Bầu cử Mỹ: Tổng thống Trump đặt cược vào "tượng đài lịch sử"

Tổng thống không còn quan tâm đến COVID-19 mà thay vào đó ông đang cố gắng trở thành người bảo vệ những bức tượng lịch sử của nước này. Điều gì ẩn sau động thái của Tổng thống Trump?
Bầu cử Mỹ: Tổng thống Trump đặt cược vào "tượng đài lịch sử" ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc vận động tranh cử ở Tulsa, bang Oklahoma. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Tạp chí Der Spiegel, Tổng thống Mỹ Donald Trump hầu như không còn quan tâm đến đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19) nữa.

Thay vào đó, ông đang cố gắng trở thành người bảo vệ những bức tượng lịch sử của nước này. Điều gì ẩn sau động thái của Tổng thống Trump?

Khi Tổng thống Trump bước ra ngoài cánh cửa Nhà Trắng, ông có thể nhìn thấy các bức tượng, đài tưởng niệm, công trình tưởng nhớ ở khắp mọi nơi.

Ở bên này là quảng trường Lafayette với các bức tượng của các cựu quân nhân như Andrew Jackson, Baron von Steuben hay Marquis de Lafayette. Bên kia là đài tưởng niệm cố Tổng thống George Washington, ngay đằng sau đó là đài tưởng niệm cố Tổng thống Thomas Jefferson và "khu vườn của tình hữu nghị Mỹ-Đức" - một công viên nhỏ nằm ở phía Nam Nhà Trắng, được tạo ra bởi cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và cố Thủ tướng Đức Helmut Kohl.

Tại thủ đô Washington và nhiều thành phố lớn khác ở Mỹ có rất nhiều công trình tưởng niệm như vậy. Từ trước tới nay Tổng thống Trump hầu như không hề quan tâm tới các công trình này.

Chỉ từ sau khi một số di tích bị những người biểu tình phá hủy hoặc bôi bẩn trong phong trào Black Lives Matter (tạm dịch "Sinh mạng của người da đen cũng đáng quý"), ông Donald Trump mới chú ý đến chủ đề này. Giờ đây ông muốn ấn định cách thức mà người Mỹ nhìn nhận về lịch sử và những nhân vật quan trọng của nước này.

Hầu như không có ngày nào mà ông Trump không kêu gọi những người ủng hộ ông tham gia cuộc chiến chống lại một "bè lũ cánh tả," những người muốn liên kết với ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden để loại bỏ hoàn toàn "lịch sử vĩ đại" và những người "anh hùng" của nước Mỹ.

Trong bài phát biểu tại khu tưởng niệm quốc gia núi Rushmore cuối tuần trước, ông Trump thậm chí còn lớn tiếng tuyên bố rằng "chủ nghĩa phát xít cánh tả cực đoan" đang ngày càng gia tăng ở Mỹ, và chỉ có ông mới có thể bắt nó dừng lại.

Ai dám cả gan nghi ngờ, đó là người không có tổ quốc

Những động thái của ông Trump ngày càng cho thấy rõ rằng ông muốn đưa những tranh cãi về các công trình tưởng niệm này trở thành một phần quan trọng trong chiến dịch tranh cử của ông nhằm tránh một thất bại được dự báo vào ngày bầu cử 3/11 tới đây.

Ông đã giảm dần việc đề cập đến đại dịch COVID-19, trong khi tăng cường tuyên truyền về chủ đề những công trình tưởng niệm. Tổng thống cũng đã tuyên bố thành lập một công viên dành cho những bức tượng, nơi sẽ đặt tượng của các vị anh hùng vĩ đại trong lịch sử nước Mỹ. Nhóm vận động tranh cử của Trump thậm chí còn nghĩ tới việc sẽ đặt các bức tượng tại nơi Tổng thống Trump vận động tranh cử.

Bầu cử Mỹ: Tổng thống Trump đặt cược vào "tượng đài lịch sử" ảnh 2Người biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc tập trung phía trước Nhà Trắng tại Washington D.C., Mỹ, ngày 24/6/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Đài truyền hình ABC của Mỹ cho biết đề xuất này đang được xem xét, trong đó ý tưởng là đặt hình ảnh của những người sáng lập nước Mỹ tại nơi ông Trump vận động tranh cử.

Như vẫn thường thấy ở Trump, trong cuộc tranh cãi về các công trình tưởng niệm này ông thể hiện nhiều điểm lộn xộn. Một mặt, ông cam kết bảo tồn các bức tượng của những tướng lĩnh của Liên minh miền Nam (trong cuộc nội chiến Mỹ, giai đoạn 1861-1865) - điều này biểu thị sự đồng tình ủng hộ những người phân biệt chủng tộc tại Mỹ.

Mặt khác, ông cũng muốn trong công viên các bức tượng của mình có hình ảnh của những chiến binh da đen chống lại chế độ nô lệ như Frederick Doulass - điều thể hiện "ý tưởng trong sáng" của ông.

Đối với Tổng thống Trump, các công trình tưởng niệm này không nên bị đập phá nữa, chúng vẫn nên tồn tại trong thực tế, bất kể những người hùng của nước Mỹ này đã thực hiện bao nhiêu điều bất công, vi phạm quyền con người trước đây. Điều đó cũng dựa trên quan điểm chính trị gây nhiều chia rẽ của ông Trump: lịch sử nước Mỹ dưới góc nhìn của ông về nguyên tắc là tốt; nếu ai dám nghi ngờ điều này, đó là một kẻ gây rối và là người không có tổ quốc.

Có những loại công trình tưởng niệm nào?

Trong cuộc tranh luận tại Mỹ về các bức tượng, người ta phải phân biệt rõ ít nhất ba nhóm khác nhau. Nhóm thứ nhất, đó là tượng của những người sáng lập nước Mỹ như George Washington hay Thomas Jefferson. Họ là những người anh hùng dân tộc, rất nhiều người thuộc phe Dân chủ không muốn đụng đến tượng của họ.

Nhưng những người chỉ trích, nhất là thuộc phe cánh tả và người thuộc phong trào "Black Lives Matter" thì cho rằng tượng của Washington hay Jefferson cũng cần phải loại bỏ, vì cả hai đều sở hữu nô lệ trong thế kỷ 18.

[Tổng thống Mỹ phản đối bỏ tượng cố Tổng thống Roosevelt ở New York]

Ở New York, một bức tượng của Washington cũng bị người biểu tình bôi bẩn, khiến ông Trump phải lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ. Ông tin rằng khi ông nói đến việc phải bảo vệ các công trình tưởng niệm George Washington, ông sẽ chắc chắn nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người Mỹ.

Nhóm thứ hai, đó là những công trình tưởng nhớ Liên minh miền Nam. Trump thích nói về việc bảo vệ "lịch sử vĩ đại của nước Mỹ." Đối với ông, điều đó rõ ràng bao gồm việc bảo vệ các bức tượng của các tướng lĩnh thuộc Liên minh miền Nam như Robert F. Lee hay Thomas Stonewall Jackson.

Với những tướng lĩnh này và nhiều người khác thuộc thời kỳ nội chiến, người ta dễ nhận thấy rằng ông Trump bảo vệ họ vì ông biết rằng cử tri của mình ở các bang miền Nam như Nam Carolina, Georgia hay Texas ủng hộ điều đó.

Cũng vì lý do này nên Trump hầu như không hề chỉ trích những người cứng rắn ở miền Nam - những người vẫn luôn treo cờ của Liên minh miền Nam trước cửa nhà của họ (hoặc trong các buổi vận động tranh cử của Trump).

Ngược lại, đối với rất nhiều người Mỹ khác thì tất cả những điều đó đều thật kinh khủng. Với họ, các bức tượng cũng như lá cờ của Liên minh miền Nam rõ ràng đều là biểu tượng của chế độ nô lệ, phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi thuộc đảng Dân chủ cho rằng những người lãnh đạo Liên minh miền Nam là những "kẻ phản bội," tượng của họ không nên tồn tại lâu thêm nữa. Cuối cùng, nhóm thứ ba là những trường hợp đặc biệt phức tạp.

Có thể kể đến như trường hợp cố Tổng thống Ulysses S. Grant - tượng của ông ở San Francisco đã bị người biểu tình phá nát. Điều đó có vẻ vô lý vì Grant là vị tướng hàng đầu của Liên bang miền Bắc, người đóng vai trò quyết định trong việc đánh bại Liên minh miền Nam trong cuộc nội chiến Mỹ.

Cùng với lực lượng của mình, ông đã trực tiếp giải phóng hàng nghìn nô lệ khỏi các nhà tù. Tuy nhiên, các nhà phê bình cánh tả cáo buộc rằng sau này trên cương vị Tổng thống Mỹ, Ulysses S. Grant đã đóng vai trò lớn trong việc đàn áp những người thổ dân bản địa. Ngoài ra, gia đình ông cũng sở hữu nhiều nô lệ cho tới cuộc nội chiến vì cha vợ ông điều hành một đồn điền.

Người ta nên đối xử với những bức tượng này cũng như những bức tượng của nhiều người khác như thế nào? Trong điều kiện bình thường, có lẽ việc tham vấn ý kiến của các sử gia và chuyên gia sẽ được thực hiện, trên cơ sở đó sẽ đưa ra quyết định giữ lại bức tượng nào và loại bỏ bức tượng nào cho phù hợp. Cũng có thể sẽ có ý tưởng đặt các tấm bảng giải thích bên cạnh các bức tượng để giải thích về bối cảnh lịch sử và ý nghĩa của từng công trình.
Nhưng Tổng thống Trump thì không làm vậy. Tất cả các nhân vật và bối cảnh lịch sử của họ đều được cho vào "cùng một nồi," trộn với "nước sốt dân túy" đặc trưng của ông.

Bầu cử Mỹ: Tổng thống Trump đặt cược vào "tượng đài lịch sử" ảnh 3Tượng Tướng Albert Pike bị người biểu tình kéo đổ tại Wahsington, DC, Mỹ, tối 19/6/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Washington, Lee, Stonewall Jackson, Lincoln, tất cả đối với ông Trump đều đột nhiên trở nên quan trọng như nhau và có giá trị ngang nhau, đều được Tổng thống Trump bảo vệ. Ông Trump rõ ràng tin rằng mình đã tìm thấy một chủ đề tuyệt vời để có thể huy động đông đảo quần chúng tham gia vào một phong trào yêu nước lớn. Liệu tính toán của ông có thực sự mang lại hiệu quả và chiến dịch bảo vệ các công trình tưởng niệm có mang về cho ông thêm nhiều lá phiếu ủng hộ, điều này vẫn mang đến nhiều nghi ngờ.

Loại bỏ các bức tượng của những người lãnh đạo Liên minh miền Nam

Nhiều người Mỹ hiện tại không muốn nghe Tổng thống của họ nói bất cứ điều gì về các bức tượng, ngược lại họ rất muốn biết ông đang làm những gì để chống lại đại dịch COVID-19 đang ngày càng lan rộng một cách không kiểm soát tại nước này.

Xu hướng hiện tại chống lại Trump, tất nhiên vẫn còn nhiều người cứng rắn ủng hộ Trump, và cũng vẫn còn nhiều sự phân biệt chủng tộc. Trong các cuộc thăm dò dư luận những tuần qua, có tới trên 90% người Mỹ cho rằng sự phân biệt đối xử với những người da đen ở nước này là một "vấn đề." Hơn 70% coi đó là một "vấn đề nghiêm trọng." Đa số người dân cũng ủng hộ việc loại bỏ các bức tượng của những người lãnh đạo Liên minh miền Nam.

Cái chết của người đàn ông da màu George Floyd và các cuộc biểu tình sau đó của phong trào "Black Lives Matter" có thể đã tạo ra nhiều thay đổi và định hướng lại, hơn là suy nghĩ của Trump. Một số thay đổi này có thể nhỏ nhưng lại mang một sức mạnh biểu tượng to lớn. Một điều gì đó đã và đang dịch chuyển.

Bang Mississippi gần đây đã quyết định loại bỏ biểu tượng của Liên minh miền Nam khỏi lá cờ của bang này. Đó là một cuộc cách mạng, trong nhiều thập kỷ qua họ đã mạnh mẽ chống lại điều này nhưng chưa làm được. Washington Redskins- một đội bóng đá- có thể sẽ sớm thay đổi tên gọi của mình. Đó cũng sẽ là một sự thay đổi vì từ lâu, đại diện của thổ dân da đỏ đã chỉ trích cái tên này mang tính phân biệt chủng tộc, nhưng đến nay vẫn chưa thành công trong việc đổi tên đội bóng. Điều tương tự cũng có thể xảy ra đối với đội bóng chày Cleveland Indians.

Các đội bóng chỉ được thay đổi tên gọi cho chính xác về mặt chính trị. Tổng thống Trump cho rằng chủ trương đó của ông sẽ hướng đến "đa số im lặng ở trong nước." Điều đó liệu có đúng không? Ông Trump đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 vì ông đã thể hiện được quan điểm phù hợp về một số vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới đại bộ phận dân chúng Mỹ. Có thể điều đó sẽ lặp lại. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, nhiều khả năng lần này ông đã nhận định sai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục