Chứng khoán Âu, Mỹ giảm điểm trong phiên 8/6 do lo ngại lạm phát

Tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,8% xuống 32.910,90 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 1,1% xuống 4.115,77 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite hạ 0,7% xuống 12.086,27 điểm.
Chứng khoán Âu, Mỹ giảm điểm trong phiên 8/6 do lo ngại lạm phát ảnh 1Giao dịch viên làm việc tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chứng khoán Phố Wall sụt giảm trong phiên ngày 8/6, “xóa sạch” mức tăng trong phiên trước đó do lo ngại lạm phát ngày càng tăng. Chứng khoán châu Âu cũng “nối gót” giảm trước khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra quyết định về chính sách tiền tệ trong cuộc họp ngày 9/6.

Tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,8% xuống 32.910,90 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 1,1% xuống 4.115,77 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite hạ 0,7% xuống 12.086,27 điểm.

Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của London giảm 0,1% xuống 7.593 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt giảm 0,8% xuống 14.445,99 điểm, còn chỉ số CAC 40 giảm 0,8% xuống 6.448,63 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 hạ 0,5% xuống còn 3.788,93 điểm.

Chứng khoán Mỹ, sau khi tăng điểm trong phiên ngày 7/6 bất chấp dự báo ảm đạm từ Ngân hàng Thế giới (WB), đã trở lại sắc đỏ trong bối cảnh giá dầu tăng vọt và Nhà Trắng cảnh báo về một báo cáo đáng thất vọng khác về giá tiêu dùng vào cuối tuần này.

[Chứng khoán trên thị trường thế giới diễn biến trái chiều]

Trả lời phỏng vấn báo chí, Thư ký Báo chí của Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho hay chính quyền Tổng thống Joe Biden kỳ vọng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), dự kiến công bố ngày 10/6 sẽ tăng, củng cổ thêm đồn đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa.

Vào ngày 9/6, ECB dự kiến sẽ đánh tín hiệu về việc chấm dứt mua trái phiếu, mở đường cho việc tăng lãi suất trong tương lai.

Stephen Innes, đối tác quản lý tại SPI Asset Management, cho biết đối với nền kinh tế và các thị trường chứng khoán, việc ngân hàng trung ương tiến hành các đợt tăng lãi suất mạnh có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động tiêu dùng của các hộ gia đình.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), có trụ sở tại Paris, dự đoán rằng nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3% trong năm nay, chậm hơn nhiều so với ước tính trước đó là 4,5% đưa ra hồi tháng 12/2021.

Đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong hai thập niên so với đồng nội tệ Nhật Bản, vốn đang chịu sức ép trước những phương thức giải quyết lạm phát của Ngân hàng trung ương Nhật Bản so với các ngân hàng trung ương khác.

Tại Việt Nam, chốt phiên giao dịch ngày 8/6, VN-Index tăng 16,56 điểm lên 1.307,91 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 584,5 triệu đơn vị, tương ứng gần 16.757 tỷ đồng. Toàn sàn có 389 mã tăng giá, 80 mã giảm giá và 39 mã đứng giá.

HNX-Index tăng 6,78 điểm lên 310,93 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 82 triệu đơn vị, tương ứng hơn 2.027,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 164 mã tăng giá, 61 mã giảm giá và 31 mã đứng giá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục