Bangladesh: Thủ tướng được chỉ định Yunus kêu gọi xây dựng đất nước

Ông Muhammad Yunus, người được chỉ định làm Thủ tướng lãnh đạo Chính phủ lâm thời Bangladesh, nhấn mạnh: "Nếu chúng ta đi theo con đường bạo lực, mọi thứ sẽ bị phá hủy."

Ông Muhammad Yunus phát biểu với báo giới tại Dhaka (Bangladesh) ngày 3/3/2024. (Ảnh: AP/TTXVN)
Ông Muhammad Yunus phát biểu với báo giới tại Dhaka (Bangladesh) ngày 3/3/2024. (Ảnh: AP/TTXVN)

Ngày 7/8, ông Muhammad Yunus, người được chỉ định làm Thủ tướng lãnh đạo Chính phủ lâm thời Bangladesh, đã kêu gọi người dân chung tay "xây dựng đất nước."

Ông Yunus, hiện đang ở Pháp, được chỉ định sau khi Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức và rời khỏi đất nước do biểu tình.

Phát biểu một ngày trước khi về nước, ông Yunus kêu gọi: "Hãy bình tĩnh và sẵn sàng xây dựng đất nước," đồng thời nhấn mạnh: "Nếu chúng ta đi theo con đường bạo lực, mọi thứ sẽ bị phá hủy."

Ông Yunus đưa ra lời kêu gọi trên trong bối cảnh biểu tình bạo lực nhiều tuần qua tại Bangladesh đã khiến ít nhất 455 người thiệt mạng.

Tổng thống đã giải tán Quốc hội ngày 6/8, theo yêu cầu của các lãnh đạo sinh viên và cựu đảng đối lập đảng Dân tộc Bangladesh (BNP).

Hiện có rất ít thông tin thêm về chính phủ được lên kế hoạch như thế nào, nhưng ông Yunus cho biết sẽ tổ chức bầu cử trong vòng vài tháng tới.

Ông Yunus, 84 tuổi, là nhà tiên phong về tài chính vi mô, đã được trao Giải thưởng Hòa bình năm 2006 nhờ chương trình cho vay quy mô nhỏ dành cho phụ nữ nông thôn để đầu tư vào công cụ nông trại hoặc thiết bị kinh doanh và tăng thu nhập.

Ông đã sang Pháp hồi đầu năm nay trong thời gian chờ kháng cáo phán quyết sáu tháng tù giam của một tòa cấp thấp liên quan đến vấn đề lao động. Ngày 7/8, tòa án cấp cao hơn đã tuyên ông Yunus trắng án.

Pháp và Ấn Độ khuyến cáo đi lại

Lo ngại trước tình hình Bangladesh, Bộ Ngoại giao Pháp ngày 7/8 đã khuyến cáo công dân hạn chế đến quốc gia Nam Á này dù tình hình đang có vẻ đã lắng dịu.

Cùng ngày, Ấn Độ đã sơ tán tất cả nhân viên không thiết yếu và gia đình họ khỏi đại sứ quán và lãnh sự quán tại nước láng giềng Bangladesh.

Trước đó ngày 4/8, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã đưa ra khuyến cáo cho công dân nước này không nên tới Bangladesh.

Cùng ngày, các hãng hàng không Ấn Độ, bao gồm Air India, Vistara và IndiGo, đã nối lại các dịch vụ bay đến Dhaka sau một ngày gián đoạn ngắn. Các hãng hàng không cũng đang tạo điều kiện để hành khách sắp xếp lại lịch trình đi lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục