"Các nước cần quyết liệt hơn trong việc chống biến đổi khí hậu"

Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh các nước cần cắt giảm lượng khí thải carbon cũng như có các biện pháp để thích ứng với những tác động không thể tránh khỏi của biến đổi khí hậu.
"Các nước cần quyết liệt hơn trong việc chống biến đổi khí hậu" ảnh 1 Tuần hành kêu gọi chống biến đổi khí hậu tại London (Anh). (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 23/9, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về khí hậu tại trụ sở chính của Liên hợp quốc ở thành phố New York, Mỹ, lãnh đạo thế giới hối thúc các nước chung sức hành động quyết liệt hơn nữa trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh mối đe dọa khẩn cấp và ngày một lớn từ biến đổi khí hậu, hơn tất cả các vấn đề khác, sẽ là "đường nét" mang tính quyết định đối với bức tranh thế giới trong thế kỷ 21.

Các nước cần cắt giảm lượng khí thải carbon cũng như có các biện pháp để thích ứng với những tác động không thể tránh khỏi của biến đổi khí hậu.

Tổng thống Obama cho biết ông đã có cuộc gặp với Phó Thủ tướng thường trực Trung Quốc Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli) và hai bên đã nhất trí là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Washington và Bắc Kinh có trách nhiệm phải đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Ông chủ Nhà Trắng kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới cùng hành động quyết liệt và ngay lập tức để đạt được tiến triển trong vấn đề biến đổi khí hậu và cho rằng cần xóa bỏ sự phân biệt giữa các nền kinh tế phát triển và đang phát triển trong trách nhiệm cắt giảm khí thải cácbon hiện nay.

Tổng thống Obama cũng nêu bật sự cần thiết phải có những hành động "tham vọng" và kêu gọi các nền kinh tế hàng đầu thế giới vượt qua nỗi sợ hãi rằng chống biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng.

Sau khi thừa nhận trách nhiệm của Mỹ trong việc gây ra biến đổi khí hậu, ông Obama khẳng định cam kết của Washington về việc hỗ trợ các nước đang phát triển trong cuộc đấu tranh chống hiện tượng này.

Trước đó, Nhà Trắng cũng đã công bố một loạt biện pháp nhằm nâng cao khả năng thích nghi khí hậu của toàn cầu, trong đó có việc yêu cầu các cơ quan liên bang phải đưa nội dung này vào các chương trình hợp tác và đầu tư quốc tế của mình.

Theo sau phát biểu của Tổng thống Obama, Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ cho biết Trung Quốc đặt mục tiêu hạ mức khí thải gây hiệu ứng nhà kính của nước này "sớm nhất có thể." Ông khẳng định trách nhiệm quốc tế của Bắc Kinh và cam kết tới năm 2020 sẽ cắt giảm từ 40 tới 45% lượng khí thải carbon so với mức năm 2005, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ của Bắc Kinh đối với hội nghị toàn cầu về khí hậu, dự kiến tổ chức tại Paris vào tháng 12 năm tới.

Quan chức này cho biết Trung Quốc sẽ đóng góp 6 triệu USD cho đề xuất của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về củng cố hợp tác Nam-Nam trong chống biến đổi khí hậu.

Trả lời báo giới, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách phát triển nhà nước Giải Chấn Hoa (Xie Zhenhua) cho biết Bắc Kinh sẽ ra thông báo chính thức trong năm tới về thời điểm dự kiến lượng khí thải của nước này chạm ngưỡng cao nhất và bắt đầu đi xuống.

Một số cố vấn của Chính phủ Trung Quốc dự đoán thời điểm này có thể tới sau năm 2030. Năm ngoái, Trung Quốc đã giảm được lượng khí thải carbon lên tới 2,58 tỷ tấn, giảm 28,5% so với mức hồi năm 2005.

Ngoài ra, tại hội nghị, một số nước cũng công bố các cam kết tài chính bổ sung cho hoạt động chống biến đổi khí hậu.

Tổng thống Pháp Francois Hollande thông báo Paris sẽ đóng góp 1 tỷ USD cho Quỹ Khí hậu Xanh, chuyên hỗ trợ các quốc gia ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu.

Đức cũng đưa ra con số tương tự.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tuyên bố hỗ trợ cho quỹ trên tối đa 100 triệu USD, Đan Mạch 70 triệu USD, Na Uy 33 triệu USD và Mexico đóng góp 10 triệu USD. Tổng số tiền các nước cam kết đóng góp cho quỹ chống biến đổi khí hậu tại hội nghị này là 2,3 tỷ USD.

Nhiều nhà hoạt động về môi trường khí hậu đã chỉ trích Hội nghị thượng đỉnh tại New York chỉ đưa ra những "cam kết mập mờ" thay vì những bước đi cụ thể đang rất cần thiết trong bối cảnh các tác động từ biến đổi khí hậu đã bắt đầu "tấn công" các nước nghèo trên thế giới.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhận định hội nghị lần này nhằm tạo đà và xây dựng nền tảng cho hội nghị thượng đỉnh tổ chức tại thủ đô Paris của Pháp vào năm tới.

Theo kế hoạch, tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu Paris 2015, các nước sẽ ký Thỏa thuận toàn cầu về khí hậu Trái Đất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục