Campuchia đóng cửa các sòng bạc và hạn chế xuất khẩu gạo

Thủ tướng Hun Sen cho biết đã ban hành chỉ thị yêu cầu tất cả các sòng bạc trên cả nước đóng cửa từ 23 giờ 59 đêm 1/4 đồng thời quyết định cấm các hoạt động xuất khẩu gạo trắng hoặc thóc từ 5/4.
Campuchia đóng cửa các sòng bạc và hạn chế xuất khẩu gạo ảnh 1Một sòng bạc ở Sihanoukville, Campuchia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 30/3, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã yêu cầu đóng cửa tất cả các sòng bạc tại quốc gia này để ngăn chặn lây lan dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Phát biểu tại cuộc họp báo công bố những biện pháp mới nhất nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19 diễn ra ở thủ đô Phnom Penh, Thủ tướng Hun Sen cho biết đã ban hành chỉ thị yêu cầu tất cả các sòng bạc trên cả nước đóng cửa từ 23 giờ 59 đêm 1/4.

Ông Hun Sen nêu rõ đây là biện pháp tạm thời, các sòng bạc có thể hoạt động trở lại khi tình hình ổn định. Cũng theo Thủ tướng Campuchia, chỉ có một sòng bạc duy nhất tại thủ đô Phnom Penh, những sòng bạc còn lại nằm dọc các biên giới và ở thành phố Sihanoukville.

[Campuchia có thêm 4 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 107 người]

Campuchia cũng quyết định cấm các hoạt động xuất khẩu gạo trắng hoặc thóc từ ngày 5/4 để đảm bảo dự trữ gạo cho nhu cầu trong nước trong đợt đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu gạo thơm của quốc gia này vẫn được duy trì do giá thành cao khiến nhu cầu trong nước thấp.

Tới nay, Campuchia đã ghi nhận tổng cộng 107 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây COVID-19, trong đó 23 ca đã điều trị thành công.

Cũng tại buổi họp báo, Thủ tướng Hun Sen đã chỉ thị cho giới chức các cấp thu giữ mọi thiết bị xét nghiệm và thuốc chữa COVID-19 chưa được cấp phép, bày bán trôi nổi trên thị trường và bắt giữ, truy tố người có hành vi buôn bán những sản phẩm này.

Chính phủ Campuchia kêu gọi người dân, mới trở về từ nước ngoài, đặc biệt là từ Thái Lan, tự cách ly tại nhà trong 14 ngày và liên hệ với cơ quan y tế nếu có triệu chứng nghi mắc COVID-19.

Thủ tướng Campuchia kêu gọi các ngân hàng hoãn đòi nợ của những người vay đang chịu thiệt hại nặng nề nhất do dịch bệnh. Ông cho biết chính phủ chuẩn bị điều phối khoản tín dụng từ 500 hoặc 600 triệu USD cho các ngân hàng và các thể chế tài chính nhỏ với lãi suất thấp để những đơn vị này có thể cung cấp các khoản cho vay lãi suất thấp hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Trong diễn biến liên quan, ngày 29/3, Chính phủ Nepal đã quyết định gia hạn lệnh phong tỏa hiện hành thêm 8 ngày.

Nepal bắt đầu triển khai lệnh phong tỏa từ ngày 24/3. Theo đó, người dân không được ra khỏi nhà, trừ đi mua thực phẩm hoặc đi chữa bệnh, phương tiện giao thông và máy bay ngừng hoạt động, trừ phương tiện được cấp phép đặc biệt và các phương tiện cho nhân viên y tế và an ninh, đóng cửa hầu hết các cửa hàng, trừ những nơi bán nhu yếu phẩm.

Phát biểu trên truyền hình sau cuộc họp nội các tối 29/3, Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Công nghệ thông tin Yubaraj Khatiwada xác nhận chính phủ nước này quyết định gia hạn lệnh phong tỏa cho tới đêm 7/4. Tới nay, Nepal đã xác nhận 5 ca mắc bệnh COVID-19.

Quốc gia láng giềng Ấn Độ hiện chưa có kế hoạch gia hạn biện pháp phong tỏa kéo dài 21 ngày, có hiệu lực tới hết ngày 15/4.

Chánh Văn phòng nội các Ấn Độ Rajiv Gauba đã xác nhận với tờ ANI về thông tin này, qua đó bác bỏ những thông tin về khả năng gia hạn lệnh phong tỏa.

Kể từ khi áp dụng lệnh phong tỏa, hàng trăm nghìn lao động tự do đã rời những thành phố lớn như Delhi và Mumbai về nhà ở những vùng quê.

Hiện chính phủ nước này đang nỗ lực để đảm bảo duy trì những nguồn cung thiết yếu trong khi cũng phải cố gắng ngăn chặn dòng người di cư để giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh lan rộng về những vùng quê xa xôi.

Chính phủ đã chỉ thị cho giới chức các địa phương ngăn chặn dòng người đang đổ về các vùng nông thôn và thiết lập các lán trại trên các tuyến đường cao tốc để những người ở lại có thể đến lấy thức ăn và nước uống cho tới khi lệnh phong tỏa kết thúc.

Hiện Ấn Độ ghi nhận 1.071 ca nhiễm bệnh COVID-19, trong đó có 29 ca tử vong. Tuy những số liệu này đang ở mức thấp hơn nhiều so với những quốc gia như Mỹ, Italy và Trung Quốc, nhưng giới chức y tế lo ngại trong vài tuần tới số ca nhiễm mới gia tăng mạnh và đẩy hệ thống y tế còn nhiều yếu kém tại quốc gia này vào tình trạng quá tải.

Cùng ngày, Phó giám đốc Cơ quan bảo vệ người lao động nhập cư Indonesia (BP2MI), ông Anjar Prihantoro cho biết đã có 32.192 công nhân Indonesia trở về nước từ các quốc gia và vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó phần lớn làm việc tại Malaysia với 11.566 người, Hong Kong 9.075 người, Đài Loan 5.487 người, Singapore 2.799 người và Brunei 889 người và một số quốc gia khác.

Cũng theo ông Anjar, BP2MI đang phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Xã hội, Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia (BNPB) cùng với Lực lượng Đặc nhiệm xử lý COVID-19 tiến hành cách ly, đặc biệt ở các khu vực biên giới để tránh không trở thành điểm nóng của dịch COVID-19.

BP2MI đang tiếp tục phối hợp với Bộ Ngoại giao để rà soát số người lao động đang ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để có biện pháp xử lý tiếp theo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục