75 năm TTXVN: Những bản tin in đậm dấu ấn Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tên gọi của TTXVN, lúc bấy giờ là Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên. Dấu ấn về sự phát triển của TTXVN in đậm từ những lời dạy, bản tin in dấu tay Người.
75 năm TTXVN: Những bản tin in đậm dấu ấn Chủ tịch Hồ Chí Minh ảnh 1Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò nữ phóng viên Tuệ Oanh của Việt Nam Thông tấn xã về cách viết tin trong dịp đưa tin cuộc bầu cử Quốc hội khóa III (26/4/1964). (Ảnh: Tư liệu TTXVVN)

Trong lịch sử phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) là một trong số những cơ quan báo chí được Bác Hồ đặc biệt quan tâm.

Ngay cả tên gọi của TTXVN, lúc bấy giờ là Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) cũng do Bác đặt tên. Dấu ấn sự phát triển của TTXVN in đậm từ những lời dạy, bản tin in dấu tay Người và sự nỗ lực của cán bộ, nhân viên toàn ngành.

“Tin VNTTX có gì đặc biệt không?”

Theo Nhà báo Hồ Tiến Nghị, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên TGĐ TTXVN, ngày 24/8/1945, Tổng Bí thư Trường Chinh và đồng chí Nguyễn Lương Bằng ra đón Bác Hồ vừa từ Việt Bắc về một cơ sở ở nội thành Hà Nội.

Tình cờ đồng chí Nguyễn Lương Bằng mang theo một bản dự thảo do anh Trần Kim Xuyến biên soạn về việc thành lập Nha Thông tin Tuyên truyền, trong đó có các cơ quan báo chí để trình Bác.

Bác đọc cẩn thận bản đề án dự thảo. Khi đến đoạn nói về các cơ quan báo chí, nhất là cơ quan Thông tấn, Bác đã nói: “Từ ngày 23/8 mà đã có bản tin đủ cả thế giới và trong nước, các chú ấy làm tốt và nhanh nhạy, nhưng phải có tên chứ?”

Rồi Bác Hồ cầm bút viết luôn bằng chữ Hán “Việt Nam Thông tấn xã” lên trên bản dự thảo, sau đó Bác viết tiếp dòng chữ tiếng Việt: Việt Nam Thông tấn xã và mở ngoặc VNTTX. Với vốn hiểu biết sâu sắc của Bác về chữ Hán... Chữ Xã có nghĩa rộng, như là một bộ, ngành lớn.”

Được Bác trực tiếp sáng lập, rèn luyện và dìu dắt; được các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước quan tâm sâu sắc, trong lịch sử, hiện tại và tương lai, TTXVN luôn luôn trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.

[Phóng viên Thông tấn tay bút, tay súng: Để dòng tin luôn chảy mãi]

Trong lịch sử phát triển của ngành, rất nhiều lần Bác đã thăm hỏi, động viên, chỉ dạy TTXVN những điều quan trọng, từ việc lớn đến việc nhỏ.

Năm 1952, Bác thăm T6 và căn dặn cán bộ, phóng viên VNTTX "Tin tức càng nhanh, kháng chiến càng mau thắng lợi."

7 giờ 30 phút sáng ngày mồng Một Tết Ất Mùi năm 1955, Bác gọi điện thoại chúc Tết cán bộ, viên chức VNTTX: “Năm mới, cố gắng mới, thành công mới” và "Phát tin nhanh, kịp thời, tin tốt, tin nhiều và bảo đảm sự thật."

Tết Mậu Tuất năm 1958, Bác cũng đã trực tiếp gọi điện thoại chúc Tết cán bộ, viên chức TTXVN. Vào tháng 5/1965, Bác mời đồng chí Hoàng Tuấn, Giám đốc VNTTX lên gặp và nêu các vấn đề tuyên truyền cụ thể trước mắt, phương hướng đưa tin, ảnh trong từng thời kỳ và lâu dài.

Bác rất coi trọng bản tin của TTXVN vì theo Bác, đây là nguồn cung cấp thông tin rất quan trọng với nhiều tin, bài phong phú, kịp thời và chính xác.

Đối với các bản tin của TTXVN Bác hầu như không bỏ sót bất cứ một tin quan trọng nào; trong đó Bác đặc biệt chú ý đến những tin quốc tế có liên quan đến Việt Nam, tin chiến sự ở miền Nam.

75 năm TTXVN: Những bản tin in đậm dấu ấn Chủ tịch Hồ Chí Minh ảnh 2Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Tôn Đức Thắng và đồng chí Trường Chinh chụp ảnh lưu niệm với nhóm phóng viên thông tấn, báo chí phục vụ Đại hội lần thứ III của Đảng (năm 1960). Người ngồi giữa Bác Hồ và đồng chí Trường Chinh là nhà báo Huỳnh Thị Hường (phóng viên Việt Nam Thông tấn xã) và người đeo kính ngồi sau Bác Hồ là nhà báo Lê Bá Thuyên (Phó Giám đốc VNTTX). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Với những tin, bài quan trọng, nhất là các tài liệu tham khảo, Người đều đánh dấu lại để đọc thêm vào buổi tối.

Đôi lúc do Bác đi công tác xa hoặc căn cứ vào tình hình sức khoẻ, Văn phòng Chủ tịch nước lại điểm báo những tin quan trọng và đều đặn gửi cho Bác và Người rất chú ý lắng nghe.

Những khi không có thời gian đọc thông tin trên báo, Người lại hỏi anh em văn phòng: “Tin VNTTX có gì đặc biệt không?”, “Thế VNTTX không có tin à.”

Hầu như các sự kiện trong nước và quốc tế nổi bật, Bác đều chờ tin của TTXVN và không ít trường hợp Bác chỉ có ý kiến sau khi đã tham khảo đầy đủ các bản tin do TTXVN cung cấp.

Năm 1964, cũng bắt đầu từ một bản tin của TTXVN đưa tin về kế hoạch đánh phá miền Bắc Việt Nam bằng không quân của Mỹ, trong đó có nói đến việc địch sử dụng cả máy bay B52. Bác yêu cầu đọc lại tin đó lần thứ 2, rồi lặng lẽ cầm bản tin từ tay người cán bộ giúp việc.

Bác viết to chữ B52 lên đầu bản tin và giữ lại luôn. Bác yêu cầu từ nay trở đi cứ bản tin nào của TTXVN có nói về B52 dù ở khía cạnh nào cũng đưa cho Bác. Những tin này Bác xếp lại và để thành tập riêng.

Với tầm nhìn chiến lược, Bác dự báo điều gì sẽ đến và Bác đã chỉ thị cho Bộ Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và trực tiếp là Quân chủng Phòng không Không quân “Phải tìm mọi cách đánh thắng B52.”

Và quân, dân ta đã thực hiện xuất sắc chỉ thị của Bác bằng việc đập tan cuộc tập kích bằng không quân chiến lược B52 của Mỹ vào Hà Nội tháng 12/1972.

Hạnh phúc khi được phục vụ Bác

Trong cuộc đời làm báo, nhiều cán bộ, phóng viên VNTTX có được hạnh phúc lớn là được gặp và phục vụ Bác Hồ như Đinh Chương, Việt Thảo, Ngọc Khanh, Nguyễn Đình Cao, Nguyễn Tiến Lực, Trần Văn Chương, Lê Tư Vinh, Châu Quỳ...

Một số phóng viên VNTTX vinh dự được cùng ăn cơm với Bác, được Bác thân mật hỏi thăm sức khoẻ và gia đình.

Bác luôn dành tình cảm đặc biệt cho tập thể và những cán bộ, phóng viên khi có dịp được phục vụ Bác, tạo điều kiện cho phóng viên trong khi tác nghiệp.

Năm 1954, trên đường chuyển tin của T6 cho Bác Hồ, nguyên phóng viên VNTTX Nguyễn Tiến Lực vinh dự được gặp và được Bác dạy: “Cháu hãy đưa tin cho Bác nhanh hơn nữa nhé. Tin càng nhanh, kháng chiến thắng lợi càng mau.”

Nhiều phóng viên TTXVN vẫn khắc ghi những lời căn dặn của Bác: “Không biết thì học. Học biết thôi. Dốt phải học. Đừng dại mà giấu dốt. Biết chữ còn phải biết nghĩa nữa;” “Phải nghe cho rõ, suy cho kỹ và viết cho đúng;” “Mọi việc phải có kế hoạch và nắm cho thật chắc kế hoạch;” “Viết phải công bằng, đúng liều lượng.”

Trong một bài viết của mình, nhà báo Đinh Chương hồi tưởng khi chữa các bài viết, Bác hết sức chú ý đến nội dung chính trị trong từng chữ dùng, từng chi tiết nhỏ. Bác chu đáo đến từng dấu chấm, phẩy, từng cách đặt câu cho câu văn được sáng sủa, dễ hiểu. Từng lời, từng chữ Bác dùng rất chính xác, trong sáng.

Nhà báo Lê Việt Thảo có hạnh phúc lớn được nhiều lần phục vụ Bác Hồ và được Bác căn dặn: Phải ghi chép cẩn thận, nghe cho rõ, suy cho kỹ và viết cho đúng. Đưa tin gọn thôi, đừng miêu tả. Sự quan tâm của Bác đối với các nhà báo TTXVN, đúng như nhà báo Châu Quỳ từng viết: “Tôi hiểu rằng niềm vinh dự và hạnh phúc đó không phải là của riêng tôi mà là của cả một tập thể cán bộ, phóng viên, công nhân viên chức TTXVN, đã được sự quan tâm chăm sóc của Bác và của Đảng, Nhà nước.”

Bản tin, bài viết in bút tích của Bác

Bác Hồ đã duyệt trực tiếp nhiều tin, bài của VNTTX, căn dặn về nghề đối với phóng viên tin, ảnh. Bác đã xem và liên tục nhận xét tin của VNTTX, cả tin phổ biến cũng như tin tham khảo, chỉ cho VNTTX những thiếu sót (kể cả những từ dịch sai, phiên âm không chuẩn).

75 năm TTXVN: Những bản tin in đậm dấu ấn Chủ tịch Hồ Chí Minh ảnh 3Báo chí là kênh thông tin vô cùng quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó Bác luôn dành tình cảm, sự quan tâm đặc biệt cho Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam). Dù bận trăm công nghìn việc, hằng ngày, Bác vẫn dành thời gian nghe đài, đọc bản tin của VNTTX. Bác đã nhiều lần tự tay sửa từng câu, từng từ, duyệt tin bài, căn dặn về nghề với phóng viên VNTTX. Trong ảnh: Bút tích Bác Hồ sửa tin của TTXVN. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Điều vinh dự đối với TTXVN nói riêng và phóng viên, biên tập viên nói riêng là không chỉ được Bác dạy cách viết tin, chụp ảnh, cách dịch và phiên âm tiếng nước ngoài mà Người còn tự tay sửa từng câu, từng từ.

Một số phóng viên của TTXVN hiện còn giữ được những kỷ niệm quý về Bác: đó là bản tin phóng viên viết đã được tự tay Bác sửa lại tỷ mỉ, cẩn thận từ dấu chấm, dấu phẩy, tin ngắn gọn súc tích, rõ và hay.

Không chỉ chữa tin, bài, Bác Hồ còn dành cho phóng viên TTXVN nhiều ưu ái khác như được phỏng vấn Bác. Bản tin của VNTTX ngày 6/7/1954, đã đăng bài phóng viên VNTTX phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự tiến triển của Hội nghị Geneva về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương và tiền đồ của Hội nghị đó.

Bác Hồ là người khởi xướng phong trào thi đua yêu nước và Bác đã tặng Huy hiệu của Người cho những cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua ấy. Nguồn để xét thưởng Huy hiệu là bản tin VNTTX và các báo khác. Bác đọc tin của VNTTX và các báo từng ngày và dặn Văn phòng chú ý chọn những gương “người tốt, việc tốt” để Bác xét tặng Huy hiệu.

Trước khi đi xa, Bác còn nhận xét bản tin nhanh 7 giờ ngày hôm đó của VNTTX. Đó là lần nhận xét cuối cùng của Bác đối với tin của VNTTX. Giấy Người viết toàn bộ đoạn mở đầu bản Di chúc trước lúc "từ biệt thế giới" là mặt sau của tờ tin Tham khảo đặc biệt của VNTTX ngày 3/5/1969.

Tiếc thương Bác vô hạn, trong lễ truy điệu Người ngày 11/9/1969 do cơ quan tổ chức, Bộ Biên tập, Thường vụ Đảng ủy và Công đoàn TTXVN đã nhắc lại công ơn trời biển, những kỷ niệm sâu sắc của Bác đối với VNTTX và hô vang 7 lời thề để thực hiện tốt những điều Bác Hồ dạy và học tập tấm gương của Bác đưa sự nghiệp thông tấn ngày càng phát triển, phục vụ đắc lực công cuộc giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước lên chủ nghĩa xã hội./.

“Các đồng chí còn nhớ đến hình ảnh rất đẹp đẽ và rất thấm thía đối với mỗi người chúng ta: Trong thời kỳ kháng chiến, Hồ Chủ tịch đã ngồi trên một cái ghế bằng tre, trước mặt cái bàn bằng nứa, chữa tin cho VNTTX. Một Cụ Chủ tịch Đảng, Chủ tịch Nhà nước trăm công nghìn việc như vậy, kháng chiến tin tức dồn dập về, rồi thì chỉ thị hỏi cái này, cái kia khẩn trương như vậy mà Hồ Chủ tịch có lúc (không phải Hồ Chủ tịch ngày nào cũng làm việc này) và nhiều lúc ngồi chữa tin của VNTTX. Và chính Hồ Chủ tịch có khi gọi đồng chí phụ trách VNTTX đến chỉ thị trực tiếp nếu có một vấn đề gì quan trọng... Và cho đến bây giờ Hồ Chủ tịch cũng có khi trực tiếp chỉ thị cho VNTTX về một vấn đề gì gấp rút và quan trọng” [Phát biểu của đồng chí Trường Chinh khi đến thăm VNTTX ngày 15/9/1959]

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục