4 bộ, ngành ký kết quy chế phối hợp chăm sóc trẻ em những năm đầu đời

Việc có được một cơ chế hợp tác liên ngành sẽ giúp cho công tác cung cấp các dịch vụ chăm sóc toàn diện đến với trẻ trong những năm đầu đời đúng thời điểm, hiệu quả.
Lễ ký kết ban hành Quy chế phối hợp liên ngành trong triển khai đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Lễ ký kết ban hành Quy chế phối hợp liên ngành trong triển khai đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Vấn đề phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời đóng vai trò quan trọng trong thực hiện các quyền của trẻ em cũng như việc thực hiện các mục phát triển bền vững trong Chương trình nghị sự toàn cầu về phát triển bền vững đến năm 2030 mà Việt Nam đã cam kết thực hiện. Đặc biệt, vấn đề này còn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong tương lai.

Nhằm thực hiện tốt đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018-2025, hôm nay 17/2 tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế đã thống nhất ký ban hành quy chế phối hợp liên ngành trong triển khai đề án.

Ưu tiên chăm sóc trẻ thơ

Trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các mục tiêu nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời. Việt Nam đã nội luật hóa tất cả các quyền và các nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em của Công ước, từ Hiến pháp năm 2013 đến Luật trẻ em năm 2016 và các bộ luật, các luật có liên quan.

Trách nhiệm về bảo đảm cho trẻ em được chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, được giáo dục và học tập, được bảo vệ để có môi trường sống an toàn, được vui chơi, giải trí và thực hiện quyền tham gia được quy định cụ thể. Trong số đó, đầu tư và hỗ trợ vì sự phát triển toàn diện của trẻ em là quan điểm xuyên suốt các quy định pháp luật và ưu tiên trong các chính sách an sinh xã hội của Việt Nam.

Việt Nam đang triển khai thực hiện các chính sách chăm sóc cho bà mẹ thời kỳ mang thai và sau khi sinh; các chính sách chăm sóc và giáo dục cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi và trước tuổi đi học tiểu học; các chính sách hỗ trợ lứa tuổi giáo dục phổ thông; trong đó ưu tiên cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thiệt thòi về cơ hội phát triển.

Tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi được cải thiện, Việt Nam đã thuộc các nước trong khu vực có tỷ lệ này dưới 20%. Trẻ em được chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn, các bệnh dịch nguy hiểm được đẩy lùi nhờ việc hầu hết trẻ em được tiêm chủng. Hầu hết trẻ em được đến trường, trẻ 3-36 tháng đạt tỷ lệ đến trường 28,2%, với trẻ 3-6 tuổi đạt 92,4%. Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp xã hội ngày càng tăng. Số trẻ em bị tai nạn, thương tích có xu hướng giảm dần.

4 bộ, ngành ký kết quy chế phối hợp chăm sóc trẻ em những năm đầu đời ảnh 1Phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời đóng vai trò quan trọng trong thực hiện các quyền của trẻ em. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học đã bị ảnh hưởng nặng nề do trẻ em không đến trưởng, trẻ em mầm non không học trực tuyến, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tập trung trình Chính phủ các chính sách và giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ giáo dục mầm non, đặc biệt là giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học ngoài công lập để kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho các cơ sở giáo dục này, bảo đảm chất lượng phát triển toàn diện trẻ em.

Cung cấp dịch vụ chăm sóc toàn diện

Quy chế phối hợp liên ngành nhằm thống nhất thực hiện đề án chăm sóc vì phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng. Quy chế cũng phân công cụ thể trách nhiệm của các ngành trong việc phối hợp triển khai, thực hiện đề án. 

Quy chế có 4 chương và 21 điều, gồm các nội dung chính như: Phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực cho đội ngũ cán bộ; nghiên cứu rà soát và thực hiện chính sách pháp luật; công tác thanh tra, kiểm tra; triển khai chương trình tư vấn giáo dục cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em; kiện toàn các dịch vụ chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em; xây dựng mạng lưới kết nối dịch vụ tại gia đình và cộng đồng...

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết việc các bộ cùng nhau thống nhất và triển khai quy chế phối hợp liên ngành sẽ góp phần quan trọng để hoàn thành mục tiêu và quan trọng hơn nữa là bảo đảm cho trẻ em được phát triển toàn diện, được tiếp cận toàn diện các dịch vụ. Can thiệp và hỗ trợ đồng bộ cho trẻ em góp phần quan trọng thực hiện chương trình nghị sự toàn cầu về phát triển bền vững.

[Chăm sóc sức khỏe học đường - vì tương lai một Việt Nam khỏe mạnh]

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng quy chế tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ để mỗi cơ quan hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng và tổn thương nặng nề đối với trẻ em, hơn lúc nào hết, các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội, các hội cần phải chung tay, hợp sức để bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông khẳng định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tập trung vào nhiệm vụ bảo đảm cho trẻ em tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, rèn luyện thể dục thể thao nâng cao sức khỏe, tầm vóc; tuyên truyền, giáo dục về việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em ngay từ những năm đầu đời cho cha mẹ, các thành viên gia đình.

Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam bà Rana Flowers chia sẻ việc có được một cơ chế hợp tác liên ngành hiệu quả, giúp bảo đảm cung cấp các dịch vụ chăm sóc toàn diện đến với trẻ đúng thời điểm và bảo đảm chất lượng, là việc cốt lõi. Các dịch vụ đó bao gồm các chăm sóc về y tế, dinh dưỡng, nước sạch, vệ sinh, giáo dục, bảo vệ trẻ em, và trợ giúp xã hội, cùng với những hỗ trợ kỹ năng làm cha mẹ cho các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ.

"Sự hiện hữu của một quy chế liên ngành mà các bộ, ngành chung tay ký hôm nay sẽ là nền tảng giúp dịch vụ phát triển toàn diện trẻ thơ được mở rộng một cách bền vững ở Việt Nam," bà Rana Flowers nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục