Ngày 24/11, hệ thống giao thông tại các tỉnh Hainaut, Luxembourg, Limbourg và Antwerp đã bị tê liệt do biểu tình.
Đợt biểu tình này là đợt luân phiên đầu tiên tại các tỉnh do các nghiệp đoàn lao động thuộc vùng Wallonia và Flanders tổ chức nhằm phản đối chính sách kinh tế khắc khổ của Thủ tướng Charles Michel.
Tại tỉnh Hainaut, toàn bộ hoạt động giao thông bị ngưng trệ, từ dịch vụ đường sắt đến hàng không tại sân bay Charleroi. Tại tỉnh Luxembourg, 30% hoạt động của phương tiện công cộng bị ảnh hưởng. Nhiều cửa hàng tại trung tâm thương mại lớn của tỉnh Tournai buộc phải đóng cửa do người biểu tình vây hãm.
Hệ thống đường sắt nối thủ đô Brussels với các thành phố Tournai và Charleroi bị tê liệt. Hoạt động tại cảng Antwerp và hệ thống giao thông đường bộ tại tỉnh này cũng rơi vào tình trạng đình trệ do người biểu tình đặt các rào chắn trên đường cao tốc, vây hãm các ngã tư...
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Lao động Kris Peeters cho biết biểu tình luân phiên gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Bỉ vốn dễ bị tổn thương. Tại những khu vực xảy ra biểu tình, các cửa hàng, siêu thị, xí nghiệp, trường học buộc phải đóng cửa, ngành công nghiệp cũng bị thiệt hại nặng do hoạt động sản xuất bị đình trệ.
Bộ trưởng Kris Peeters cho rằng cần có sự thống nhất giữa các đối tác xã hội và chính phủ để tạo lập một xã hội công bằng.
Theo kế hoạch, biểu tình luân phiên sẽ tiếp tục diễn ra tại tỉnh Namur, Liège, Đông-Tây Flanders vào ngày 1/12, tại thủ đô Brussels và vùng Brabant vào ngày 8/12. Đỉnh điểm là cuộc bãi công trên toàn quốc sẽ diễn ra ngày 15/12.
Trước đó, ngày 6/11, đụng độ giữa cảnh sát và đoàn biểu tình quy mô lớn tại Brussels - với sự tham gia của khoảng 120.000 người, đã khiến 30 người biểu tình và hơn 100 cảnh sát bị thương.
Người lao động Bỉ tổ chức bãi công, biểu tình phản đối chương trình cải cách kinh tế và xã hội của chính phủ mới nhằm tiết kiệm 11 tỷ euro trong năm năm, đồng thời phản đối kế hoạch tăng độ tuổi nghỉ hưu lên 67 tuổi kể từ năm 2030./.