'Cảnh sát biển phải đủ khả năng xử lý tình huống phức tạp trên biển'

Trung tướng Nguyễn Tân Cương nhấn mạnh cán bộ, chiến sỹ cảnh sát biển phải đủ khả năng xử lý các tình huống khó nhất, phức tạp nhất trên biển; nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm trên biển.
'Cảnh sát biển phải đủ khả năng xử lý tình huống phức tạp trên biển' ảnh 1Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ngày 5/1, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án Xây dựng lực lượng cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2015-2020, phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.

Hội nghị nhằm đánh giá toàn diện kết quả triển khai thực hiện Đề án giai đoạn 2015-2020, rút ra bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đó đề ra giải pháp, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.

Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì hội nghị.

Cùng dự có Trung tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; đại diện Văn phòng Chính phủ và một số cơ quan Trung ương.

Thực hiện có trọng tâm, trọng điểm

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Ban Chỉ đạo Đề án, sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng và sự giúp đỡ, phối hợp của các bộ, ngành liên quan, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã tích cực, chủ động, triển khai thực hiện hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ, mục tiêu của Đề án giai đoạn 2015-2020, đặc biệt về công tác tổ chức lực lượng, điều chỉnh tổ chức, biên chế, bảo đảm vũ khí trang bị.

Các dự án được triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm cho lực lượng cảnh sát biển hoàn thành tốt nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền, duy trì thực thi pháp luật, cứu hộ, cứu nạn trên biển và giao lưu với cảnh sát biển các nước, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển quán triệt, chấp hành nghiêm nghị quyết của Quân ủy Trung ương, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; giáo dục, xây dựng bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm cho cán bộ, chiến sỹ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; chủ động làm tốt công tác nghiên cứu, nắm sát, đánh giá, dự báo đúng tình hình, tham mưu trúng, đúng với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về chủ trương, đối sách, xử lý linh hoạt, kịp thời, hiệu quả các tình huống trên biển, không để bị động, bất ngờ; góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển thường xuyên quán triệt thực hiện nghiêm túc chỉ lệnh, mệnh lệnh sẵn sàng chiến đấu của Tổng Tham mưu trưởng, cụ thể hóa bằng các kế hoạch, phương án phù hợp với tình hình cụ thể trên biển; duy trì lực lượng ứng trực trên biển; kiên quyết, kiên trì bám, nắm, đấu tranh linh hoạt trên thực địa.

Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các quân khu ven biển, hiệp đồng, đăng ký, quản lý, tiếp nhận, huấn luyện, sử dụng nguồn nhân lực, tàu thuyền, phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền trên biển, đảo.

Lực lượng Cảnh sát biển quán triệt, triển khai đồng bộ, quyết liệt các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Ban Chỉ đạo 1389 Bộ Quốc phòng; phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không-Không quân, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, các quân khu ven biển, lực lượng Kiểm ngư và các lực lượng khác có liên quan, phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật trên biển, an toàn hàng hải, ô nhiễm môi trường; phát hiện, triệt phá nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại, tội phạm ma túy với quy mô lớn, có tổ chức, có yếu tố nước ngoài.

[Luật Cảnh sát biển Việt Nam góp phần quản lý, bảo vệ biển đảo Tổ quốc]

Đối với công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ môi trường biển, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển xây dựng, bổ sung kịp thời kế hoạch, phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố, khắc phục hậu quả thiên tai, chủ động tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; phối hợp chặt chẽ với lực lượng Hải quân, Bộ đội Biên phòng và các quân khu ven biển hoàn thành tốt nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ nhân dân trên các vùng biển trong mọi điều kiện thời tiết.

Trong công tác đối ngoại, lực lượng cảnh sát biển thực hiện đúng quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, coi trọng mở rộng mối quan hệ song phương, đa phương với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước trong khu vực.

Kết quả công tác đối ngoại của cảnh sát biển Việt Nam góp phần khẳng định Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm trong việc đối phó với các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống, giữ gìn an ninh, an toàn hàng hải, phát huy sức mạnh quốc tế trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo và các hoạt động kinh tế biển.

Không để bị động, bất ngờ trước các tình huống

Nhấn mạnh Đề án Xây dựng lực lượng cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2015-2020 là đề án lớn, với khối lượng công việc nhiều, liên quan đến mọi mặt công tác của lực lượng cảnh sát biển, theo Trung tướng Nguyễn Tân Cương, quá trình triển khai đề án còn gặp nhiều khó khăn như: cảnh sát biển là lực lượng còn non trẻ, phải thực thi nhiệm vụ trên vùng biển rộng lớn với thời tiết phức tạp, tổ chức biên chế trang bị của một số bộ phận còn bất cập, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực thi nhiệm vụ...

Trung tướng Nguyễn Tân Cương biểu dương Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và các cơ quan của Bộ Quốc phòng nỗ lực thực hiện tốt đề án; đồng thời cảm ơn các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương đã phối hợp, hỗ trợ tốt cho lực lượng cảnh sát biển trong những năm qua.

Trung tướng Nguyễn Tân Cương lưu ý thời gian tới, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cần tiếp tục triển khai thực hiện, hoàn thành các mục tiêu còn lại của đề án, tập trung ổn định tổ chức, biên chế, các nguồn lực, đảm bảo đủ vũ khí, trang bị, xây dựng cơ sở hạ tầng; xác định đến năm 2030, lực lượng Cảnh sát biển hiện đại, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Trung tướng Nguyễn Tân Cương đồng tình với một số ý kiến đề xuất tại Hội nghị, cho rằng cần có kế hoạch cụ thể, khoa học để xây dựng, hoàn thiện Đề án cho giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, theo đó, cần quan tâm đến các yếu tố chi phối tình hình trong bối cảnh Biển Đông và vùng biển Tây Nam tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, tình hình tội phạm vi phạm trên biển ngày càng tinh vi...

Trung tướng Nguyễn Tân Cương đề nghị lực lượng cảnh sát biển chủ động phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng nắm chắc tình hình trên biển, tham mưu kịp thời với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về các chủ trương, đối sách để xử lý kịp thời, đúng pháp luật các tình huống trên biển, không để bị động bất ngờ, không để mâu thuẫn, tranh chấp phát triển thành xung đột vũ trang, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

'Cảnh sát biển phải đủ khả năng xử lý tình huống phức tạp trên biển' ảnh 2Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

"Lực lượng cảnh sát biển cần chú trọng đào tạo, giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng bản lĩnh chính trị, huấn luyện, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ cho cán bộ, nhân viên, chiến sỹ cảnh sát biển đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, trong đó đặt ra yêu cầu cán bộ, chiến sỹ cảnh sát biển phải đủ khả năng xử lý các tình huống khó nhất, phức tạp nhất trên biển," Trung tướng Nguyễn Tân Cương nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Trung tướng Nguyễn Tân Cương yêu cầu lực lượng cảnh sát biển tiếp tục nghiên cứu nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống, đấu tranh với các loại tội phạm và vi phạm trên biển; tăng cường hợp tác quốc tế; thường xuyên làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, không để cán bộ, chiến sĩ bị các lực lượng khác móc nối, mua chuộc, từ đó tiếp tay, làm ngơ, bao che cho các loại tội phạm vi phạm; kiên quyết xử lý các cán bộ, chiến sỹ vi phạm để làm trong sạch lực lượng.

Lực lượng cảnh sát biển phối hợp chặt chẽ với các học viện, nhà trường hiện nay có các khoa, bộ phận đào tạo lực lượng Cảnh sát biển nhằm nghiên cứu, xây dựng tiêu chí đầu ra, trên cơ sở đó điều chỉnh, bổ sung chương trình nội dung đào tạo cho phù hợp, giải quyết căn cơ các bất cập trong đào tạo.

Về trang bị và xây dựng hạ tầng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, có quy trình phân kỳ đầu tư bố trí nguồn vốn sắp xếp triển khai phù hợp.

Các cơ quan của Bộ Quốc phòng theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp, hướng dẫn Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển điều chỉnh, hoàn thiện Đề án cho giai đoạn tiếp theo.

Đối với các ý kiến đề xuất của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Trung tướng Nguyễn Tân Cương đề nghị Bộ Tổng Tham mưu nghiên cứu, báo cáo với Thường vụ Quân ủy Trung ương xem xét, quyết định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục