'Chợ nhân đạo' nhân lên tình yêu thương, sự sẻ chia trong cộng đồng

Để hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn đón Tết, Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam đã chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh, thành Hội trong cả nước triển khai đồng loạt "chợ nhân đạo."
'Chợ nhân đạo' nhân lên tình yêu thương, sự sẻ chia trong cộng đồng ảnh 1Một 'chợ nhân đạo.' (Nguồn: Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam)

Năm 2020, dịch COVID-19 cùng thiên tai xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn. Trước bối cảnh đó, Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam đã triển khai mô hình "Chợ nhân đạo" trong toàn hệ thống Hội.

Chương trình sớm thể hiện được tính hiệu quả nhờ hỗ trợ thiết thực cho người dân, mang đến sự ấm áp của tình người, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho đất nước.

Hỗ trợ thiết thực cho người dân

Chị Phạm Thị Hoa (Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân Hà Nội), một trong những người nhận được hỗ trợ từ mô hình "Chợ nhân đạo" dịp Tết Tân Sửu chia sẻ gia đình chị thuộc hộ nghèo, chồng mất sớm, một mình chị làm thuê nuôi con, cuộc sống vốn khó khăn vất vả. Nhưng Tết này mẹ con chị cảm thấy ấm áp và vơi bớt nhọc nhằn hơn khi nhận được tình cảm, món quà Hội Chữ thập Đỏ trao tặng.

Mô hình "Chợ nhân đạo" được Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam xây dựng, triển khai nhân Tháng nhân đạo 2020 (tháng 5/2020) tại tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước. Chợ được tổ chức trên cơ sở huy động nguồn lực hỗ trợ từ cộng đồng nhằm phục vụ miễn phí người dân có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, dịch bệnh, khó đảm bảo nhu cầu lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu.

Do khả năng linh hoạt, tính đáp ứng thực tế cao, chợ có thể áp dụng trên phạm vi rộng, ở bất cứ địa bàn nào. Thực tế, Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam đã tổ chức "Chợ nhân đạo" tại các xã vùng biên (xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, Sơn La); huyện Mèo Vạc, Hà Giang; xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An), xã miền biển (xã Hoài Hải, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định), xã vùng cao Tây Nguyên (xã Đăk Djrăng, huyện Mang Yang, Gia Lai; xã Đắk N’Drót, huyện Đắk Mil, Đắk Nông)...

Chợ bao gồm các quầy hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu và các mặt hàng khác tùy theo khả năng vận động của Hội Chữ thập Đỏ địa phương, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Các sản phẩm bày bán ở chợ được thu mua từ nguồn nông sản thiết yếu của người dân không tiêu thụ được do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tại địa phương hoặc do các doanh nghiệp đồng tổ chức, cung cấp theo hình thức trợ giá; các tổ chức, cá nhân, nhóm thiện nguyện thu gom, lập quầy cung cấp tại chợ; các nhà sản xuất địa phương ủng hộ.

Khi đến phiên chợ đặc biệt này, người dân sẽ nhận được một phiếu mua hàng có giá trị từ 300.000 trở lên (tùy theo từng địa phương tổ chức), mỗi người tự do lựa chọn mặt hàng tại chợ theo nhu cầu cá nhân, gia đình; có thể tự bù thêm tiền để mua các mặt hàng có trị giá lớn hơn trị giá phiếu được cấp.

Trong Tháng Nhân đạo 2020, các cấp Hội đã tổ chức được gần 500 phiên chợ, hỗ trợ hơn 120.000 phiếu mua hàng miễn phí với tổng kinh phí huy động trên 35,8 tỷ đồng, vượt 3,5 lần chỉ tiêu về vận động kinh phí.

[Chữ thập Đỏ Việt Nam hỗ trợ tích cực phòng, chống dịch COVID-19]

Theo Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam Trần Thị Hồng An, kết quả này đã khẳng định giá trị cao hơn mà mô hình "Chợ nhân đạo" tạo được, đó là nhân lên tình yêu thương, chia sẻ trong cộng đồng; cổ vũ, lan tỏa giá trị nhân đạo trong các tầng lớp nhân dân; góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước bằng phương thức xã hội hóa.

Để hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn đón Tết Nguyên đán Tân Sửu đủ đầy hơn, Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam đã chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh, thành Hội trong cả nước triển khai đồng loạt "chợ nhân đạo" trong tuần cao điểm từ ngày 22-31/1/2021.

Trung ương Hội hỗ trợ trên 3,5 tỷ đồng (mỗi tỉnh khoảng 50 triệu đồng) để các tỉnh thực hiện những phiên chợ phù hợp theo điều kiện thực tế tại địa phương.

Bà Trần Thị Hồng An cho biết tại những nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, điều kiện kinh tế và đi lại khó khăn, nhiều tỉnh đã tổ chức chợ theo hướng lưu động thu hút rất đông người dân tham gia. Có thể nói Chợ nhân đạo Tết Tân Sửu 2021 đã hỗ trợ thiết thực cho người nghèo, nạn nhân chất độc da cam và những người dễ bị tổn thương có một cái Tết vui tươi và đầm ấm.

Áp dụng linh hoạt, sáng tạo để phát triển

Là một trong những tỉnh đầu tiên triển khai, thực hiện hiệu quả, thiết thực mô hình Chợ nhân đạo, Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ tỉnh Lâm Đồng Đỗ Hoàng Tuấn chia sẻ: "Chưa làm thấy khó, làm rồi thấy ham" là thực tế mà Hội Chữ thập Đỏ Lâm Đồng rút ra từ chỉ đạo mô hình Chợ nhân đạo."

Kết quả thực hiện thí điểm cho thấy người dân đến chợ vui vẻ, phấn khởi, Tỉnh hội đã nhân rộng mô hình cho tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh. Ban đầu, nhiều huyện, thành phố không dám triển khai vì sợ không đủ năng lực thực hiện, song bằng sự quyết tâm, các huyện, thành phố đã mạnh dạn tổ chức, thực hiện.

Đến nay, Chợ nhân đạo đã được thực hiện tại 12/12 huyện, thành phố, có huyện đã quay lại vòng thứ 2 tổ chức tại xã có nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn và đưa thêm các hoạt động nhân đạo khác vào chợ.

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam Trần Thị Hồng An cho biết dù là mô hình mới nhưng "Chợ nhân đạo" đã được nhiều tỉnh, thành Hội tổ chức tốt, áp dụng rất sáng tạo và linh hoạt.

Có thể kể đến những phiên chợ vùng biên của Sơn La, Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Gia Lai, Bình Phước... nhộn nhịp, đầm ấm, vui tươi như một nét văn hóa mới của phiên chợ tình người.

"Chợ nhân đạo" cho ngư dân vùng biển Hải Phòng, Hà Tĩnh, Bình Định, Bến Tre kịp thời mang đến người dân những nhu yếu phẩm cần thiết trong mùa dịch. Những phiên chợ cho công nhân nghèo, mất việc làm do dịch COVID-19 tại các khu công nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tuyên Quang... không chỉ tặng hàng hóa, còn hỗ trợ người dân phiếu thanh toán thuê phòng trọ...

Từ hoạt động thực tế của "Chợ nhân đạo" có thể nhận thấy đây là mô hình bền vững, khắc phục được nhiều nhược điểm của các mô hình hỗ trợ cộng đồng tự phát hiện nay như chỉ hỗ trợ một số mặt hàng nhất định, có gì tặng nấy; tổ chức ở phạm vi hẹp, thời gian ngắn; không xác định rõ nhóm đối tượng hưởng lợi tập trung nên dẫn đến hiện tượng xung đột xã hội; tính bền vững không cao; công tác tổ chức gặp khó khăn do không có sự tham gia, chỉ đạo của chính quyền địa phương...

Theo Bà Trần thị Hồng An, "Chợ nhân đạo" đã khẳng định 5 điểm tốt: công khai, minh bạch; nhân văn; có tính tổ chức, cộng đồng; kết nối; đa dạng và phù hợp.

Cụ thể, việc lựa chọn người hưởng lợi được các cấp Hội và tình nguyện viên điều tra, khảo sát cụ thể, đảm bảo tính công khai, minh bạch, dân chủ trong các khâu từ lựa chọn người hưởng lợi, giá cả, chất lượng hàng hóa, nguồn vận động. Người hưởng lợi được tự lựa chọn các mặt hàng theo nhu cầu-thể hiện tính nhân văn. Công tác tổ chức khoa học, chuyên nghiệp, có sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và các lực lượng xã hội tại địa phương.

'Chợ nhân đạo' nhân lên tình yêu thương, sự sẻ chia trong cộng đồng ảnh 2Một 'chợ nhân đạo.' (Nguồn: Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam)

Việc tổ chức này cũng góp phần tập hợp, kết nối được nhiều tổ chức, cá nhân, nhóm thiện nguyện, huy động tối đa khả năng đóng góp bằng nhiều hình thức; hỗ trợ được nhiều nhóm đối tượng (hộ dân nghèo, nông dân, nhà sản xuất, doanh nghiệp…); đa dạng hóa cách thức triển khai để phù hợp với nhiều vùng, miền, bối cảnh.

Mô hình "Chợ nhân đạo" đã khẳng định được giá trị to lớn khi không chỉ hỗ trợ kịp thời, thiết thực cho người dân mà còn nhân lên tình yêu thương, chia sẻ trong cộng đồng; phát huy tinh thần "lá lành đùm lá rách" trong các biến cố thiên tai, thảm họa, dịch bệnh; xây dựng cộng đồng đoàn kết, giàu lòng nhân ái; góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước bằng phương thức xã hội hóa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục