Ngày 19/11, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã thúc giục các nhà đàm phán tại Hội nghị biến đổi khí hậu Liên hợp quốc về sự cần thiết của việc đạt được một thỏa thuận khí hậu mang tính ràng buộc pháp lý vào năm 2015.
Phát biểu tại phiên họp cấp cao Hội nghị biến đổi khí hậu Liên hợp quốc đang diễn ra ở thủ đô Warsaw của Ba Lan, Tổng thư ký Ban Ki-moon khẳng định biến đổi khí hậu đang đe dọa các thế hệ hiện tại cũng như tương lai của thế giới.
Theo ông Ban Ki-moon, thế giới không cần phải chứng kiến thêm một thảm họa tương tự như những gì vừa diễn ra ở Philippines mới có thể nhận thức thấu đáo về những hậu quả khủng khiếp có thể xảy ra khi Trái Đất ấm dần lên.
Tổng thư ký Ban Ki-moon cũng bày tỏ cảm thông sâu sắc với những nạn nhân bị ảnh hưởng của cơn bão Haiyan và thể hiện quan ngại trước những nỗ lực chưa đủ của cộng đồng quốc tế trong việc giới hạn nhiệt độ Trái Đất không tăng lên quá 2 độ C vào năm 2100 so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Cũng theo người đứng đầu tổ chức lớn nhất hành tinh, mặc dù các phái đoàn đàm phán tham gia hội nghị biến đổi khí hậu năm nay đã đạt được nhất trí về việc sẽ hoàn tất thỏa thuận pháp lý toàn cầu chống biến đổi khí hậu vào năm 2015, song những thách thức phía trước vẫn vô cùng lớn.
Tổng thư ký kêu gọi các phái đoàn đàm phán "cấp thiết" hành động trong bốn lĩnh vực gồm phê chuẩn giai đoạn cam kết thứ 2 của Hiệp ước Kyoto; tăng cường tài chính, trong đó có tài chính dài hạn và Quỹ khí hậu xanh; nhất trí chương trình hành động toàn diện ứng phó với thách thức khí hậu và đặt nền móng vững chắc cho thỏa thuận khí hậu vào năm 2015.
Cùng phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc John Ashe thúc giục các nhà đàm phán hành động thực tế hơn, nhất là sau khi đã được chứng kiến những thảm họa thiên nhiên tàn khốc xảy ra trong thời gian gần đây.
Chủ tịch Ashe kiên định theo đuổi các biện pháp ứng phó quyết liệt, đồng thời thúc giục các chính phủ đưa ra tầm nhìn dài hạn trên tinh thần đặt lợi ích chung của nhân loại lên trên những toan tính chính trị và lợi ích hẹp hòi.
Những lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh Hội nghị biến đổi khí hậu hầu như chưa đạt được bất kỳ tiến triển nào dù chỉ còn ba ngày nữa sẽ bế mạc.
Hiện các phái đoàn đàm phán vẫn bế tắc trong nhiều vấn đề mang tính quyết định như hạn mức cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển, chuyển giao công nghệ và hạn ngạch mua bán khí thải cácbon...
Về lĩnh vực tài chính, nhóm nước đang phát triển muốn các nước phát triển giữ lời hứa đưa ra năm 2009 về việc tăng tiền tài trợ lên 100 tỷ USD/năm kể từ năm 2020 để giúp các nước đang phát triển ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, do nhiều nước phát triển đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu nên nhiều nước trong số này không muốn đưa ra bất kỳ con số cam kết tài trợ nào cho cột mốc từ sau năm 2020. Dự kiến vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luận trong ngày 20/11.
Hội nghị Warsaw khởi đầu tiến trình hai năm thương lượng dự kiến kết thúc vào năm 2015 tại Paris nhằm tiến tới một hiệp định tổng quan đầy tham vọng và mang tính ràng buộc pháp lý trong việc cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân gây ra hiện tượng Trái Đất nóng lên.
Nếu được ký kết, hiệp định tương lai này sẽ tiếp nối Nghị định thư Kyoto vào năm 2020, đồng thời buộc Mỹ và một số nước mới nổi - trong đó có Trung Quốc - phải tham gia vào nỗ lực chung cắt giảm khí thải toàn cầu./.