Các thị trường chứng khoán châu Á phục hồi sau phiên bán tháo

Các thị trường chứng khoán châu Á phục hồi trong phiên 30/9, sau khi chứng kiến tình trạng bán tháo ồ ạt trong phiên trước.
Các thị trường chứng khoán châu Á phục hồi sau phiên bán tháo ảnh 1Chứng khoán châu Á đang phục hồi. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Các thị trường chứng khoán châu Á phục hồi trong phiên 30/9, sau khi chứng kiến tình trạng bán tháo ồ ạt trong phiên trước.

Dẫn đầu đà tăng điểm là thị trường Nhật Bản, nhờ các dự đoán về các biện pháp kích thích kinh tế bổ sung.

Thị trường Thượng Hải tăng 0,48%, chốt phiên ở mức 3.052,78 điểm. Thị trường Hong Kong, sau khi mất gần 3% trong phiên trước, tăng 1,41%, hay 289,7 điểm, lên 20.846,3 điểm trong phiên này.

Thị trường Tokyo tăng hơn 3% trước khi chốt phiên tăng 2,7%, hay 457,31 điểm, lên 17.388,15 điểm. Thị trường Sydney tăng 2,1%, hay 103,2 điểm, lên 5021,6 điểm, và thị trường Seoul, sau khi đóng cửa trong hai ngày 28 và 29/9, tăng 1,03%, hay 19,96 điểm, lên 1.962,81 điểm. Các thị trường chứng khoán Trung Quốc nghỉ lễ Quốc khánh từ ngày 1/10.

Các thị trường chứng khoán và các tài sản rủi ro của khu vực đảo chiều mạnh trong phiên 29/9, theo sau đà sụt giảm tại New York và châu Âu, khi số liệu gây thất vọng về kinh tế Trung Quốc lại gây lo ngại về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tuy nhiên, hoạt động mua vào mạnh hơn trong phiên 30/9, ngày cuối cùng của một quý đã chứng kiến giá trị thị trường toàn cầu bị bốc hơi hàng nghìn tỷ USD, xuất phát từ quyết định bất ngờ của Trung Quốc về tỷ giá vào tháng trước.

Các nhà giao dịch đã nhận được sự khích lệ từ phố Wall, khi chỉ số Dow Jones và S&P 500 đi lên.

Thị trường Tokyo lên điểm khi có dự đoán về các biện pháp kích thích bổ sung sau các số liệu yếu kém gần đây. Nhu cầu trong nước yếu ở nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và tình trạng giảm tốc của kinh tế Trung Quốc đã ảnh hưởng đến xuất khẩu của Nhật Bản.

Khảo sát lòng tin kinh doanh Tankan hàng quý với kết quả được công bố ngày 1/10 sẽ cho thấy các doanh nghiệp nhận định ra sao về tương lai, có thể đưa đến hành động của các nhà hoạch định chính sách.

Trong phiên, đáng chú ý là giá cổ phiếu được niêm yết tại Hong Kong của tập đoàn khai mỏ Glencore sau khi giảm gần 30% trong phiên trước đã tăng ấn tượng 16,95% khi chốt phiên này.

Trước tin đồn tập đoàn này có thể sớm hủy niêm yết do lao đao vì giá hàng hóa thấp và kinh tế Trung Quốc giảm tốc, tập đoàn này đã tái khẳng định với nhà đầu tư rằng hoạt động kinh doanh vẫn tốt.

Tâm điểm thu hút sự chú ý của nhà đầu tư là bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen trong ngày 30/9, với hy vọng bà sẽ làm rõ thêm kế hoạch nâng lãi suất của Fed.

Vào ngày 2/10, Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố số liệu việc làm tháng Chín mà qua số liệu này có thể có đánh giá rõ ràng hơn về tình hình kinh tế Mỹ và dự đoán về thời điểm Fed nâng lãi suất. Các nhà hoạch định chính sách của Fed đã nói có khả năng sẽ nâng lãi suất trước cuối năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục