Sau ba tuần tăng điểm liên tiếp, thị trường chứng khoán đã có sự chững lại trong tuần qua. Theo đó tính thanh khoản cũng suy giảm so với tuần trước đó, song vẫn đạt cao hơn trung bình 20 tuần gần nhất.
Khối ngoại mua ròng tuần thứ năm
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 28,2 điểm (-2,6%) xuống 1.051,81 điểm, HNX-Index tăng 1,04 điểm (+0,5%) lên 217 điểm.
Theo số liệu ghi nhận từ Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), giá trị giao dịch trên sàn HoSE đã giảm 5,2% so với tuần trước, đạt mức 86.890 tỷ đồng, tương ứng khối lượng giao dịch giảm 6,9% và đạt 5.098 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX đạt 9.392 tỷ đồng, tăng 28% với khối lượng giao dịch 656 triệu cổ phiếu, tăng 9,8%.
[Đà Nẵng đứng thứ 3 cả nước về tốc độ tăng trưởng GRDP trong năm 2022]
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận tuần mua ròng thứ năm liên tiếp với tổng giá trị trên hai sàn đạt 4.351 tỷ đồng. Trong đó, mã SSI được mua ròng nhiều nhất xấp xỉ 22 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là FUEVFVND với 19 triệu chứng chỉ quỹ và STB là 19 triệu cổ phiếu. Trái lại, họ bán ròng tại mã PDR mạnh nhất với 5 triệu cổ phiếu.
Ông Nguyễn Đình Thắng, chuyên viên phân tích của SHS cho biết thị trường điều chỉnh trong tuần qua khiến cho phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu đều sụt giảm.
Cụ thể, nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh nhất với 3,4% giá trị vốn hóa, các cổ phiếu tiêu biểu, như VCB (-9,1%), BID (-4,9%), TCB (-3,5%), VPB (-2,3%), ACB (-1,9%), SHB (-5,4%)...
Giá trị giao dịch trong tuần theo ngành:
Tiếp theo là lĩnh vực tài chính giảm 3,2% giá trị vốn hóa, trong đó nhóm cổ phiếu thuộc ngành bất động sản, như NVL (-30%), HPX (-22,9%), VIC (-1,5%), VHM (-5,4%)..., trái lại nhóm chứng khoán phục hồi khá tốt với SSI (+4,1%), VCI (+5,8%), VND (+11,5%), FTS (+11,6%)...
Nhóm cổ phiếu tiện ích cộng đồng đứng thứ ba và giảm 3,1% giá trị vốn hóa. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự sụt giảm của các cổ phiếu thuộc ngành điện, nước, xăng dầu, khí đốt, như POW (-4,3%), GAS (-3%), DTE (-18,4%), CNG (-4,3%)…
Ở xu thế ngược lại, ngành dịch vụ tiêu dùng tăng mạnh nhất với 2,2% giá trị vốn hóa, chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu u lịch và giải trí, như VJC (+4,1%), HVN (+10,3%), VTD (+3,2%), GTT (+14,3%), VNS (+3,1%), VTR (+2,4
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 12/2022 đang cao hơn so với chỉ số cơ sở VN30 với mức chênh 4,92 điểm, ông Thắng cho rằng điều này chỉ ra các nhà đầu đang lạc quan với xu hướng của thị trường trong tuần tới.
Chưa xác định được xu thế
Diễn biến giao dịch trên thị trường trở nên khá bình lặng trong phiên cuối tuần, mặc dù VN-Index và VN30 chốt phiên đều tăng điểm nhẹ. Tính chung cả tuần, VN-Index vẫn điều chỉnh và chấm dứt 3 tuần hồi phục mạnh mẽ trước đó.
Ông Thắng cho rằng những vận động điều chỉnh giảm trên là tích cực, bởi điều này giúp thị trường tích lũy lại và củng cố nền tảng trước khi có đợt tăng trưởng tiếp theo.
“Trạng thái thị trường đã hình thành đáy trung hạn và bước vào giai đoạn phục hồi. Đây là trạng thái chủ đạo tích cực của thị trường giai đoạn hiện nay,” ông Thắng kỳ vọng.
Theo báo cáo nhận định từ Công ty Chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VCBS), trên thực tế, VN-Index vẫn vấp phải áp lực chốt lời lớn và điều chỉnh ngay trước mốc kháng cự 1.100 điểm. Do đó, kịch bản dự báo VN Index có thể cần tích lũy một thời gian quanh vùng 1.050 điểm, để khối lượng cung chốt lời ngắn hạn được hấp thụ hết trước khi có thể tiếp tục hướng lên các vùng phía trên quanh 1.080 điểm và xa hơn là 1.130 điểm.
Nhóm phân tích của VCBS đề xuất các nhà đầu tư tiếp tục giữ tỷ trọng cổ phiếu so với tiền ở mức vừa phải khoảng 50:50, hoặc chốt lời một phần và tích lũy lại (trong các nhịp sụt giảm tại các phiên) cho mục đích đầu tư ngắn hạn.
Đồng quan điểm, ông Thắng cho rằng VN-Index đang vận động trong khu vực phục hồi và 1.000 điểm sẽ là ngưỡng hỗ trợ tâm lý. Mặt khác, khu vực 1.150 điểm sẽ là ngưỡng cản rất mạnh đối với quá trình phục hồi của chỉ số.
“Do, sự vận động của thị trường trong hiện tại mang tính chất hồi phục kỹ thuật. Hơn nữa, đây là giai đoạn phục hồi đầu tiên sau khi hình thành đáy, nên thường diễn ra mạnh mẽ và kéo dài. Vì vậy, thị trường chưa xác nhận bước vào xu hướng tăng trưởng, song VN-Index vẫn có xu hướng tăng sau những điều chỉnh trên và hướng tới mục tiêu 1.150 điểm, nhưng có thể đối diện với khả năng điều chỉnh mạnh và rủi ro cao khi tại ngưỡng này,” ông Thắng phân tích.
Ông Thắng khuyến nghị các đợt điều chỉnh đang diễn ra là cơ hội cho những nhà đầu tư ngắn hạn gia nhập thị trường để đón đầu giai đoạn hồi phục tiếp theo. Và, các nhà đầu tư trung dài hạn có thể tận dụng giai đoạn điều chỉnh hiện tại để cơ cấu lại danh mục hợp lý hơn./.