Căng thẳng Nga-Ukraine có thể gây ra khủng hoảng lương thực toàn cầu

Căng thẳng Nga-Ukraine đã làm giảm nghiêm trọng hoạt động vận chuyển từ Nga và Ukraine, cùng chiếm khoảng 25% xuất khẩu lúa mỳ và 16% xuất khẩu ngô toàn cầu, khiến giá ngũ cốc leo thang.
Căng thẳng Nga-Ukraine có thể gây ra khủng hoảng lương thực toàn cầu ảnh 1Cuộc xung đột tại Ukraine khiến chuỗi cung ứng lương thực ở nước này có nguy cơ sụp đổ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Julien Denormandie ngày 21/3 cảnh báo căng thẳng giữa hai nhà sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới là Ukraine và Nga có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng lương thực “trên phạm vi toàn cầu.”

Phát biểu trước thềm một cuộc họp về nông nghiệp của Liên minh châu Âu (EU), Bộ trưởng Denormandie cho biết các bộ trưởng nông nghiệp của khối sẽ thảo luận về tình hình lương thực với người đồng cấp Ukraine thông qua hình thức trực tuyến.

Trước đó ngày 18/3, một quan chức Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cảnh báo chuỗi cung ứng lương thực ở Ukraine đang sụp đổ, trong bối cảnh cơ sở hạ tầng chủ chốt ở nước này như cầu đường và tàu hỏa bị hư hại, nhiều cửa hàng tạp hóa và nhà kho trống rỗng.

Cùng quan điểm, Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) của Liên hợp quốc mới đây cho biết tình hình căng thẳng ở Ukraine đã khiến giá lương thực leo thang và dẫn tới tình trạng thiếu các vụ mùa chủ chốt ở nhiều vùng ở Trung Á, Trung Đông và Bắc Phi.

Căng thẳng Nga-Ukraine hồi tháng trước đã làm giảm nghiêm trọng hoạt động vận chuyển từ Nga và Ukraine, hai nước cùng chiếm khoảng 25% xuất khẩu lúa mỳ thế giới và 16% xuất khẩu ngô toàn cầu, khiến giá ngũ cốc tăng trên thị trường quốc tế.

[Thế giới đứng trước “bờ vực” một cuộc khủng hoảng lương thực]

Theo IFAD, tác động của căng thẳng Nga-Ukraine hiện cũng bắt đầu ảnh hưởng tới giá lương thực bán lẻ ở một số nước nghèo nhất thế giới.

Giá lúa mỳ hiện đang ở mức gần với mức ghi nhận trong cuộc khủng hoảng lương thực gần đây nhất là vào năm 2007 và 2008, nguyên nhân gây ra các cuộc biểu tình ở nhiều nước đang phát triển.

Nga cũng là một trong những nước cung cấp phân bón lớn nhất thế giới. Giá phân bón đã tăng hồi năm ngoái và giá phân bón tăng hiện nay đang làm tăng 30% giá lương thực trên thế giới, dẫn tới làm tăng mức độ đói ăn trên toàn cầu.

Theo IFAD, để giảm nhẹ cuộc khủng hoảng mà người nghèo ở nông thôn đang phải đối mặt, cơ quan này sẽ tập trung vào các biện pháp can thiệp như chuyển tiền mặt, thiết lập các nhóm tiết kiệm và cho vay, hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục