APEC 2022: Những lợi ích kinh tế cho nước chủ nhà Thái Lan

Ngành du lịch Thái Lan đang gặt hái được những lợi ích tức thì, ước tính khoảng 10.000 đại biểu, doanh nhân và nhà báo đã đến Thái Lan trong năm nay để tham dự hàng trăm cuộc họp liên quan đến APEC.
APEC 2022: Những lợi ích kinh tế cho nước chủ nhà Thái Lan ảnh 1Quang cảnh bên ngoài Trung tâm Hội nghị quốc gia Queen Sirikit, địa điểm tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC, tại Bangkok, Thái Lan, ngày 2/11. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, trong bối cảnh Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đang diễn ra tại thủ đô của Xứ sở Chùa Vàng, một số nhà phân tích đã đánh giá những lợi ích kinh tế của Thái Lan với tư cách là nước chủ nhà APEC năm nay. 

Lợi ích đầu tiên là về du lịch. Khi thế giới đang dần thoát khỏi tác động của đại dịch COVID-19, các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên APEC có cơ hội gặp gỡ trực tiếp và điều này có thể dẫn đến sự hợp tác chặt chẽ hơn.

Ngành du lịch Thái Lan đang gặt hái được những lợi ích tức thì. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Tanee Sangrat, ước tính có khoảng 10.000 đại biểu, doanh nhân và nhà báo đã đến Thái Lan trong năm nay để tham dự hàng trăm cuộc họp liên quan đến APEC.

Lượng khách du lịch của Thái Lan trong năm nay dự kiến sẽ đạt 10 triệu lượt, một sự hồi sinh ngoạn mục so với con số chỉ 427.869 lượt vào năm ngoái khi cả thế giới vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.

[Khai mạc Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 29 tại Thái Lan]

Phó phát ngôn chính phủ Thái Lan Trisulee Trisaranakul đã bày tỏ lạc quan về khả năng đạt được mục tiêu nói trên và cho biết 7,56 triệu lượt khách du lịch nước ngoài đã đến nước này trong 10 tháng đầu năm.

Tổng Cục Du lịch Thái Lan (TAT) dự đoán sẽ có thêm 3 triệu lượt khách du lịch đến Thái Lan trong 2 tháng cuối năm, giúp hoàn thành mục tiêu 10 triệu lượt.

Thứ hai, vị thế chủ nhà APEC 2022 giúp Thái Lan có cơ hội thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Hành lang kinh tế phía Đông vào thời điểm quan trọng, khi căng thẳng địa chính trị gia tăng và thế giới phải vật lộn với hậu quả của đại dịch.

Căng thẳng giữa hai cường quốc kinh tế đầu tàu thế giới đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu và buộc nhiều công ty đa quốc gia hay các nhà sản xuất lớn của Trung Quốc phải chuyển cơ sở sản xuất tới các nước châu Á khác. 

Thứ ba là những lợi ích về hợp tác tài chính. Để nâng cấp lên nền kinh tế số, Ngân hàng trung ương Thái Lan (BOT) và Bộ Tài chính Thái Lan đã phát triển các hệ thống thanh toán số trong nước và thanh toán xuyên biên giới.

Trong cuộc họp của các bộ trưởng tài chính APEC vào tháng 10, BOT đã trình bày kinh nghiệm về hệ thống thanh toán xuyên biên giới thông qua các phương tiện số, chẳng hạn như thanh toán QR. Hiện tại, Thái Lan đã bắt tay với Campuchia, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Singapore và Việt Nam về thanh toán QR xuyên biên giới.

BOT cho biết người dùng có thể nhận các giao dịch tài chính qua điện thoại di động nhờ kết nối của cơ chế PromptPay của Thái Lan và PayNow của Singapore.

APEC hiện bao gồm 21 nền kinh tế thành viên cả phát triển và đang phát triển. Theo trang apec.org, APEC hiện có tổng dân số 2,9 tỷ người, tương đương 38% dân số thế giới, với tổng GDP của cả khối năm 2020 là 52.000 tỷ USD, chiếm 62% GDP thế giới.

Tổng thương mại của 21 nền kinh tế trong khối cộng lại chiếm 48% thương mại toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục