Thách thức toàn cầu chờ đón tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson

Trong số những vấn đề mà ông Tillerson phải giải quyết, nổi lên hàng đầu là mối quan hệ của Mỹ với các quốc gia như Nga và Trung Quốc hay đối phó với những cuộc khủng hoảng ở Trung Đông.
Thách thức toàn cầu chờ đón tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ảnh 1Ông Rex Tillerson. (Nguồn: AP)

Nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ Rex Tillerson phải đối mặt với những thách thức không nhỏ trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên gặp những người đồng cấp tại Hội nghị ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra trong hai ngày 16-17/2 tại thành phố Bonn của Đức.

Trong số những vấn đề mà ông Tillerson phải giải quyết, nổi lên hàng đầu là mối quan hệ của Mỹ với các quốc gia như Nga và Trung Quốc, hay cách tân chính quyền Mỹ đối phó với những cuộc khủng hoảng ở Trung Đông và chống lại chủ nghĩa cực đoan.

Nga

Bên lề các cuộc họp của G20, Ngoại trưởng Tillerson dự kiến gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov. Đây được xem là cơ hội đầu tiên để ông “khởi động” tiến trình hòa giải với Điện Kremlin, điều mà Tổng thống Donald Trump từng tỏ ý ủng hộ.

Moskva đang muốn các lệnh trừng phạt mà cộng đồng quốc tế áp đặt sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine hồi năm 2014 sẽ được dỡ bỏ. Tháng 12/2016, Mỹ cũng đã ra đòn trừng phạt với Nga và trục xuất 35 nhà ngoại giao của nước này với cáo buộc liên quan tới các vụ tấn công mạng nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Tuy nhiên, triển vọng cải thiện quan hệ Mỹ-Nga đã gặp phải những trở ngại nhất định, đáng chú ý nhất là việc Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Michael Flynn đột ngột tuyên bố từ chức hôm 13/2 do thông tin về mối liên hệ của ông với Đại sứ Nga. Quan hệ cá nhân gần gũi giữa ông Tillerson và Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đang là tâm điểm của dư luận.

Giới chuyên gia cũng đang đặt câu hỏi rằng liệu khả năng cải thiện mối quan hệ song phương Mỹ-Nga, điều gây nhiều tranh cãi, có thể khả thi hay không, nhất là sau những thất bại của Chính quyền Tổng thống Barack Obama.

Giáo sư ngành quan hệ quốc tế Chris Brown thuộc Trường Kinh tế London, cho rằng ông Trump “thực sự muốn thúc đẩy một thỏa thuận" với Tổng thống Nga Vladimir Putin… "Chỉ không rõ là ông Putin sẽ đưa ra điều kiện hay đề xuất gì… Hai bên sẽ rơi vào bế tắc nếu ông Putin không đưa ra những đề xuất khả thi." Không chỉ vậy, một số người cho rằng những động thái thể hiện sức mạnh của Nga chắc chắn sẽ khiến các cuộc thảo luận của hai nhà ngoại giao Lavrov và Tillerson trở nên căng thẳng.

Theo Lầu Năm Góc, bốn máy bay Nga đã có những hành động “thiếu an toàn và thiếu chuyên nghiệp” khi bay gần một tàu khu trục của Mỹ đang triển khai ở biển Đen hồi tuần trước.

Trung Quốc và Triều Tiên

Một số chuyên gia nhận định mối quan hệ Mỹ-Trung đang đối mặt nhiều thách thức nghiêm trọng.

Theo hãng tin Reuters, ông Tillerson là người đóng vai trò quan trọng trong việc thuyết phục Tổng thống Trump thay đổi quan điểm và cam kết tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc." Đây là bước đi quan trọng nhằm bắt đầu tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai chính quyền, sau khi ông Trump nhiều lần chỉ trích Trung Quốc và phá vỡ chính sách đã có từ lâu của Mỹ trong quan hệ đối ngoại với cường quốc này bằng cách nhận cuộc điện thoại của nhà lãnh đạo Đài Loan.

Trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng tăng cường sức mạnh kinh tế và chính trị để khẳng định mình trên trường quốc tế, tân Ngoại trưởng Mỹ sẽ phải hết sức thận trọng với mối quan hệ này.

Hơn thế nữa, việc Trung Quốc là đồng minh quan trọng nhất của một Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân đồng nghĩa với việc Mỹ có lợi ích lớn trong việc thúc đẩy một mối quan hệ lành mạnh với Bắc Kinh, tạo cơ sở để ông Tillerson tìm cách gây sức ép với Bình Nhưỡng thông qua Trung Quốc. Rõ ràng, sự hỗ trợ của Trung Quốc trong việc kiềm chế Triều Tiên, quốc gia đã sớm tiến hành một vụ thử tên lửa đạn đạo sau khi ông Trump nhậm chức, là điều cực kỳ quan trọng.

Tuy nhiên, những bình luận của ông Tillersong trong phiên điều trần trước Quốc hội, trong đó cho rằng Mỹ cần phải “chặn đứng” và "phong tỏa" các hoạt động ở những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở các vùng biển trên Biển Đông đã làm dấy lên một cuộc khẩu chiến với Bắc Kinh. Điều này cho thấy việc cân bằng giữa ngoại giao và lập trường “Nước Mỹ trước hết” của ông Trump là điều không hề đơn giản.

NATO và châu Âu

Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump đã khiến các đồng minh của Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không khỏi lo ngại, khi ông chỉ trích liên minh này là “lỗi thời," đồng thời nói rằng Mỹ sẽ không hỗ trợ các nước đồng minh khi bị tấn công chừng nào họ chưa tăng cường đóng góp tài chính.

Các chuyên gia cho rằng những bình luận kiểu này, cùng với thái độ ngưỡng mộ công khai dành cho ông Putin của tân Tổng thống Mỹ đã khiến các thành viên NATO lo ngại rằng thành viên mạnh nhất trong liên minh sẽ không đứng ra bảo vệ họ nếu bị Nga xâm lược. Ông Adam Quinn, một chuyên gia về chính trị quốc tế tại Đại học Birmingham (Anh), nhìn nhận những bình luận đó không hẳn là đáng lo, và điều cần quan tâm lúc này là “những chính sách cụ thể."

Việc ông Trump tuyên bố ủng hộ nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) cũng khiến châu Âu không khỏi bất an. Trong một hội nghị được tổ chức gần đây ở Malta, các nhà lãnh đạo châu Âu, trong đó có Tổng thống Pháp Francois Hollande, đã cùng thống nhất phản đối bình luận của ông Trump về mối quan hệ với châu Âu, cho rằng quan điểm của Tổng thống Mỹ mang hơi hướng “chủ nghĩa cực đoan."

Ông Tillerson đã bắt đầu tìm cách xoa dịu mối quan hệ với các nước EU, tiêu biểu là việc gặp Phụ trách chính sách đối ngoại Federica Mogherini của khối tại Washington hồi đầu tháng này.


Iran

Tân Ngoại trưởng Mỹ sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức tại Trung Đông, và Iran là một trong số đó.

Tehran và Washington đứng ở hai phía chiến tuyến trong hàng loạt cuộc xung đột, từ cuộc chiến ở Syria cho tới nội chiến Yemen. Iran đã tiến hành ba vụ thử tên lửa kể từ khi ông Trump lên nắm quyền, hoạt động không vi phạm thỏa thuận hạt nhân lịch sử ngày 14/7/2015 song bị nhiều người xem là nhằm thách thức chính quyền mới ở Nhà Trắng. Washington đã nhanh chóng trả đũa Iran với các lệnh trừng phạt mới vì vụ thử tên lửa và cáo buộc tài trợ khủng bố.

Ông Trump từng gọi văn bản mà Iran ký với Mỹ và năm cường quốc khác là “thỏa thuận tồi tệ nhất từng được đàm phán," song gần đây đã trấn an EU rằng Chính quyền Mỹ vẫn giữ vững các cam kết của mình.

Israel và Palestine

Ông Trump, người tự coi mình là nhà đàm phán đại tài, công khai nói rằng ông muốn khởi động một tiến trình mới nhằm thúc đẩy hòa bình giữa Israel và Palestine. Ông cũng đề xuất con rể mình là Jared Kushner có thể đảm đương trọng trách “xây dựng” hòa bình giữa hai phía - một mục tiêu mà các chính quyền tiền nhiệm đã thất bại.

Điều mà dư luận có thể chắc chắn là tân Tổng thống Mỹ không phản đối việc Israel xây dựng các khu định cư Do Thái trên vùng đất mà người Palestine muốn xây dựng một nhà nước tương lai - một trong những tâm điểm của cuộc xung đột. Ông cũng từng tuyên bố sẽ chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem, điều chắc chắn sẽ kích động người Palestine và nhiều nước Arab khác. Ông Trump đã bổ nhiệm David Friedman, một người từng tỏ ý hoài nghi về giải pháp hai nhà nước, nền tảng chính sách giải quyết xung đột của Mỹ suốt thời gian qua, làm Đại sứ Mỹ tại Israel.

Tuy nhiên, trong khi nhiều người Israel có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa tin rằng họ có thể coi ông Trump là đồng minh, thì Nhà Trắng lại tuyên bố rằng “việc xây dựng các khu định cư mới, hoặc mở rộng các khu định cư đã có là không hề có lợi” cho tiến trình hòa bình.


Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã nói rõ rằng ông sẽ đánh bại IS và cuộc chiến chống các phần tử cực đoan của người tiền nhiệm là “một thảm họa."

Thực tế là một tin tốt lành đối với ông Trump bởi khi ông bước vào Nhà Trắng, IS đã bị quét khỏi tất cả những thành phố lớn tại Iraq và Syria, trừ Mosul và Raqqa. Tuy nhiên, chúng vẫn là một mối đe dọa lớn, không chỉ ở Trung Đông. Những biện pháp đáng chú ý mà ông Trump làm từ khi nhậm chức tới nay nhằm ngăn chặn các hành vi khủng bố trên đất Mỹ, như lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân bảy quốc gia Hồi giáo, đã vấp phải phản ứng mạnh của dư luận và bị tòa án đình chỉ. Việc đẩy mạnh cuộc chiến chống IS tại Trung Đông cần có sự tham gia nhiều hơn của lực lượng bộ binh, song đây là điều mà người đứng đầu Nhà Trắng từng tuyên bố phản đối.

Trách nhiệm giải quyết các mối quan hệ đối ngoại phức tạp của Mỹ và thực hiện các chính sách nhằm đối phó với những mối đe dọa trên toàn cầu đang đè nặng lên vai tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, một người được xem là chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục