Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lao động có mức lương và điều kiện làm việc thu hút lao động Việt Nam nhất. Trao đối với phóng viên báo VietnamPlus, ông Lương Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, nếu Bản ghi nhớ đặc biệt được gia hạn, sẽ có hơn 7.000 lao động có cơ hội sang Hàn Quốc làm việc.
Chờ cơ hội sang Hàn Quốc làm việc
Theo ông Lương Đức Long, mặc dù Bản ghi nhớ đặc biệt giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã hết thời hạn một năm từ cuối năm 2014 nhưng phía Hàn Quốc đang xem xét gia hạn Bản ghi nhớ đặc biệt trong năm 2015 cho 3 nhóm lao động tiếp tục được sang Hàn Quốc làm việc gồm: Lao động về nước đúng hạn, lao động đã đỗ kỳ thi tiếng Hàn năm 2011 và lao động nông nghiệp huyện nghèo.
Trong năm 2014, đã có 5.700 lao động được phía Hàn Quốc lựa chọn sang làm việc, trong đó có 1.900 lao động về nước đúng hạn, khoảng 3.800 lao động đi lần đầu sang Hàn Quốc, vượt hạn ngạch lao động mới phía Hàn Quốc đưa ra (2.900 lao động) gần 1.000 lao động.
Đến thời điểm hiện tại, vẫn còn khoảng 7.000 hồ sơ lao động Việt Nam đang chờ chủ lao động tại Hàn Quốc lựa chọn, trong đó có 5.000 hồ sơ lao động thi tiếng Hàn năm 2011 và khoảng 2.000 lao động về nước đúng hạn chưa được chủ cũ lựa chọn.
Như vậy, trong năm 2015, hơn 7.000 lao động Việt Nam sẽ có cơ hội sang Hàn Quốc làm việc nếu Bản ghi nhớ đặc biệt được gia hạn. Tuy nhiên, việc tiếp tục duy trì, giữ vững thị trường này vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính vẫn là tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp quá cao.
Tỷ lệ cư trú bất hợp pháp vẫn đáng lo ngại
Đánh giá về tình hình lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, ông Lương Đức Long cho rằng tỷ lệ này vẫn đáng lo ngại. Tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp năm 2014 là 40,7%, so với năm 2013 đã giảm, tuy nhiên những tháng cuối của năm 2014 tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tăng cao so với 10 tháng đầu năm 2014. Tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước tháng 11 khoảng 56%, đến tháng 12 tỷ lệ đã tăng lên 70%, về số người chỉ vài chục người nhưng tính theo tỷ lệ % lại tăng lên rất cao.
Phía Hàn Quốc rất e ngại khi tỷ lệ cư trú bất hợp pháp cao hơn các nước khác, tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp của Việt Nam (khoảng 40%) cao gấp đôi tỷ lệ bình quân của 15 nước phái cử (trên 20%).
Theo ông Lương Đức Long, trong năm 2013 và năm 2014 Việt Nam đã áp dung 2 chế tài, đó là ký quỹ với lao động đi làm việc ở Hàn Quốc, lao động bắt buộc phải ký quỹ 100 triệu đồng, chế tài này đang được thực hiện nghiêm túc nhưng phải 5 năm nữa khi lao động hết hạn về nước mới phát huy tác dụng, người lao động sẽ được hoàn trả quỹ này nếu thực hiện nghiêm chỉnh hợp đồng lao động.
“Mặt khác, chế tài xử phạt hành chính theo Nghị định 95 mặc dù áp dụng xử phạt hành chính lên tới 100 triệu đồng nhưng xử phạt gặp nhiều khó khăn nên chế tài này chưa đủ sức răn đe với người lao động,” ông Lương Đức Long nói.
Hiện nay, bản ghi nhớ đặc biệt trong một năm đã hết hiệu lực, để thực hiện tiếp, phía Hàn Quốc đồng ý sẽ ký lại bản ghi nhớ đặc biệt nhưng đề nghị Việt Nam phải có giải pháp tổng thể để xử lý 15.000 người lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Việt Nam đang tiến hành đẩy mạnh xử phạt hành chính, tuyên truyền vận động người lao động cư trú bất hợp pháp, hết hạn hợp đồng trở về nước./.