Chính phủ Brazil ngày 4/11 thừa nhận đã do thám một số nhà ngoại giao của Iraq, Iran và Nga nhưng khẳng định các hoạt động trên được thực hiện trong khuôn khổ luật pháp của quốc gia Nam Mỹ này.
Trong số báo ra cùng ngày, căn cứ một báo cáo nội bộ của Cơ quan tình báo Brazil (Abin), tờ Folha de Sao Paulo đã thông báo chi tiết 10 chiến dịch phản gián do Abin tiến hành trong các năm 2003 và 2004.
Trong một chiến dịch có tên Miucha, Abin theo dõi hoạt động của 3 nhà ngoại giao Nga, trong đó có Tổng lãnh sự tại Rio de Janeiro khi đó là Anatoly Kashuba, và đại diện của Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport.
Trong chiến dịch có tên Xá, tình báo Brazil giám sát hoạt động đi lại và các mối quan hệ của các nhà ngoại giao Iran, trong đó có Đại sứ của Iran tại Cuba lúc đó là Seyed Davood Mohseni Salehi Monfare khi ông thăm Brazil tháng 4/2004.
Một nhân viên của Abin được báo tham khảo ý kiến cho rằng việc theo dõi các nhà ngoại giao Iran có thể được thực hiện theo yêu cầu của tình báo nước ngoài. Đây là hình thức hợp tác phổ biến giữa cơ quan mật vụ của các nước.
Năm 2003, khi Mỹ tấn công Iraq, Abin triển khai chiến dịch Café nhằm vào Đại sứ quán của nước này, có thể là để theo dõi những nhà ngoại giao sẽ xin tị nạn. Báo cho biết Đại biện của Iraq, là một trong hai nhà ngoại giao bị tình báo Brazil “bám đuôi”, đã xin và được tị nạn tại nước này.
Ngoài ra, Brazil cũng theo dõi một số phòng được Đại sứ quán Mỹ tại Brasilia thuê để "cất máy tính và thiết bị thông tin" bị Brazil nghi là được sử dụng để hoạt động gián điệp.
Báo cho biết các hoạt động theo dõi của Abin kể trên diễn ra vào thời kỳ đầu của nhiệm kỳ đầu tiên của cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva.
Trong một thông cáo báo chí, Văn phòng an ninh thể chế (GSI) trực thuộc Phủ tổng thống và là cơ quan chủ quản của Abin, khẳng định các hoạt động của Abin là hoạt động “phản gián”, tức là nhằm vào những đối tượng bị nghi ngờ đang do thám Brazil. Các hoạt động đó được tiến hành phù hợp với luật pháp Brazil và nhằm bảo vệ những bí mật của Nhà nước, vì lợi ích quốc gia.
GSI nhấn mạnh việc tiết lộ các thông tin mật là một tội ác và những người chịu trách nhiệm để nó bị rò rỉ sẽ bị xét xử theo luật pháp.
The báo Folha de Sao Paulo, các hoạt động của Abin có quy mô khiêm tốn, theo đó cơ quan này chỉ chụp ảnh, theo dõi hoạt động đi lại của các nhà ngoại giao nước ngoài, nên không thể so sánh với mạng lưới nghe lén điện thoại và do thám thông tin liên lạc qua internet hiện đại mà Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) tiến hành trên phạm vi toàn cầu mới bị báo chí phanh phui.
Báo cáo mật của Abin bị tiết lộ vào lúc Brazil và Đức đang thúc đẩy một nghị quyết của Liên hợp quốc về sự cần thiết chấm dứt các hoạt động do thám điện tử quá mức cũng như việc thu thập dữ liệu vi phạm quyền cá nhân như NSA đã thực hiện./.