Bamboo Airways sẽ không chuyển nhượng cổ phiếu dưới 150.000 đồng

Bamboo Airways chỉ chấp thuận trao quyền sở hữu cổ phần cho những nhà đầu tư chiến lược, có quan hệ hợp tác lâu dài và có nhiều đóng góp, hỗ trợ đối với Tập đoàn FLC và hãng hàng không.
Máy bay của hãng hàng không Bamboo Airways. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Máy bay của hãng hàng không Bamboo Airways. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Khẳng định cổ phiếu của Bamboo Airways sẽ không bán ra ngoài nhiều mà sẽ tập trung bán cho các nhà đầu tư, đối tác chiến lược đến từ Mỹ, Nhật, châu Âu… sau khi có dự tính phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào đầu 2020, ông Đặng Tất Thắng, Phó Chủ tịch thường trực hãng hàng không Bamboo Airways, cho biết nếu có nhà đầu tư quan tâm, Bamboo Airways sẽ không chuyển nhượng cổ phiếu dưới 150.000 đồng.

Nhiều nhà đầu tư "dòm ngó" 

Tại sự kiện đón máy bay Boeing 787-9 Dreamliner và giới thiệu cơ hội đầu tư Bamboo Airways chiều ngày 3/12, theo ông Thắng, tháng 11/2019, Bamboo Airways đã chính thức công bố mã cổ phiếu giao dịch là BAV. Cổ phiếu BAV được Công ty Cổ phần Thẩm định giá và Giám định chất lượng Việt Nam (VIVC) định giá 82.280 đồng.

“Bamboo Airways đang được rất nhiều nhà đầu tư, quỹ đầu tư ngoại quan tâm, mong muốn được trở thành cổ đông. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, chỉ có các cổ đông sáng lập và cán bộ nhân viên chính thức của Tập đoàn FLC đang nắm giữ cổ phiếu Bamboo Airways. Ban lãnh đạo Tập đoàn FLC và hãng hàng không Bamboo Airways vẫn quyết định giới hạn đối tượng cổ đông,” ông Thắng cho hay.

Ông cũng quả quyết Tập đoàn FLC và Bamboo Airways chỉ chấp thuận trao quyền sở hữu cổ phần cho những nhà đầu tư chiến lược, có quan hệ hợp tác lâu dài và có nhiều đóng góp, hỗ trợ đối với Tập đoàn FLC và hãng hàng không Bamboo Airways trong quá trình hình thành và phát triển.

[Hãng hàng không Bamboo Airways dự tính sẽ IPO trong năm 2020]

Liên quan đến thông tin Bamboo Airways vừa bán cổ phiếu cho cán bộ, nhân viên Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)-chi nhánh Thanh Xuân với giá ưu đãi 40.000 đồng/cổ phiếu đồng thời cam kết mua lại với giá tối thiểu gấp đôi giá mua (tương đương giá trị cổ phiếu theo định giá của VIVC là 82.280 đồng/cổ phần) sau 6 tháng kể từ thời điểm trở thành cổ đông, ông Thắng cho hay BIDV-chi nhánh Thanh Xuân đã tài trợ nguồn vốn vay cho khu nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn, vì thế bán giá ưu đãi và cam kết mua lại giá gấp đôi thể hiện sự tri ân với đối tác chiến lược ban đầu của Tập đoàn FLC đồng thời cũng để khẳng định sự tự tin về thành công của Bamboo Airways.

“Cá nhân tôi cũng như Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết tin rằng chỉ sau 6 tháng, cổ phiếu BAV không dừng ở con số đó mà con cao hơn rất nhiều, ở mức 3 con số,” ông Thắng tin tưởng.

Sớm hiện thực hóa “giấc mơ”

Ngay trong tháng 12/2019, Bamboo Airways sẽ tiếp nhận máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner. Đây là chiếc máy bay thân rộng đầu tiên trong loạt tàu bay 4 tàu thân rộng sẽ được hãng này liên tục nhận về trong cuối năm 2019 và đầu năm 2020.

Dự kiến, Boeing 787-9 Dreamliner trong thời gian đầu sẽ được Bamboo Airways điều phối khai thác trên các đường bay nội địa như Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội/Thành phố Hồ Chí Minh-Đà Nẵng.

[Bamboo Airways sắp đón Boeing 787-9, mở ''cánh cửa'' nối châu lục]

Ông Thắng cũng cho hay Bamboo Airways vẫn đang tiếp tục kế hoạch mở đường bay thẳng tới Mỹ, việc nhận máy bay thân rộng B787-9 là một trong những bước chuẩn bị, điều kiện quan trọng để Bamboo Airways xúc tiến đường bay thẳng đến Mỹ.

“Hãng cũng sẽ phối hợp với một công ty bên Mỹ để thực hiện việc này. Dự kiến, cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021 Bamboo Airways sẽ bay thẳng đến Mỹ,” vị Phó Chủ tịch thường trực hãng hàng không Bamboo Airways tiết lộ.

Với đội tàu bay có quy mô 25-30 chiếc mới sẽ giúp ổn định lịch điều hành, khai thác và mở rộng mạng lưới bay thương mại, Bamboo Airways kỳ vọng chắc chắn sẽ có lãi từ đầu năm 2020.

Bamboo Airways sẽ không chuyển nhượng cổ phiếu dưới 150.000 đồng ảnh 1Quy mô đội tàu bay của hãng hàng không Bamboo Airways từ thời điểm cất cánh tháng 1/2019 cho đến nay. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Tuy nhiên, lãnh đạo Bamboo Airway cũng nhấn mạnh rằng bay thẳng hay bay qua đường trung chuyển để đến Mỹ sẽ còn phải cân nhắc bởi liên quan đến hiệu quả doanh thu, chi phí lợi nhuận của hãng.

[Chủ tịch Tập đoàn FLC: Đường bay thẳng Việt Nam-Mỹ sẽ không lỗ]

Trả lời câu hỏi thời gian tới hãng “ồ ạt” nhận tàu bay mới liệu có dừng việc "thuê ướt" [thuê luôn cả tàu bay và phi hành đoàn-PV], ông Thắng thừa nhận việc thành lập Bamboo Airways đã là kỳ tích của hãng hàng không bởi chỉ sau 11 tháng tăng từ 6 lên 20 tàu bay.

“Không có hãng hàng không ‘start up’ nào có phát triển đột phá này. Bamboo Airways có làm việc và thuê ướt đội tàu bay nhưng đến hiện tại chỉ còn 1 nhà thuê ướt phía Thổ Nhĩ Kỳ. Sau năm 2020, hãng sx cắt giảm thuê ướt và toàn bộ nguồn lực con người sẽ là Bamboo Airways,” ông Thắng nói.

Ông cũng cho biết thêm trước khi ổn định đội tàu bay, hãng đã phát triển đào tạo nguồn nhân lực hàng không 5 sao đồng thời với việc hoàn thiện đội bay và tới đây sẽ làm bộ nhận diện tàu bay. Với những nỗ lực này, hãng kỳ vọng sẽ nhận chứng chỉ hàng không 5 sao sớm từ Tổ chức đánh giá và xếp hạng hàng không Anh (Skytrax)./.

Bamboo Airways thành lập vào năm 2017, chính thức khai thác thương mại vào tháng 1/2019. Hãng đang khai thác trên 30 đường bay nội địa và quốc tế đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc (Đài Loan và Macao). Đội bay của Bamboo Airways dự kiến sẽ đạt 30 máy bay ngay từ cuối năm 2019

Tính đến thời điểm hiện tại, Bamboo Airways đã vận chuyển hơn 2 triệu lượt hành khách với hơn 16.000 chuyến bay an toàn tuyệt đối cùng tỷ lệ lấp đầy hơn 90%. Bamboo Airways hiện cũng là hãng hàng không đúng giờ nhất toàn ngành hàng không Việt Nam, với chỉ số đúng giờ (OTP) trung bình đạt 93,9% trong suốt 11 tháng của năm nay.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục