Ngày 20/1, Liên hợp quốc đã tổ chức họp báo công bố báo cáo tình hình và triển vọng kinh tế thế giới năm 2016, theo đó, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới đạt 2,4% thấp hơn mức dự báo hồi giữa năm đến 0,4%.
Báo cáo của Liên hợp quốc cho biết dự báo trong thời gian tới, tăng trưởng toàn cầu sẽ lần lượt đạt 2,9% và 3,2% trong các năm 2016 và 2017.
Các nước đang phát triển sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016, trong khi các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ, sẽ có những đóng góp tích cực hơn cho tăng trưởng toàn cầu.
Bất chấp sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc, khu vực Đông và Bắc Á vẫn sẽ là những khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Nhiều nước nhập khẩu hàng hóa tại khu vực sẽ được hưởng lợi từ việc giá cả các mặt hàng kim loại, dầu và lương thực thấp.
GDP của các nước kém phát triển cũng được dự báo tăng 5,6% trong năm 2016, thấp hơn mức 7% trong Mục tiêu thiên niên kỷ.
Các nước phát triển được dự báo là sẽ có những đóng góp tích cực hơn cho tăng trưởng toàn cầu. Sự tăng trưởng ở những nước này trong năm nay được dự báo có thể đạt 2%, mức cao nhất kể từ năm 2010.
Tại các nền kinh tế đang phát triển, tăng trưởng có thể đạt mức 4,3% năm 2016 và 4,8% năm 2017, cao hơn so với mức dự báo năm ngoái.
Sự suy giảm kinh tế cũng sẽ tác động đến thị trường lao động. Tỷ lệ thất nghiệp tại các nước đang phát triển sẽ tiếp tục tăng, nhất là tại Nam Phi. Trong khi đó, tỷ lệ số người tham gia vào lực lượng lao động giảm, đặc biệt là phụ nữ và thanh niên, tình trạng việc làm bấp bênh cũng sẽ phổ biến.
Lĩnh vực đầu tư cũng được dự báo sẽ có sự giảm tốc. Tuy nhiên, điều này có thể giúp cho giá cả các mặt hàng không bị giảm sâu và việc Mỹ thực hiện chính sách tiền tệ bình thường hóa sẽ giúp giảm nguy cơ bất ổn.
Trong bối cảnh giá cả các mặt hàng giảm tác động tiêu cực lên các dòng vốn thương mại và tài chính công và nguy cơ bất ổn của thị trường tài chính vẫn ở mức cao, việc tăng cường hệ thống thương mại đa phương sẽ giúp cho các nước có thể khai thác được các lợi thế thương mại và để đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện, cần sự nỗ lực và hiệu quả hơn nữa trong các chính sách hợp tác./.