Cắt, điều chuyển thi công với nhiều nhà thầu làm cao tốc Bắc-Nam

Hàng loạt nhà thầu yếu kém thi công dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông đã bị các Ban Quản lý dự án cắt chuyển khối lượng công việc để đẩy nhanh tiến độ.
Nhà thầu thi công dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Nhà thầu thi công dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Nhiều nhà thầu yếu về năng lực tài chính và tổ chức thi công tại dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã và đang bị các Ban Quản lý dự án xem xét điều chuyển khối lượng công việc.

Theo kế hoạch năm 2022 của Bộ Giao thông Vận tải, 4/10 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 phải về đích, song, tính đến nay, 2/4 dự án là Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây vẫn chậm tiến độ do một số nhà thầu không đáp ứng được năng lực tài chính và kinh nghiệm tổ chức thi công.

Trước thực trạng đó, hàng loạt nhà thầu yếu kém đã bị các Ban Quản lý dự án cắt chuyển khối lượng công việc.

Theo đó, tại dự án thành phần Vĩnh Hảo-Phan Thiết, trong tháng 3-4/2022, Ban Quản lý dự án 7 đã thực hiện cắt chuyển tổng cộng 16,5km do các nhà thầu phụ và tổ đội yếu kém đảm nhận và yêu cầu nhà thầu chính trực tiếp thi công.

Cụ thể, Tại gói thầu XL-02, điều chuyển 1,5 km hạng mục nền đường do nhà thầu Cường Thịnh Thi (1,1km) và nhà thầu Viễn Đông (0,4km) cho nhà thầu Hải Đăng thi công. Tại gói thầu XL01, điều chuyển 1km thi công nền đường (50% khối lượng thi công theo hợp đồng) của thầu phụ Công ty cổ phần Giao thông Xây dựng số 1 cho thầu chính là Công ty cổ phần Đạt Phương thực hiện.

Tại gói thầu XL-04, cắt phần khối lượng 10km nền đường do tổ đội yếu kém thi công và yêu cầu Vinaconex trực tiếp thi công 6km, Công ty VNCN EC thi công 4km.

Ở dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Cam Lộ-La Sơn, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã nhắc nhở các nhà thầu phụ là Công ty 388 và Công ty Tân Thành, yêu cầu các nhà thầu chính là Công ty Hòa Hiệp, Công ty 122 Vĩnh Thịnh tăng cường thi công khi thầu phụ không đáp ứng tiến độ.

['Phải có giải pháp xử lý gói thầu cao tốc Bắc-Nam chậm tiến độ']

Một số nhà thầu cũng được đưa vào diện cảnh báo như: Tổng công ty 319 và nhà thầu phụ Hoàng Nguyên, Tổng công ty 36 và nhà thầu phụ Công ty Nhạc Sơn; Công ty Hà An, Công ty Thành Phát, Cienco5 và thầu phụ Công ty Đại Hiệp, Công ty 471 và nhà thầu phụ Công ty Bảo Sơn.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cũng điều chuyển khối lượng 560m của công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoàng Nguyên và đường đầu cầu của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vinh Khải tại gói thầu XL3 cho Công ty cổ phần Xây dựng dịch vụ và thương mại 68.

Với dự án thành phần Phan Thiết-Dầu Giây, Ban Quản lý dự án Thăng Long sẽ tiếp tục đôn đốc, theo dõi tình hình tổ chức thi công của các nhà thầu. Nếu đến ngày 30/4/2022, sản lượng thi công không được cải thiện. Ban sẽ báo cáo Bộ Giao thông Vận tải cắt chuyển khối lượng do các nhà thầu này phụ trách./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục