Ngày 4/1, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết nước này đã điều 3.000 binh sỹ thuộc lực lượng dự bị để ứng phó với thảm họa cháy rừng đang hoành hành ở nước này.
Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Morrison cho biết sẽ tăng cường lực lượng trên bộ, tăng cường máy bay trên bầu trời và tàu trên biển."
Ngoài ra, một thiếu tướng cũng đã được giao nhiệm vụ giám sát toàn bộ hoạt động ứng phó của quân đội đối với nạn cháy rừng, trong khi một máy bay trực thăng HMAS Adelaide được triển khai tới hỗ trợ nỗ lực dập lửa.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne, đây là đợt triển khai lực lượng dự bị quy mô lớn đầu tiên trong lịch sử nước này.
Trong những tháng qua, quân đội Australia đã tích cực tham gia công tác dập tắt cháy rừng tại nhiều khu vực ở nước này, cung cấp sự hỗ trợ trong các nỗ lực tìm kiếm, cứu nạn, hậu cần...
Tính đến thời điểm này, khoảng 2.000 binh sỹ đã được triển khai.
Ở thị trấn ven biển Mallacoota, Hải quân Australia cũng đã được điều động để sơ tán khoảng 1.000 người mắc kẹt do cháy rừng.
Thủ hiến bang New South Wales Gladys Berejiklian cho biết "bang này đã trải qua một ngày khủng khiếp nữa" và kêu gọi mọi người ở những khu vực bị hỏa hoạn đe dọa nên sơ tán ngay nếu có thể.
Hàng chục nghìn người Australia đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn do cháy rừng dự báo sẽ diễn biến nghiêm trọng hơn trong ngày 4/1, đe dọa biến hàng chục địa danh du lịch từng tấp nập du khách thành những "thành phố ma."
Ở thành phố Vịnh Batemans, các siêu thị, cửa hàng và quán bar đều đã đóng cửa. Nơi duy nhất còn hoạt động là trung tâm lánh nạn, nơi tá túc của hàng trăm người dân trong các lều trại hoặc trên xe tải.
Tình trạng khẩn cấp đã được ban bố ở khu vực đông dân cư phía Đông Nam Australia và hơn 100.000 người ở 3 bang của nước này đã được lệnh đi sơ tán.
Cùng ngày, nhà chức trách Australia cho biết 2 người đã thiệt mạng do cháy rừng, trong khi công viên quốc gia trên đảo Kangaroo - địa danh du lịch nổi tiếng của nước này, cũng gần như bị tàn phá hoàn toàn.
Theo nguồn tin cảnh sát, các nạn nhân thiệt mạng do xe của họ bị bắt lửa khi đang chạy qua khu vực gần thành phố Parndana.
[Ngành du lịch Australia thiệt hại hàng trăm triệu USD do cháy rừng]
Trong khi đó, thời tiết khô nóng và gió lớn đã khiến các đám cháy rừng bùng phát dữ dội và lan sang Công viên Quốc gia Flinders Chase, gần như "xóa sổ" địa danh này và đe dọa các khu vực đông dân cư trên đảo Kangaroo.
Cháy rừng bắt đầu bùng phát ở đảo Kangaroo, nằm ở phía Tây Nam thành phố Adelaide, từ ngày 20/12/2019 và đến nay đã thiêu rụi diện tích hơn 1.000 km2. Hiện chính quyền địa phương đã ban bố cảnh báo cháy rừng tại hơn 50% số khu vực trên đảo.
Tuy nhiên, trong ngày 4/1, nhiệt độ đã giảm mạnh, tạo cơ hội cho lực lượng cứu hộ triển khai hoạt động dập lửa. Nhà chức trách dự báo các đám cháy sẽ kéo dài thêm vài ngày nữa.
Khối không khí nóng, một trong những yếu tố khiến các đám cháy rừng bùng phát dữ dội, đang di chuyển sang hướng Bắc và hướng Đông, tới phần còn lại của Australia.
Kể từ cuối tháng 9/2019 đến nay, ít nhất 20 người đã thiệt mạng, hàng chục người mất tích và hơn 1.300 ngôi nhà bị tàn phá. Cháy rừng đã thiêu rụi diện tích gần bằng nước Bỉ hoặc đảo Hawaii của Mỹ./.