Các địa phương xác định mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội

HĐND các tỉnh Quảng Trị, Bình Dương, Bình Định, Đồng Nai và Lâm Đồng tổ chức họp, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Từ ngày 8 đến 10/12, Hội đồng Nhân dân các tỉnh Quảng Trị, Bình Dương và Lâm Đồng tổ chức họp, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương năm 2014; đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015.

Tại kỳ họp thứ 14, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Trị khoá VI xác định trong năm 2015, tỉnh phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 7% so với năm 2014; kim ngạch xuất khẩu đạt 210 triệu USD; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 2.439,667 tỷ đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh 2,5-3%...

Tỉnh đề ra một số giải pháp trọng tâm trong phát triển kinh tế xã hội như tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, khu công nghiệp Nam Đông Hà, Quán Ngang và cụm công nghiệp, làng nghề; hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện than 1.200 MW...

Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng điều chỉnh, bổ sung và tổ chức thực hiện các quy hoạch phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp nhằm phát triển toàn diện, bền vững, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Tỉnh cũng tăng cường thu hút, vận động tài trợ các dự án ODA giai đoạn 2016-2020; thực hiện lồng ghép các nguồn lực nâng cao hiệu quả tổng hợp chương trình giảm nghèo bền vững.

Năm 2014, kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Trị tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm ước đạt 6,7%; GDP bình quân đầu người đạt 29,7 triệu đồng. Lĩnh vực văn hóa xã hội đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận; công tác tạo việc làm, giảm nghèo và thực hiện chính sách an sinh xã hội, chính sách người có công được đảm bảo...

Cũng tại kỳ họp này, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Trị tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng Nhân dân tỉnh bầu.

Kỳ họp thứ 13, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Dương khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016 đã đề ra nhiệm vụ năm 2015 phấn đấu GDP tăng 13% so với năm 2014; GDP bình quân đầu người khoảng 73 triệu đồng/năm; kim ngạch xuất khẩu tăng 15,5% so với năm 2014; tổng thu ngân sách đạt 34.000 tỷ đồng; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khoảng 1 tỷ USD; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 17,5%; tạo việc làm cho 40 - 45 ngàn lao động…

Để đạt mục tiêu trên, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Dương đề ra 17 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, trong đó tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội, phát triển đô thị, dịch vụ tạo tiền đề đưa tỉnh trở thành đô thị công nghiệp theo hướng văn minh, hiện đại.

Tỉnh tập trung thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương về tái cơ cấu đầu tư, doanh nghiệp, thị trường tài chính. Bên cạnh đó, Bình Dương đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí…

Tại kỳ họp này, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Dương đã thông qua 21 Nghị quyết; trong đó đáng lưu ý là Bảng giá các loại đất áp dụng từ ngày 01/01/2015 đến ngày 31/12/2019 trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết về việc thay đổi giờ làm việc hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Dương buổi sáng: từ 7 giờ 30 đến 11 giờ 30; buổi chiều: từ 13 giờ 00 đến 17 giờ 00.

Năm 2014, cơ cấu kinh tế của tỉnh Bình Dương tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp với tỷ trọng tương ứng: 60,8% - 36,2% - 3,0%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 24,9%; thu hút đầu tư nước ngoài tăng cao, ước đạt 1,6 tỷ USD Mỹ. Tổng thu ngân sách tăng so với cùng kỳ và đạt dự toán đề ra, ước đạt 32.000 tỷ đồng.

Tại kỳ họp lần này, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Dương cũng tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 13 người giữ chức vụ do Hội đồng Nhân dân tỉnh bầu.

Kỳ họp thứ 12 Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng khóa VIII đã thông qua 12 nghị quyết, trong đó có nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và một số nghị quyết chuyên đề.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng nhất trí các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2015 của tỉnh với tốc độ tăng trưởng kinh tế phấn đấu khoảng 14-14,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 480 triệu USD (tăng 6,7% so với năm 2014), tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn khoảng 7.000 tỷ đồng (tăng 19%), khách du lịch đạt 5 triệu lượt khách (tăng 4,2%).

Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ giữa kinh tế hộ với doanh nghiệp, với thị trường; tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tại kỳ họp, Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã chất vấn lãnh đạo các ngành chức năng về hàng loạt vấn đề, nội dung liên quan đến tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép. Trả lời chất vấn, ông Lê Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng thừa nhận có tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng xảy ra tại nhiều địa phương của tỉnh và trách nhiệm chính trong việc để rừng bị phá, lấn chiếm là đơn vị quản lý rừng, chủ rừng (các tiểu khu), lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương (xã, huyện).

Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt không đồng tình với Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và cho rằng sẽ không thể phát hiện được các hành vi phá rừng nếu chỉ tuần tra, kiểm tra theo giờ hành chính.

Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vào cuộc quyết liệt hơn, bám sát cơ sở hơn, chú trọng phòng là chính. Thông qua Nghị quyết, Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng yêu cầu tăng cường công tác quản lý rừng, gắn bảo vệ rừng với quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản; khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng kinh tế; bảo tồn thiên nhiên và giữ gìn đa dạng sinh học; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi phá rừng, xâm hại rừng và đất lâm nghiệp.

Cũng tại kỳ họp, Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 11 người giữ chức vụ do Hội đồng Nhân dân bầu. Kết quả 11 người được lấy phiếu tín nhiệm đều có số phiếu tín nhiệm cao quá bán, người thấp nhất có số phiếu tín nhiệm cao đạt 58,5%; người cao nhất có số phiếu tín nhiệm cao đạt 95,4%.

Trả lời chất vấn của Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh tại kỳ họp thứ 10 (khóa XI) ngày 10/12, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đã khẳng định trong thời gian tới, Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành và địa phương tiến hành kiểm tra và thu hồi nhiều Dự án Du lịch tại khu vực Tân Thanh, Vĩnh Hội, Cát Tiên và Phong Điện tại khu Kinh tế Nhơn Hội do chậm triển khai Dự án.

Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành xem xét và báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh thu hồi một số dự án khác, như dự án xây dựng Trung tâm thương mại do Công ty Kim Triều làm chủ đầu tư, tại số 40 Tăng Bạt Hổ, phường Lê Lợi, Quy Nhơn nhưng công ty này không tiếp tục triển khai dự án và xin chuyển đổi mục tiêu đầu tư dự án đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh đồng ý và giao phải triển khai chậm nhất ngày 1/7/2014. Công ty này vẫn không triển khai dự án, nên đến ngày 29/10/2014 Ủy ban Nhân dân tỉnh đã có công văn đề nghị sở Tài Nguyên và Môi trường báo cáo để xử lý dứt điểm.

Dự án của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toàn Phát được giao đất ngày 7/1/2010 với tổng diện tích trên 19,8 nghìn m2 tại khu vực 7, phường Bùi Thị Xuân, Quy Nhơn nhưng sau đó công ty không triển khai dự án do khó khăn về tài chính và đã lấy tài sản cùng toàn bộ đất đai đem thế chấp cho Chi nhánh Ngân hàng đầu tư phát triển Phú Tài.

Đến năm 2012, Chi nhánh Ngân hàng này đã bán phát mãi tài sản đấu giá, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khải Thịnh đã mua và được Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định cho thuê đất theo quyết định 133/QĐ-UBND ngày 23/3/2012. Tuy nhiên, đến nay Công ty Khải Thịnh cũng không triển khai dự án. Vì vậy, Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ thu hồi đất mà không bồi thường về tài sản gắn với đất.

Cũng theo ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định, kể từ năm 2011 đến nay, tỉnh Bình Định đã thu hồi tổng cộng 50 dự án. Riêng từ đầu năm 2014 đến nay, tỉnh đã thu hồi 9 dự án. Tất cả các dự án này do chậm triển khai, đã gây thiệt hại về phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Ngày 10/12, tại kỳ họp thứ 12, Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa VIII đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với 14 chức danh cho Hội đồng Nhân dân bầu gồm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Ủy viên Thường trực Hội đồng Nhân dân, Trưởng các Ban thuộc Hội đồng Nhân dân; Chủ tịch và 4 phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân và 4 ủy viên Ủy ban Nhân dân tỉnh gồm: Giám đốc công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục