Các bước để nhóm Bộ tứ thành công sau sự ra đời của AUKUS

Với sự xuất hiện của AUKUS, Nhật Bản và Ấn Độ mong đợi sẽ được nhận những thông tin chi tiết hơn về liên minh này, đồng thời muốn nhận được những đảm bảo chắc chắn hơn từ Australia và Mỹ.
Các bước để nhóm Bộ tứ thành công sau sự ra đời của AUKUS ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden (thứ 2, trái), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái), Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide (giữa) và Thủ tướng Australia Scott Morrison (giữa, phía trên) tại hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của nhóm Bộ tứ ở Nhà Trắng, Washington, DC, Mỹ, ngày 24/9/2021. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Theo trang mạng của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI), sự ra đời của liên minh quân sự AUKUS (Australia, Anh và Mỹ) khiến Australia và Mỹ phải trấn an các đối tác còn lại trong nhóm Bộ tứ.

Theo thời gian, AUKUS và nhóm Bộ tứ sẽ có nhiều mối liên kết hơn.

Với sự xuất hiện của AUKUS, Nhật Bản và Ấn Độ mong đợi sẽ được nhận những thông tin chi tiết hơn về liên minh này, đồng thời muốn nhận được những đảm bảo chắc chắn hơn từ Australia và Mỹ.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đánh giá cao việc Mỹ và Anh can dự sâu hơn vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thông qua AUKUS.

Chính phủ của ông cũng có những phản ứng tích cực trước sự ra đời của liên minh này.

[Châu Âu phản ứng thận trọng về thỏa thuận an ninh AUKUS]

Dù AUKUS có thể gợi lại những "vết thương" cũ trong mối quan hệ giữa Australia và Nhật Bản, song hội nghị thượng đỉnh vừa qua của nhóm Bộ tứ cũng tạo cơ hội để Thủ tướng Australia Scott Morrison giải quyết vấn đề với người đồng cấp Nhật Bản.

Để trấn an Nhật Bản hơn nữa, Australia và Mỹ cần nhấn mạnh đến các lợi ích tiềm năng của AUKUS nhằm tăng cường hợp tác hải quân ba bên và khả năng tương tác.

Với Ấn Độ, tình hình hơi khác. Tương lai của các cuộc tham vấn 3 bên của Ấn Độ với Australia và Pháp nhiều khả năng sẽ gặp trục trặc, ít nhất là trong ngắn hạn, nhất là sau khi có thông tin về việc ngoại trưởng Pháp đã rút khỏi một cuộc họp dự kiến được tổ chức bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, Ấn Độ dường như tin rằng AUKUS nên tách biệt với các cam kết khác, bao gồm cả Bộ tứ.

Sau hội nghị thượng đỉnh, Mỹ nên chuẩn bị cho việc Ấn Độ tìm kiếm các thỏa thuận công nghệ quân sự mới với nước này vì Mỹ đã quyết định chia sẻ công nghệ hạt nhân bí mật nhất với Australia.

Sau khi trấn an các đối tác, Mỹ cần phải giải quyết thách thức lâu nay của nhóm Bộ tứ, đó là xây dựng thương hiệu của nhóm.

Mặc dù nhóm Bộ tứ cam kết cung cấp lượng hàng hóa công lớn trong khu vực, bao gồm một tỷ liều vaccine ngừa COVID-19, và hợp tác về biến đổi khí hậu, công nghệ cốt lõi, song những ý kiến hoài nghi và chỉ trích nhóm Bộ tứ vẫn còn.

Mỗi thành viên trong nhóm Bộ tứ đều có những xung đột ngoại giao, kinh tế hay an ninh gần đây với Trung Quốc, và nhiều nước trong khu vực nghi ngờ về động cơ của nhóm Bộ tứ.

Trung Quốc đã chỉ trích Bộ tứ là một "lũ bè phái độc quyền," sẽ "gây chia rẽ" các quốc gia trong khu vực.

Trong trường hợp không có chiến dịch tuyên truyền công khai mạnh mẽ của nhóm Bộ tứ, câu chuyện "chống Trung Quốc" này có thể thu hút sự chú ý của một số quốc gia hay không?

Vì vậy, làm thế nào để nhóm Bộ tứ có thể cải thiện hình ảnh? Rất đơn giản, việc xây dựng thương hiệu tốt nhất là nên bắt đầu với công chúng.

Nhóm Bộ tứ đã đưa ra một tuyên bố chung và một văn bản ý kiến chung, đồng thời thông báo về các nhóm làm việc.

Tuy nhiên, nhóm Bộ tứ không có nền tảng truyền thông để trình bày những thành tựu của mình.

Bốn nước công bố thông tin về Bộ tứ thông qua các kênh quốc gia riêng, chẳng hạn như các trang web của Nhà Trắng hay Bộ Thương mại và Ngoại giao.

Mặc dù nghe có vẻ đơn giản, nhưng một trang web riêng của nhóm Bộ tứ là cần thiết để xây dựng hình ảnh, và đây cũng được coi là nguồn tin chính thức.

Về cơ bản, một nền tảng dựa trên trang web có thể giúp nhóm Bộ tứ dễ dàng nắm bắt cơ hội hợp tác với các nhóm xã hội dân sự hay lĩnh vực cụ thể để giúp giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu, công nghệ cốt lõi, cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng.

Ở giai đoạn phát triển, các mục tiêu và quy trình của Bộ tứ rất phức tạp.

Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hồi tháng 3/2021 đã mở rộng đáng kể phạm vi hoạt động của nhóm, đưa ra các cam kết về vaccine, biến đổi khí hậu và công nghệ.

Các cuộc họp trước đó cũng đã đưa ra các cam kết hợp tác trong một số lĩnh vực khác như an ninh hàng hải, an ninh mạng, cơ sở hạ tầng chất lượng cao, khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, chống khủng bố, ứng phó với thảm họa và ngăn chặn thông tin sai lệch.

Nhóm Bộ tứ hiện có tổng cộng 10 nhóm làm việc. Vì Bộ tứ là một "nhóm," chứ không phải là một "thể chế," việc có 10 nhóm làm việc đặt ra những phức tạp hành chính đáng kể.

Nhóm Bộ tứ cần củng cố các hoạt động hiện tại và tránh đưa ra bất kỳ cam kết mới nào, kể cả tại hội nghị thượng đỉnh ngày 24/9.

Một cách để đạt được điều này có thể là tập hợp 10 nhóm làm việc này thành ba trụ cột bao trùm - hàng hóa công, công nghệ và an ninh khu vực.

Củng cố các nỗ lực theo cách này sẽ cung cấp cấu trúc cho hợp tác của nhóm Bộ tứ, cho phép nhóm này thể hiện các ưu tiên rõ hơn và giảm nguồn nhân lực cần thiết.

Có cấu trúc là một chuyện, nhưng nhóm Bộ tứ nên tập trung sự chú ý và nguồn lực trước mắt của mình vào đâu?

Thứ tư là thiết lập các ưu tiên. Việc cam kết cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho khu vực rõ ràng là ưu tiên hàng đầu. Hợp tác vaccine của nhóm Bộ tứ phải đáp ứng các quy định và việc này đang diễn ra.

Nhưng tiếp theo sẽ là gì? Vì cam kết vaccine rõ ràng là một ưu tiên đối với nhóm Bộ tứ và khu vực rộng lớn hơn, nên việc xác định những khía cạnh nào của cam kết này sẽ là cần thiết.

Trước hết, việc hợp tác vaccine của nhóm Bộ tứ là hết sức cần thiết vào lúc này và mang lại lợi ích hữu hình cho các quốc gia bên ngoài nhóm Bộ tứ.

Hợp tác của nhóm Bộ tứ là rất có ý nghĩa vì mỗi quốc gia trong nhóm đều có những kỹ năng riêng biệt có thể bổ sung cho nhau.

Các quốc gia trong khu vực sẽ đánh giá cao sự hợp tác tích cực này cũng như hợp tác quân sự.

Nhóm Bộ tứ còn có những hợp tác nào khác? Những lĩnh vực phù hợp nhất với tiêu chí này là công nghệ cốt lõi, cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng. Tất cả những lĩnh vực này đều là thách thức trước mắt đối với khu vực.

Các quốc gia trong nhóm Bộ tứ có những kỹ năng bổ sung cho nhau mà có thể cam kết về mặt chính trị và mỗi quốc gia đều có một chương trình nghị sự tích cực.

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai của các nhà lãnh đạo nhóm Bộ tứ mang đến một cơ hội đáng kể, mặc dù cũng tiềm ẩn rủi ro.

Cơ hội để củng cố thương hiệu của nhóm Bộ tứ là bằng cách tạo ra một nền tảng trực tuyến để thúc đẩy kết quả từ các cuộc họp của nhóm, đồng thời củng cố và ưu tiên các cam kết của mình.

Rủi ro là khi để cho cơ hội này trôi qua mà không cung cấp thêm chi tiết về các cam kết hiện tại và tệ hơn là việc mở rộng hợp tác hơn nữa sẽ khiến nhóm Bộ tứ gặp khó khăn trong việc đưa ra những kết quả cụ thể trong ngắn hạn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục