27% nữ nhà báo và 31% nữ sinh viên đã từng bị quấy rối tình dục

Theo kết quả khảo sát mới đây của UNFPA tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, 11% nữ học sinh phổ thông, 27% nữ nhà báo, 31% nữ sinh viên bị quấy rối tình dục hoặc xâm hại tình dục.
27% nữ nhà báo và 31% nữ sinh viên đã từng bị quấy rối tình dục ảnh 1Các chuyên gia cho ý kiến về khoảng trống pháp lý trong xử lý các hành vi bạo lực tình dục. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong khi các kết quả khảo sát cho thấy bạo lực tình dục đối với phụ nữ, trẻ em gái là vấn đề không quá xa lạ, cứ 3 phụ nữ Việt Nam thì có 1 người đã từng bị bạo lực tình dục. Thế nhưng, hiện nay vẫn còn thiếu các biện pháp can thiệp kịp thời đối với các vụ việc bạo lực tình dục.

[58% lái xe, phụ xe buýt cảnh báo trẻ em gái về nguy cơ bị quấy rối]

Thông tin này được đưa ra tại tọa đàm “Bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái: Khoảng trống pháp luật và dịch vụ hỗ trợ” do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức ngày 5/12 tại Hà Nội.

Phát biểu tại buổi toạ đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, Việt Nam chưa có một nghiên cứu sâu rộng về bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái (bạo lực thân thể, bạo lực tinh thần và bạo lực tình dục), nhưng đã có các khảo sát nhỏ lẻ của một số cơ quan, tổ chức cho thấy khoảng 2/3 phụ nữ, trẻ em gái đã bị, từng bị bạo lực.

Theo kết quả khảo sát mới đây của UNFPA tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, 11% nữ học sinh phổ thông, 27% nữ nhà báo, 31% nữ sinh viên bị quấy rối tình dục hoặc xâm hại tình dục. Đặc biệt, thời gian qua đã ghi nhận có trên 1.100 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Thậm chí nhiều vụ việc, thủ phạm lại chính là người thân ruột thịt của các em gái.

Bà Đỗ Thị Thu Hà, Phụ trách Văn phòng UNFPA Việt Nam cho biết thêm, cứ 3 phụ nữ Việt Nam thì có 1 người bị bạo lực tình dục. Đặc biệt, 1/3 nữ thanh niên, thiếu niên bị ép buộc quan hệ tình dục.

“Thế nhưng, chỉ 2% nạn nhân dám đứng lên tố cáo. Đặc biệt có đến 65% người chứng kiến lại "thờ ơ" với các hành vi bạo lực, họ không tố cáo hoặc đứng ra làm chứng,” bà Đỗ Thị Thu Hà nhấn mạnh.

Để giảm thiểu nguy cơ, cải thiện chất lượng dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã triển khai các hoạt động, xây dựng một số mô hình như: Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh tại cộng đồng, cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới; trung tâm công tác xã hội cung cấp dịch vụ bình đẳng giới; trường học an toàn, thân thiện, không bạo lực; thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ, trẻ em...

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho hay thời gian qua công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em đã có những chuyển biến. Đã có nhiều hơn các nạn nhân dũng cảm đứng ra tố cáo, dư luận xã hội, cộng đồng mạng cũng vào cuộc mạnh mẽ.

Tuy nhiên, so với dạng bạo lực khác, việc xử lý, can thiệp kịp thời các vụ việc bạo lực tình dục đối với phụ nữ, trẻ em gái còn gặp những khó khăn nhất định. Cụ thể như: Phụ nữ khó tố cáo các vụ việc bị bạo lực tình dục và tìm kiếm sự hỗ trợ, tư vấn kịp thời so với những vấn đề về bạo lực thể xác. Việc xử lý, can thiệp đôi lúc chưa kịp thời, chưa thỏa đáng đã gây ra sự bất bình trong xã hội.

Để giải quyết vấn đề bạo lực tình dục, một số ý kiến đề nghị cần thiết lập các dịch vụ hỗ trợ có chất lượng, bao gồm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tâm lý, an toàn, trợ giúp pháp lý và hệ thống tư vấn hỗ trợ thông tin dễ tìm, dễ tiếp cận với nạn nhân. Đặc biệt, cần thay đổi suy nghĩ, thái độ của người dân về bạo lực, quấy rối tình dục, cải thiện hệ thống pháp luật hiện hành chú ý đến việc đưa ra xét xử mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái./.

Tuyến xe buýt vì sự an toàn của phụ nữ và trẻ em gái. (Nguồn: VNEWS)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục