Chính phủ Mỹ bị kiện do khám xét thiết bị điện tử cá nhân

Chính phủ Mỹ đang đối mặt với vụ kiện của nhiều tổ chức với cáo buộc vi phạm pháp luật khi khám xét điện thoại và máy tính cá nhân của những người đi từ nước ngoài đến biên giới của Mỹ.
Chính phủ Mỹ bị kiện do khám xét thiết bị điện tử cá nhân ảnh 1Hành khách tại sân bay quốc tế John F. Kennedy ở New York, Mỹ. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Chính phủ Mỹ đang đối mặt với vụ kiện của nhiều tổ chức với cáo buộc vi phạm pháp luật khi khám xét điện thoại và máy tính cá nhân của những người đi từ nước ngoài đến biên giới của Mỹ mà không có lệnh của tòa.

Trong đơn kiện nộp lên tòa án liên bang ở bang Massachusetts ngày 13/9, Liên minh Quyền tự do của công dân Mỹ (ACLU) và Quỹ Biên giới điện tử (EFF) đã kiện Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) cùng hai cơ quan trực thuộc đã vô cớ khám xét các thiết bị điện tử cá nhân của 10 công dân Mỹ và một đối tượng có quy chế định cư lâu dài khi những người này từ nước ngoài trở về Mỹ.

Chỉ một số trong những người bị khám xét là người Hồi giáo, song tất cả đều phàn nàn về việc bị gây áp lực và thậm chí một trường hợp bị ép buộc bằng vũ lực phải đưa điện thoại cho các nhân viên an ninh khám xét. Ngoài ra, trong một số trường hợp, các thiết bị này bị giữ lại trong vài tháng trước khi đưa trả lại. Đơn kiện nêu rõ không ai trong những người trên bị cáo buộc vi phạm pháp luật.


[Mỹ tiếp tục nới lỏng lệnh cấm mang laptop lên máy bay]

Hai cơ quan trực thuộc DHS bị nêu tên trong đơn kiện là Cơ quan Hải quan và biên phòng (CBP) và Cơ quan Thực thi nhập cảnh và hải quan (ICE). Đơn kiện cũng nêu số liệu cho thấy số các vụ khám xét thiết bị điện tử cá nhân tại các cửa khẩu của Mỹ đã tăng đột biến với 15.000 lượt khám xét chỉ trong nửa đầu năm 2017, so với chỉ 19.033 lượt trong cả năm 2016 và 8.503 lượt trong năm 2015.

Trong một tuyên bố, ACLU nhấn mạnh Tu chính án thứ 4 của Hiến pháp Mỹ yêu cầu chính phủ phải có giấy phép mới được khám xét nội dung lưu giữ trong điện thoại hay máy tính. Trong khi theo EFF, hiện nay điện thoại, máy tính bảng, máy tính là những thiết bị chứa đứng những thông tin cá nhân hoặc công việc vô cùng nhạy cảm, riêng tư. EFF nêu rõ hiện là thời điểm tòa án cần yêu cầu chính phủ ngừng coi biên giới là nơi không cần tuân thủ Hiến pháp.

Hiện cả DHS và CBP đều chưa đưa ra bình luận nào về đơn kiện trên.

Tu chính án thứ 4 của Hiến pháp Mỹ cấm các hành động khám xét và thu giữ không có lý do, đồng thời yêu cầu lực lượng thực thi pháp luật phải xin lệnh của tòa với những lý do thích đáng. Tuy nhiên, các tòa án Mỹ lại cho phép lực lượng an ninh không cần tuân thủ quy định trên tại các cửa khẩu biên giới cũng như sân bay vì lý do an ninh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục