Các địa phương thực hiện đóng cửa hàng quán, điều chỉnh lịch học

Trước diễn biến phức tạp của COVID-19, các địa phương Hà Nam, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều hoạt động phòng chống dịch như dừng hoạt động quán xá, điều chỉnh thời gian học...
Các địa phương thực hiện đóng cửa hàng quán, điều chỉnh lịch học ảnh 1Một quán karaoke trên đường Sư Vạn Hạnh (Quận 10 - Thành phố Hồ Chí Minh) tạm dừng hoạt động theo quyết định của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Trước diễn biến phức tạp của COVID-19, các địa phương Hà Nam, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều hoạt động phòng chống dịch như dừng hoạt động quán xá, điều chỉnh thời gian học...

Các trường học ở Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường biện pháp phòng dịch COVID-19

Sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, ngày 4/5, học sinh các trường học tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đi học trở lại bình thường, đây là thời điểm các trường tổ chức kiểm tra cuối kỳ II cho học sinh.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các trường thực hiện nghiêm biện pháp phòng dịch như đo thân nhiệt, rửa tay khử khuẩn, đeo khẩu trang, thực hiện khai báo y tế trước khi trở lại trường.

Tại Trường Tiểu học Phan Văn Trị (Quận 1), cô Nguyễn Thị Hồng Yến - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, lịch học và kiểm tra học kỳ II vẫn được thực hiện như kế hoạch trước đó.

Cụ thể, trường tổ chức kiểm tra cuối kỳ II từ tuần 33 đến tuần 35 của năm học. Trước đó, các biện pháp phòng dịch luôn được trường thực hiện nghiêm, nay tình hình dịch diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, trường tiếp tục tăng cường các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn.

Trong đó, trường chủ trương hạn chế tập trung đông học sinh, các em thực hiện chào cờ tại lớp, giờ ra chơi được chia theo khối lớp; học sinh được đo thân nhiệt 2 lần trong ngày, cùng với rửa tay trước khi vào trường, các cô giáo hướng dẫn học sinh rửa tay ít nhất 4 lần trong ngày; công tác vệ sinh khử khuẩn được thực hiện thường xuyên.

Sau kỳ nghỉ lễ, ngày 3/5 trường triển khai cho tất cả cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh thực hiện khai báo y tế trước khi trở lại trường học. Qua thực hiện khai báo y tế cho thấy số lượng giáo viên, học sinh của nhà trường di chuyển trong các ngày lễ rất ít.

Tương tự, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Quận 1) cũng tiếp tục duy trì và tăng cường thực hiện các biện pháp phòng dịch khi học sinh trở lại trường.

Cô Trần Thị Thu Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cùng với các biện pháp đo thân nhiệt, rửa tay khử khuẩn... hoạt động thể dục giữa giờ tại lớp cho học sinh tiếp tục được duy trì để tăng cường sức khỏe, phòng chống dịch bệnh.

Sau kỳ nghỉ lễ, ngày 4/5 học sinh khối 7 và 8, Trường Trung học cơ sở Cù Chính Lan (quận Bình Thạnh) đã thực hiện bài kiểm tra cuối kỳ II theo kế hoạch trước đó.

Thầy Phạm Thái Hồ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, học sinh vẫn tiếp tục thực hiện lịch học, lịch thi theo kế hoạch năm học. Kỳ kiểm tra học cuối kỳ II được tổ chức từ 26/4 đến 12/5.

Để đảm bảo an toàn phòng dịch, trường tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp, khuyến cáo của ngành Y tế. Các biện pháp này cũng đã được duy trì suốt từ đầu năm học đến nay. Đặc biệt, sau kỳ nghỉ lễ, cán bộ, giáo viên, học sinh phải thực hiện khai báo y tế để trường nắm tình hình.

Còn học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du (Quận 10) đã trở lại trường sớm, từ ngày 3/5. Trước đó, trường đã gửi thông báo khuyến cáo học sinh, giáo viên, nhân viên hạn chế đi chơi xa, khi đến nơi đông người phải bảo đảm nguyên tắc phòng dịch. Cán bộ, giáo viên, học sinh đi ra khỏi thành phố cũng phải ghi lại lịch trình di chuyển cụ thể.

Ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường cũng đã thay đổi lịch học và kiểm tra cuối kỳ II để bảo đảm phòng dịch.

Cụ thể, trong thời gian từ ngày 3-16/5, học sinh khối 12 học các ngày thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu; còn khối 11 thực hiện bài kiểm tra cuối kỳ II vào các sáng thứ Ba, thứ Năm, thứ Bảy; học sinh khối 10 kiểm tra cuối kỳ II các chiều thứ 3 Ba, thứ Năm, thứ Bảy.

Về công tác phòng dịch sau khi học sinh trở lại trường học, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm công tác phòng dịch, tích cực rà soát các điều kiện, biện pháp, phương án phòng dịch COVID-19.

Toàn bộ bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh sinh viên phải thực hiện khai báo y tế; các cơ sở giáo dục nắm tình hình cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh sinh viên ra và vào thành phố trong thời gian nghỉ lễ.

Thủ trưởng các đơn vị chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu có các biểu hiện chủ quan, gây ảnh hưởng đến công tác phòng dịch.

Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng tăng cường các biện pháp phòng dịch. Sinh viên, cán bộ, giảng viên thực hiện nghiêm việc khai báo y tế trước khi trở lại trường; cán bộ, giảng viên, sinh viên khi đến trường phải thực hiện các biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo của ngành Y tế.

[Phân tích nguyên nhân một loạt ca mắc COVID-19 sau thời gian cách ly]

Trước đó, một số trường đại học tại thành phố đã cho học sinh ngừng học tập trung, chuyển sang hình thức học trực tuyến sau để đảm bảo phòng dịch. Tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, sinh viên các lớp lý thuyết chuyển sang học online từ ngày 4-9/5; các lớp thực hành và sinh viên làm đề tài tốt nghiệp vẫn đến trường nhưng phải đeo khẩu trang, thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng thay đổi lịch học của sinh viên để phòng dịch. Cụ thể, từ ngày 4-9/5, tất cả lịch học lý thuyết tại trường chuyển sang hình thức trực tuyến, tạm ngưng thi tại phòng máy tính.

Sinh viên vẫn tiến hành thực tập lâm sàng tại bệnh viện và thực tập labo tại trường, đảm bảo tuân thủ thông điệp 5K. Trường vẫn tổ chức học đối với học viên sau đại học và lớp CME nhóm nhỏ và đảm bảo tuân thủ các biện pháp phòng dịch.

Từ 18 giờ ngày 4/5, Hà Nam dừng hoạt động các quán nước, quán ăn vỉa hè

Từ 18 giờ ngày 4/5 dừng hoạt động của các quán nước, quán ăn vỉa hè là chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 với lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, diễn ra chiều 4/5,

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam yêu cầu các ngành, địa  phương tạm dừng các công việc không cần thiết để tập trung chống dịch.

Các địa phương thực hiện đóng cửa hàng quán, điều chỉnh lịch học ảnh 2Hà Nam họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch. (Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN)

Đồng thời, cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri an toàn, đảm bảo đúng quy định phòng, chống dịch và theo đúng quy định bầu cử; tăng cường tuyên truyền và kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm việc thực hiện Thông điệp 5K của Bộ Y tế tại nơi công cộng.

Từ 18 giờ ngày 4/5, đóng cửa tất cả các hàng quán vỉa hè, hạn chế các hoạt động tập trung đông người (đám cưới, tiệc tùng); các nhà hàng kinh doanh ăn uống phải có vách ngăn, đảm bảo giãn cách khách hàng theo quy định.

Ngày 5/5, tạm dừng tiếp nhận thủ tục hành chính tại trụ sở; dừng làm căn cước công dân gắn chip điện tử tại các địa phương.

Các địa phương tuyên truyền đến người lao động tại các công ty, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn trở về sau kỳ nghỉ lễ phải thực hiện khai báo y tế trung thực. Những người có biểu hiện ho, sốt, mệt mỏi… phải khai báo y tế tại nơi cư trú, nghỉ tại nhà, không đến nơi làm việc.

Đặc biệt. nghiêm cấm các cơ sở kinh doanh thuốc bán thuốc kháng sinh, thuốc hạ sốt, trị ho, sổ mũi, cảm cúm… cho người không có đơn thuốc. Điện lực Hà Nam, các doanh nghiệp viễn thông, nước sạch phải đảm bảo cung cấp đầy đủ dịch vụ cho các Khu cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh.

Ồng Trương Quốc Huy cũng đề nghị các doanh nghiệp và chính quyền địa phương phải tập trung hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa, nông sản cho nông dân các vùng cách ly y tế; cung cấp đầy đủ thực phẩm, nhu yếu phẩm, đảm bảo ổn định đời sống, an sinh xã hội cho người dân khu vực phong tỏa cách ly.

Các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và nhân dân cùng chung tay ủng hộ với tỉnh quan tâm hỗ trợ đời sống nhân dân vùng cách ly qua Ủy ban MTTQ tỉnh.

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nam Nguyễn Trọng Khải, tính đến 12 giờ ngày 4/5, số bệnh nhân mắc COVID-19 của tỉnh Hà Nam là 14 trường hợp, tất cả đều liên quan đến ổ dịch tại thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân.

Tổng số mẫu xét nghiệm đã lấy là 4.620; trong đó có 14 kết quả dương tính, 4.298 mẫu có kết quả âm tính, số mẫu đang chờ kết quả là 308.

Lực lượng chức năng đã truy vết điều tra dịch tễ được 740 trường hợp F1; có 732 trường hợp đưa đi cách ly tập trung. Tổng số người thuộc diện F2 đã điều tra được 4.473. Tất cả số này đang thực hiện cách ly tại nhà.

Ngành y tế đã tăng cường thiết bị, nhân lực phục vụ công tác phòng, chống dịch như: thành lập 19 đội cấp cứu lưu động gồm 95 người tại các bệnh viện; 17 đội đáp ứng nhanh phòng chống, dịch với 119 người; huy động 115 cán bộ điều dưỡng, kỹ thuật viên xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các Bệnh viên, Trung tâm Y tế tuyến huyện để tham gia lấy mẫu xét nghiệm tại cộng đồng.

Các địa phương trong tỉnh đã thành lập 800 tổ phòng, chống dịch COVID-19 cộng đồng để tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch.

Đà Nẵng: Điều chỉnh thời gian thi lớp 10 hợp lý tùy theo diễn biến dịch COVID-19

Ngày 4/5, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng Mai Tấn Linh thông tin, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Sở đã chỉ đạo các trường chuyển từ tổ chức dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến.

Các đơn vị trường học tùy diễn biến dịch bệnh và chỉ đạo của Sở để tổ chức hoạt động giáo dục tại đơn vị.

Các địa phương thực hiện đóng cửa hàng quán, điều chỉnh lịch học ảnh 3(Ảnh minh họa: Thanh Tùng/TTXVN)

Ông Mai Tấn Linh cho biết thêm, giai đoạn này, các bậc học cơ bản đã hoàn thành nội dung dạy học, chuyển vào giai đoạn ôn tập, kiểm tra cuối kỳ II, tổng kết năm học 2020-2021.

Các trường cần triển khai, thông báo văn bản của các cấp về phòng, chống dịch; chủ động rà soát, phân công giáo viên, nhân viên vệ sinh trường lớp, sát khuẩn; hoàn thành việc xét tốt nghiệp lớp 9, thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi lớp 10.

Cùng với đó là thu hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 theo đúng tiến độ nhưng phải đảm bảo giãn cách, phòng, chống dịch (chia nhỏ thành các đợt thu hồ sơ, tránh tập trung quá 30 học sinh trong cùng một thời điểm).

Các trường xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập trực tuyến, khuyến khích học sinh tự học, tự ôn tập tại nhà, đồng thời chủ động kiểm tra học kỳ II với yêu cầu giãn cách học sinh, đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Đối với việc chuẩn bị thi lớp 10, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho hay, tùy diễn biến dịch bệnh sẽ có điều chỉnh thời gian thi hợp lý, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh và phụ huynh.

Cùng ngày, Đại học Đà Nẵng ban hành Công văn số 1687/ĐHĐN-HSSV về việc triển khai các biện pháp cấp bách nhằm tăng cường phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, các đơn vị, trường học thuộc Đại học Đà Nẵng triển khai hoạt động dạy học trực tuyến từ ngày 4/5 cho đến khi có thông báo mới.

Các đơn vị, trường học chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết để sinh viên, học viên, lưu học sinh quay lại học tập trung khi có thông báo của Đại học Đà Nẵng.

Bên cạnh đó triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các ký túc xá do đơn vị quản lý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục