Cả nước chung tay chia sẻ khó khăn với các địa phương có dịch COVID-19

Trưa 17/7, hàng chục tấn hàng hóa nông sản, nhu yếu phẩm, thực phẩm khô, rau màu… được tập kết lên xe tải từ thành phố Quy Nhơn, Bình Định để vận chuyển vào TP.HCM hỗ trợ dân vượt qua khăn do dịch.
Cả nước chung tay chia sẻ khó khăn với các địa phương có dịch COVID-19 ảnh 1Nhiều hàng hóa nông sản, thực phẩm của nông dân Bình Định gửi tặng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)

Trưa 17/7, hàng chục tấn hàng hóa nông sản, nhu yếu phẩm, thực phẩm khô, rau màu… đã được tập kết lên xe tải từ thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định để vận chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Đây là số hàng hóa được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Định tiếp nhận từ phát động Tuần lễ cao điểm “Vì Thành phố Hồ Chí Minh thân yêu.”

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Định Hồ Sĩ Dũng cho biết: “Để chia sẻ khó khăn với Thành phố Hồ Chí Minh vượt qua đại dịch COVID-19, đặc biệt là trong thời gian giãn cách xã hội, chúng tôi đã kêu gọi người dân ủng hộ thực phẩm cho đồng bào Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi tiếp nhận các loại rau củ quả, bánh tráng, bún phở khô, hải sản… được người dân hưởng ứng, ủng hộ rất nhiệt tình. Sau đợt đầu này, chúng tôi tiếp tục kêu gọi, tiếp nhận sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong tỉnh Bình Định và nhanh chóng chuyển đến hỗ trợ người dân Thành phố Hồ Chí Minh vượt qua khó khăn, chiến thắng đại dịch.”

Trước đó, tỉnh Bình Định cũng đã chuyển 2 tỷ đồng tiền mặt để hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch COVID-19. Đến nay, Ban Cứu trợ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Định đã nhận được sự ủng hộ của 350 tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh với tổng số tiền trên 18,3 tỷ đồng và nhiều thiết bị, dụng cụ y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 có trị giá hàng chục tỷ đồng.

Sáng 16/7, tại huyện Ninh Phước, Trường Liên cấp song ngữ Hoa Sen-thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận phối hợp cùng Hội Phụ nữ Công an huyện Ninh Phước tổ chức trao 100 suất quà cho lực lượng dân quân làm nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID- 19 trên địa bàn huyện, địa phương đang chuẩn bị thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg bắt đầu từ 0 giờ ngày 17/7.

[Ưu tiên tiếp tế hàng tiêu dùng thiết yếu đến vùng dịch TP.HCM]

Tại khu cách ly tập trung phòng, chống dịch, các chốt kiểm soát y tế, khu vực phòng tỏa ở thị trấn Phước Dân, xã Phước Hữu và xã Phước Thái (huyện Ninh Phước), lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch đã được tặng mỗi người một suất quà trị giá 300.000 đồng gồm gạo, dầu ăn, nước mắm, bột nêm, nước tương...

Đây là việc làm đầy ý nghĩa và rất kịp thời, nhằm giúp cho lực lượng dân quân làm nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn huyện có thêm nguồn nhu yếu phẩm cần thiết để cải thiện thêm phần ăn, an tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Ninh Phước mong muốn việc làm trên sẽ tạo sức lan tỏa rộng khắp, thu hút các nhà hảo tâm, các tổ chức, doanh nghiệp cùng tham gia, chung tay hỗ trợ để các lực lượng phòng, chống dịch cũng như người dân địa phương trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội an tâm làm nhiệm vụ, góp phần đẩy lùi dịch COVID-19.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Ninh Thuận, bắt đầu từ 0 giờ ngày 17/7, Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg tại hai địa phương là thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, huyện Ninh Phước. Hiện nay, mọi hoạt động sinh hoạt của người dân diễn ra bình thường, bà con rất đồng tình ủng hộ việc thực hiện giãn cách xã hội để dịch bệnh sớm được đẩy lùi.

Để hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ, tối 16/7, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu ký Quyết định 1793/QĐ-UBND giao Sở Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn hồ sơ, trình tự hỗ trợ; đồng thời phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Sở Tài chính, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xổ số Kiến thiết Sóc Trăng và Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố rà soát, lập danh sách và kinh phí hỗ trợ các đối tượng theo quy định.

Việc chi hỗ trợ đảm bảo nguyên tắc không trùng lắp đối tượng, trục lợi, lợi dụng chính sách; tạo mọi điều kiện thuận lợi, đơn giản các thủ tục, làm nhanh nhất có thể để người lao động nhanh chóng nhận được tiền hỗ trợ.

Cả nước chung tay chia sẻ khó khăn với các địa phương có dịch COVID-19 ảnh 2Đo thân nhiệt người bán vé số, người lao động tự do đến nhận hỗ trợ. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Theo Quyết định 1793/QĐ-UBND, những lao động tự do có thu nhập chính từ ngành, nghề thuộc đối tượng như thu gom rác, phế liệu; thợ hồ, phụ hồ, giúp việc nhà, trông giữ trẻ; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; xe ôm truyền thống, tài xế lái xe dịch vụ, lái đò; bán hàng rong; phục vụ giúp việc trong hoạt động ăn uống, lưu trú, du lịch, trang trại, bảo vệ và dịch vụ nhỏ lẻ; phục vụ giúp việc trong các cơ sở giáo dục công lập, tư thục; chăm sóc sức khỏe (massage, gội đầu, y học cổ truyền); nghề làm đẹp (cắt tóc, làm móng) bị tạm dừng công việc chính, bị giảm thu nhập tác động đến đời sống sinh hoạt và gặp khó khăn, trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến ngày 31/12/2021 theo quyết định hoặc chỉ đạo áp dụng biện pháp phòng chống dịch COVID-19 của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền được hỗ trợ một lần là 1,5 triệu đồng/người, được đảm bảo từ ngân sách Nhà nước.

Đối với những người bán vé số lẻ bị ảnh hưởng dịch COVID-19, mức hỗ trợ là 60.000 đồng/người/ngày, được áp dụng cho 15 ngày và được đảm bảo từ nguồn kinh phí của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xổ số Kiến thiết Sóc Trăng do Chủ tịch Công ty đề xuất.

Theo ông Lê Văn Khanh, Chủ tịch Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xổ số kiến thiết Sóc Trăng, trong tháng 7/2021, qua rà soát có khoảng 6.300 người bán vé số lẻ cần được hỗ trợ với tổng số tiền dự kiến khoảng 5,67 tỷ đồng (hỗ trợ 900.000 đồng/người, trong 15 ngày ngừng bán).

Riêng đối với các trường hợp tạm dừng lao động do dịch COVID-19 nhưng không thuộc đối tượng được hỗ trợ tại Quyết định này, tùy theo hình thức thực tế và sự khó khăn của người lao động, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ động vận động xã hội hóa để hỗ trợ; trường hợp khó khăn phải báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh để xem xét quyết định hỗ trợ đặc thù theo quy định.

Dự kiến tổng số tiền chi hỗ trợ ảnh hưởng COVID-19 của tỉnh Sóc Trăng đợt này khoảng 250 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục