Cần Thơ: Đề xuất Trung ương hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch

Trước tình hình dịch bệnh diễn ra nhanh và phức tạp, Cần Thơ kiến nghị Bộ Y tế quan tâm, sớm phân bổ trang thiết bị y tế, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm và xe tiêm vaccine lưu động cho Cần Thơ...
Phun hóa chất trên địa bàn quận Bình Thủy thành phố Cần Thơ. (Ảnh: TTXVN phát)
Phun hóa chất trên địa bàn quận Bình Thủy thành phố Cần Thơ. (Ảnh: TTXVN phát)

Phó Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ Phạm Phú Trường Giang cho biết thành phố Cần Thơ hiện phát hiện nhiều ổ dịch lây lan trong cộng đồng, nhiều ca F0 chưa xác định nguồn lây nên công tác truy vết gặp rất nhiều khó khăn.

Cần Thơ rất mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19, Bộ Y tế và Tổ thông tin đáp ứng nhanh của Ban Chỉ đạo trong công tác phân tích, dự báo tình hình và khuyến nghị giải pháp dập dịch. 

Trước tình hình dịch bệnh diễn ra nhanh và phức tạp, Cần Thơ kiến nghị Bộ Y tế quan tâm, sớm phân bổ trang thiết bị y tế, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm và xe tiêm vaccine lưu động cho thành phố Cần Thơ; đề nghị Bộ Y tế phân bổ thêm vaccine phòng COVID-19 để thành phố triển khai tiêm cho người dân trên địa bàn sớm đạt miễn dịch cộng đồng.

Tổng dân số thành phố Cần Thơ hơn 1.240.000 người, nhưng tỷ lệ người dân được tiêm vaccine của thành phố còn khá thấp (3,6% dân số), chủ yếu cho các đối tương ưu tiên theo Nghị quyết 21/NQ-CP.

Thành phố Cần Thơ cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm, đồng bộ Chỉ thị 16 để đạt hiệu quả chống dịch.

Theo ông Phạm Phú Trường Giang, Cần Thơ là đầu mối giao thông, là trung tâm của vùng nên lưu lượng người dân ra, vào thành phố hàng ngày rất đông và phức tạp, dẫn đến khó khăn cho lực lượng truy vết và kiểm soát địa bàn.

Sau khi thực hiện giãn cách xã hội tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam, số người qua các điểm kiểm soát phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Mỗi ngày có hơn 6.000 người vào thành phố - là nguồn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập cao.

[Việt Nam ghi nhận kỷ lục 7.307 ca mắc COVID-19 trong ngày 23/7]

Trước tình hình dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng, Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện giãn cách xã hội các quận, huyện trên địa bàn theo tinh thần Chỉ thị 15, riêng quận Ninh Kiều, Cái Răng áp dụng tinh thần Chỉ thị 16 trong vòng 15 ngày từ ngày 12/7, bổ sung thêm quận Bình Thủy từ ngày 14/7.

Sau đó, từ 0 giờ ngày 19/7, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 969/TTg-KGVX, thành phố Cần Thơ đã áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố theo quy định tại Chỉ thị số 16.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện giãn cách xã hội bằng nhiều hình thức, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân hiểu, đồng tình, ủng hộ, đồng thời, tăng cường việc tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử phạt nghiêm các trường hợp không chấp hành việc giãn cách xã hội theo quy định.

Cần Thơ: Đề xuất Trung ương hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch ảnh 1Cần Thơ tạm ngưng hoạt động siêu thị GO! (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Lực lượng chức năng đẩy nhanh tốc độ truy vết, khi xác định được trường hợp F0, đồng thời, nhanh chóng xét nghiệm các trường hợp F1, F2 liên quan, thực hiện khoanh vùng đối tượng nguy cơ.

Tính đến chiều ngày 23/7, đã truy vết và cách ly 2.972 trường hợp F1 và 3.436 trường hợp F2; xét nghiệm COVID-19 diện rộng tại các khu vực có nguy cơ và tăng cường xét nghiệm tầm soát bệnh nhân và người thăm nuôi tại các cơ sở y tế.

Cần Thơ đã huy động hệ thống chính trị, nhân lực y tế, công an, đoàn thành niên… tham gia công tác phòng, chống dịch; duy trì các điểm kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 tại các tuyến giao thông, đầu mối giao thông trọng điểm, cửa ngõ ra vào thành phố và tại các bến xe, bến đò ngang; tại một số điểm kiểm soát đã triển khai thực hiện xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2.

Thành phố Cần Thơ cũng cho tạm dừng toàn bộ 100% các tuyến vận tải hành khách theo tuyến cố định, các tuyến vận tải hành khách cố định bằng xe buýt, các hoạt động vận tải của xe hợp đồng, xe du lịch, xe trung chuyển, vận tải hành khách bằng xe taxi từ 0 giờ ngày 13/7 cho đến khi có thông báo mới, trừ trường hợp đặc biệt(công vụ, cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất và chở bệnh nhân cấp cứu...) được hoạt động bình thường nhưng phải tuân thủ tuyệt đối các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố kiện toàn 2.183 Tổ COVID-19 cộng đồng thực hiện nhiệm vụ “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người,” đặc biệt lập danh sách và theo dõi các trường hợp về từ vùng dịch thông báo cho ngành Y tế để có biện pháp xử lý kịp thời; xây dựng ứng dụng “Truy vết COVID-19” của thành phố để quản lý người về lưu trú trên địa bàn, kịp thời truy vết các trường hợp có nguy cơ.

Hiện Cần Thơ có 8 bệnh viện đã tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19: Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Đa khoa thành phố, Bệnh viện Nhi đồng, Bệnh viện Phụ sản và 3 bệnh viện dã chiến tại Trung tâm Y tế quận Bình Thủy, Trung tâm Y tế Cái Răng, Trung tâm Y tế huyện Thới Lai.

Ngoài ra, Cần Thơ chuẩn bị mở Bệnh viện dã chiến tại Bệnh viện Quân dân y thành phố Cần Thơ và Bệnh viện đa khoa quận Thốt Nốt.

Bên cạnh đó, thành phố đã phối hợp và chuẩn bị cho việc thành lập Bệnh viện dã chiến số 4 của Trung ương do Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và Trường Đại học Y Dược Cần Thơ phụ trách (quy mô 800 giường).

Về năng lực xét nghiệm, Cần Thơ có 4 cơ sở thực hiện xét nghiệm khẳng định với tổng số 12 máy Realtime RT-PCR với năng lực tối đa 2.400 mẫu đơn/ngày (hiện đưa vào sử dụng 8 máy), tương đương gần 12.000 mẫu gộp 5/ngày. Trên địa bàn thành phố Cần Thơ hiện có 29 cơ sở được phép thực hiện xét nghiệm nhanh sàng lọc SARS-CoV-2. Hiện có 1.447 người đã được đào tạo để thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm.

Thành phố Cần Thơ đã triển khai 3 đợt tiêm vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn với có 44.781 liều vaccine được tiêm cho các đối tượng ưu tiên, công nhân, người lao động trên địa bàn (trong đó, có 6.695 người được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19).

Tính đến tối 23/7, thành phố Cần Thơ ghi nhận 425 ca mắc COVID-19 (tính từ ngày 8-23/7), trong đó có 2 ca tử vong, 2.206 trường hợp F1, 4.057 trường hợp F2./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục