Các tổ chức tài chính thế giới nhận định khả quan về kinh tế Ấn Độ

Tập đoàn dịch vụ tài chính toàn cầu PricewaterhouseCoopers dự đoán rằng kinh tế Ấn Độ có thể tăng trưởng 7% trong năm 2015, trong khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ suy giảm.
Các tổ chức tài chính thế giới nhận định khả quan về kinh tế Ấn Độ ảnh 1Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ. (Nguồn: marketcalls.in)

Tập đoàn dịch vụ tài chính toàn cầu PricewaterhouseCoopers (PwC) vừa đưa ra dự đoán rằng kinh tế Ấn Độ có thể tăng trưởng 7% trong năm 2015, trong khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ suy giảm.

Báo the Economic Times ngày 12/1 dẫn báo cáo nghiên cứu của PwC, cho rằng Ấn Độ sẽ trở lại mức tăng trưởng trên 6%, sau thời kỳ suy giảm xuống mức thấp (dưới 5%) từ năm 2012. Báo cáo nhận định năm 2015 là năm Ấn Độ lấy lại đà và có thể đạt mức tăng GDP 7%.

Trong ngắn hạn, giá dầu mỏ xuống thấp có thể góp phần thúc đẩy GDP của Ấn Độ, đồng thời giảm lạm phát và giảm thâm hụt tài khoản vãng lai.

Về triển vọng kinh tế dài hạn của Ấn Độ, PwC cho rằng bản ngân sách được thông qua vào tháng 2/2015 tới sẽ thể hiện bước tiến của Ấn Độ trong thực hiện cải cách cơ cấu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ ở mức dưới 5% trong hai tài khóa vừa qua. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI-Ngân hàng trung ương) dự kiến tăng trưởng kinh tế của nước này trong tài khóa 2014-2015 (kết thúc vào ngày 31/3/2015) sẽ đạt 5,5% và tài khóa 2015-2016 sẽ đạt 6,3%.

Cùng ngày, phát biểu tại Hội nghị cấp cao lần thứ bảy về xúc tiến đầu tư toàn cầu đang diễn ra tại bang Gujarat, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), Jim Yong Kim, cho rằng Ấn Độ đã đứng vững trước cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và đạt được những tiến bộ lớn.

Theo ông Jim Yong Kim, kinh tế Ấn Độ có thể đạt 6,4% trong năm 2015 và thậm chí cao hơn trong năm 2016.

Thủ tướng Modi và chính phủ của ông đã nhanh chóng đặt nền móng cho tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ và tổ chức lại cơ cấu quản lý.

Tuy nhiên, Ấn Độ cần nỗ lực giảm số người sống dưới mức cực kỳ nghèo khổ trong những năm tới và đóng vai trò tích cực trong nỗ lực của WB nhằm chấm dứt tình trạng này vào năm 2030./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục