Ba Lan muốn Liên minh châu Âu thay đổi quan điểm về cải cách tư pháp

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho rằng đối thoại giữa Ba Lan với Ủy ban châu Âu liên quan đến chương trình cải cách tư pháp sẽ diễn ra "chậm nhưng chắc."
Ba Lan muốn Liên minh châu Âu thay đổi quan điểm về cải cách tư pháp ảnh 1Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki (giữa). (Nguồn: Getty)

Ngày 11/1, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki bày tỏ hy vọng giới chức Liên minh châu Âu (EU) thay đổi quan điểm cứng rắn về những cải cách tư pháp mà nước này vừa thông qua và bị Brussels cho là vi phạm tới nguyên tắc pháp quyền.

Phát biểu với báo giới tại thủ đô Warsaw, Thủ tướng Morawiecki cho rằng đối thoại giữa Ba Lan với Ủy ban châu Âu (EC) liên quan đến chương trình cải cách tư pháp sẽ diễn ra "chậm nhưng chắc," qua đó hai bên có thể tìm được tiếng nói chung và giảm căng thẳng trong vấn đề gây tranh cãi này. Ông nhấn mạnh Vácsava muốn thuyết phục và đảm bảo với EC rằng những cải cách này sẽ giúp hệ thống tư pháp của Ba Lan trở nên độc lập, khách quan và minh bạch hơn. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định Ba Lan sẽ không nhượng bộ.

Nhằm giải xoa dịu căng thẳng sau khi EC kiện Ba Lan liên quan đến chương trình cải cách, Thủ tướng Morawiecki trước đó đã đến Brussels và có cuộc trao đổi với Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker. Tuyên bố của EC cho biết hai nhà lãnh đạo đã có cuộc thảo luận mang tính xây dựng, trong đó bàn thảo chi tiết về những khúc mắc liên quan đến nguyên tắc pháp quyền của EU và một số vấn đề như vai trò của Ba Lan trong liên minh này.

[EP thông qua nghị quyết triển khai cơ chế trừng phạt Ba Lan]

Chính phủ Ba Lan đã bắt đầu đưa ra những thay đổi trong bộ máy tư pháp từ cuối năm 2015, đồng thời tuyên bố những cải cách này là cần thiết để chống nạn tham nhũng và xem xét lại toàn bộ hệ thống tư pháp. EC đã từng cảnh báo Vácsava rằng sự thay đổi này là mối đe dọa tới các nguyên tắc dân chủ và pháp quyền mà Ba Lan đã ký khi gia nhập EU.

Đến cuối tháng 12 năm ngoái, EC đã kích hoạt Điều 7.1, động thái chưa từng có tiền lệ, để khởi kiện Ba Lan liên quan tới chương trình cải cách tư pháp gây tranh cãi của nước này. Theo EC, 13  đạo luật được Chính phủ Ba Lan thông qua trong vòng 2 năm qua đã tạo ra một tình thế mà chính phủ "có thể can thiệp một cách có hệ thống về mặt chính trị vào thành phần, quyền lực, việc thi hành và chức năng" của giới chức tư pháp. Tuy nhiên, EC đưa ra thời hạn 3 tháng để chính phủ Ba Lan cứu vãn tình hình, đồng thời cho biết EC có thể rút lại quyết định nếu Vácsava thực hiện nghiêm chỉnh yêu cầu trên.

Hungary, quốc gia đồng minh của Ba Lan,  tuyên bố sẽ phủ quyết bất kỳ biện pháp nào của EU nhằm vào Warsaw./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục