Việc thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được dự báo sẽ tạo hàng triệu cơ hội việc làm mới cho lao động Việt Nam vào năm 2025. Tuy nhiên, những ngành nghề mà các nước thành viên ASEAN đã công nhận lẫn nhau và được phép di chuyển tự do chỉ chiếm 1,5% tổng số việc làm trong khu vực ASEAN, những công việc này đều đỏi hỏi trình độ nghề và kỹ năng cao.
Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Thị trường lao động Việt Nam sau khi thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN” do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Manpower Group tổ chức ngày 13/1 tại Hà Nội.
Theo dự báo của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), khi tham gia vào thị trường ASEAN, số việc làm của Việt Nam đến năm 2025 có thể tăng lên 14,5%. Điều này có nghĩa, Việt Nam đang có hơn 53 triệu lao động và sẽ có thêm 14,5 triệu lao động khác tìm được việc làm vào năm 2025.
Các thỏa thuận công nhận kỹ năng lẫn nhau trong 8 lĩnh vực gồm: Dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ điều dưỡng, dịch vụ kiến trúc, dịch vụ khảo sát, dịch vụ kế toán, hành nghề y khoa, nha khoa, và dịch vụ du lịch.
Hiện nay, lao động có kỹ thuật thường di chuyển đến các nước Singapore, Malaysia và Thái Lan… Các chuyên gia cho rằng, năng suất lao động thấp, thiếu lao động tay nghề, trình độ ngoại ngữ vá các kỹ năng mềm khác đang khiến lao động của Việt Nam yếu thế trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường lao động khi hội nhập AEC.
Ông Simon Matthews Giám đốc của Manpower Group Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông cho biết: Hiện nay, việc di chuyển lao động trong khu vực chủ yếu là những lao động không có kỹ năng nhưng khi thành lập cộng đồng chung AEC, việc di chuyển lao động có kỹ năng sẽ tăng.
“Bản thân người lao động muốn hội nhập, di chuyển trogn AEC cần chuẩn bị đủ các kỹ năng làm việc theo nhóm, ngoại ngữ, kỹ năng sử dụng máy tính thông thạo, nắm bắt được yếu tố kỹ thuật mới…” ông Simon Matthews nhấn mạnh.
Bà Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết mặc dù AEC hình thành cho phép dịch chuyển lao động trong một số ngành có kỹ năng cao nhưng hiện nay khung trình độ quốc gia trong khối ASEAN vẫn tồn tại những khoảng cách đáng kể nên việc thực hiện di chuyển tự do trong các ngành nghề này cũng còn nhiều khó khăn.
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết thêm, việc cấp phép cho lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam vẫn thực hiện theo quy định của Bộ Luật Lao động. Đối với những nghề được phép tự do dịch chuyển trong khu vực ASEAN cũng cần có thời gian để các nước công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn kỹ năng nghề.
Ngoài ra việc thỏa thuận tự do dịch chuyển trong 8 ngành nghề, các nước ASEAN cũng thỏa thuận chung về việc tạo điều kiện di chuyển lao động qua biên giới. Số lao động dịch chuyển trong ASEAN hiện nay cũng chủ yếu là lao động có trình độ thấp./.
AEC là một trong ba trụ cột của Cộng đồng kinh tế ASEAN (Cộng đồng kinh tế- an ninh, Cộng đồng kinh tế và Cộng đồng văn hóa- xã hội ). Cơ chế hợp tác có hiệu lực từ ngày 1/12/2015 với quy mô dân số trên 600 triệu dân và GDP khoảng 2.500 tỷ USD./.