Những kỷ niệm đẹp về quãng thời gian học tập tại Việt Nam luôn thôi thúc ông Khamphanh Souvannakha (người Lào, sinh năm 1960) tìm gặp lại những thầy cô giáo cũ.
Trở lại Việt Nam nhân chuyến đi công tác dài ngày, ông Khamphanh tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần trở về miền ký ức với manh mối duy nhất là tên ngôi trường ông đã từng theo học, trường Phổ thông Miền núi số 1 Vĩnh Phú…
Lấy cảm xúc làm hành trang
Đến Việt Nam công tác, ông quyết định tìm lại trường lớp và thầy cô giáo cũ. Sau một thời gian hỏi thăm, ông Khamphanh Souvannakha được biết, năm 1997, tỉnh Vĩnh Phú tách ra làm 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ và ngôi trường ông theo học năm xưa, nay được đổi tên là trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Phú Thọ (thuộc xã Hà Lộc, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ). Có được địa chỉ trường, cùng với sự giúp đỡ của một số người bạn Việt Nam nên ông Khamphanh quyết định lên đường ngay lập tức vào sáng sớm hôm sau.
Trong chuyến đi, ông Khamphanh chỉ kịp chuẩn bị những gói quà nhỏ tặng thầy cô cùng ít đồ đạc cá nhân, lái xe lên Phú Thọ trong những ngày đầu Hè oi ả. Đồng hành trong chuyến đi của ông là Thongdeng Sanepaseut (55 tuổi) - người cũng từng học tại trường Phổ thông Miền núi số 1 Vĩnh Phú từ năm 1979-1982. Ông Thongdeng là người khá trầm tính và ít nói nhưng khi nhớ về thầy cô giáo cũ, ông chỉ nhắc đi nhắc lại, “nếu không có những năm tháng học tại Việt Nam thì không có tôi của hiện tại.”
“Thông tin duy nhất tôi có lúc này là địa chỉ trường, ngoài ra không có email, số điện thoại hay thông tin của bất cứ ai. Tôi vẫn cứ đi, lúc quyết định đi, hành trang lớn nhất tôi mang theo là cảm xúc thay vì sự chuẩn bị về lý trí hay vật chất. Mong ước lớn nhất của tôi trong chuyến đi này là được đặt chân về ngôi trường cũ, ôm chầm lấy thầy cô giáo của mình và thăm lại ngôi nhà của bố mẹ nuôi tại đây” - ông Khamphanh chia sẻ.
[Bài 1: Ký ức khó phai về cô giáo tiếng Việt của cựu học sinh Lào]
Trên đường đến thị xã Phú Thọ, ông Khamphanh bồi hồi nhớ lại từng con đường gắn liền với tuổi trẻ của ông, nhớ lại những buổi tối ông và Thongdeng rủ nhau lên thành phố chơi đi bộ qua những con đường quen thuộc này. Một số con đường cũ vẫn còn y nguyên như trong trí nhớ của ông nhưng một số đã thay đổi, nhà dân mọc san sát, đường được trải đường nhựa dễ đi hơn, không còn những “ổ gà, ổ voi” như trước nữa.
Trở về miền ký ức
Đặt chân đến xã Hà Lộc, khi hỏi thăm về trường Phổ thông Miền núi số 1 Vĩnh Phú, ông Khamphanh và Thongdeng rất ngạc nhiên bởi, ngôi trường được người dân xung quanh trìu mến, gọi thân mật bằng cái tên “Trường Lào.” Có lẽ, những khoá học của ông Khamphanh, ông Thongdeng và những khoá sau đấy đã in dấu trong ký ức, lịch sử của mảnh đất Hà Lộc nói chung, người dân nơi đây nói riêng.
May mắn thay, những dãy lớp học cũ ông Khamphanh từng học tại ngôi trường Phổ thông Miền núi số 1 Vĩnh Phú vẫn còn nguyên như trong trí nhớ của ông. Ông chỉ cho Thongdeng lớp học của ông, chỗ ngồi của ông. Đặt chân đến ngôi trường, những kỷ niệm nghịch ngợm, pha nhiều trò của cậu học sinh tuổi 18, 19 ùa về trong suy nghĩ của ông Khamphanh.
Đi tới đâu ông chỉ tới đó, nhớ như in ngôi trường của những năm 1978. Ông nói, khu bao tường bên ngoài trước đây là cái hồ nước, sau giờ học, ông rủ đám bạn xuống hồ bắt cá chọi, con nào chọi thua cho lên chảo để rán ăn. Vào những buổi tối mùa hè nóng bức, ông thường trèo lên nóc dãy lớp học để ngủ, lấy dây buộc chân vào cột chống sét để không bị lăn xuống dưới. Thậm chí, vào tầm chiều, đói, ông cùng các bạn đi nhặt sắn dù luộc ăn, ăn xong ai nấy lăn quay say ngây ngất. Vào trước những ngày thi hết học kỳ hoặc hết năm học, nhà trường thường tổ chức chiếu phim cho học sinh xem, cho đi biển hoặc về Hà Nội thăm lăng Bác Hồ… để động viên tinh thần, giảm bớt những áp lực trước những ngày thi cử.
Đặc biệt, với người sinh ra và lớn lên tại miền Nam đất nước triệu voi, có lẽ mùa Đông Việt Nam để lại ấn tượng sâu đậm nhất. Mùa Đông đến, học sinh Lào được phát những tấm chăn bông dày, khiến ông vô cùng sung sướng. Khi trời trở rét, ông lại chạy ra cửa lớp háo hức, đón mùa Đông…
Những ký ức lần lượt cứ ùa về trong đầu ông Khamphanh, ông vui tới nỗi mặc cơn mùa phùn ngoài trời, cứ lao ra ngoài chỉ chỏ, kể chuyện như đứa trẻ trở về nhà sau một thời gian dài xa cách. “Có lẽ, các thầy bây giờ chắc già hết rồi, thầy trẻ nhất ngày xưa cũng hơn mình đến 10 tuổi nhưng kiểu gì tôi cũng nhận ra thầy cô. Chỉ sợ thầy không nhận ra mình, không kịp hàn huyên câu chuyện bên chén rượu Lào tôi cất công mang qua…” – ông Khamphanh hóm hỉnh nói./.