt nhân lớn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục