Chứng khoán Âu, Mỹ lao dốc trước nguy cơ chiến tranh thương mại

Trước những lo ngại về khả năng một cuộc chiến thương mại nổ ra giữa Mỹ và Trung Quốc, các thị trường chứng khoán châu Mỹ và châu Âu đồng loạt "lao dốc" trong phiên giao dịch ngày 19/6.
Chứng khoán Âu, Mỹ lao dốc trước nguy cơ chiến tranh thương mại ảnh 1Hoạt động giao dịch chứng khoán ở sàn giao dịch New York. (Nguồn: Reuters)

Trước những lo ngại về khả năng một cuộc chiến thương mại nổ ra giữa Mỹ và Trung Quốc, các thị trường chứng khoán châu Mỹ và châu Âu đồng loạt "lao dốc" trong phiên giao dịch ngày 19/6 trong khi mở đầu phiên giao dịch 20/6, chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều do các nhà đầu tư thận trọng theo dõi tình hình thị trường.

Trong ba chỉ số chứng khoán chính của Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones bị tác động mạnh nhất do những tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc, giảm tới 1,2% giá trị, chốt phiên ở mức 24.700,21 điểm. Trong khi đó, chỉ số tổng hợp S&P 500 và chỉ số công nghệ Nasdaq lần lượt giảm 0,4% và 0,3% giá trị.

[ZTE mất 7 tỷ USD giá trị sau khi Thượng viện Mỹ siết chặt cấm vận]

Tại các thị trường bên kia bờ Đại Tây Dương, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) ít bị ảnh hưởng nhất, giảm 0,4%. Trong khi đó, các sàn chứng khoán khác của châu Âu như Frankfurt (Đức), Paris (Pháp) và Euro Stoxx 50 đều ghi nhận mức giảm khoảng 1%. Cụ thể, chỉ số DAX 30 ở Frankfurt giảm 1,2% chốt phiên ở mức 12.677,97 điểm, chỉ số CAC 40 giảm 1,1% chốt phiên với 5.390,63 điểm và chỉ số EURO STOXX 50 của 50 công ty lớn nhất Khu vực đồng tiền chung (Eurozone) giảm 0,9% xuống 3.435,3 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán Nhật Bản và Hàn Quốc mở cửa phiên giao dịch ngày 20/6 đều tăng giá dù các nhà đầu tư vẫn đang thận trọng quan sát thị trường. Chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo tăng 0,31%, tương đương 68,21 điểm so với giá trị chốt phiên ngày 19/6. Chỉ số Topix tăng 0,08%. Trong khi đó, chỉ số KOSPI ở Seoul cũng tăng 0,28%, tương đương 6,53 điểm trong vòng 15 phút giao dịch đầu tiên. Trong số các chỉ số chứng khoán của Trung Quốc, chỉ số Hang Seng ở Hong Kongduy nhất tăng điểm (với mức tăng 0,35%) khi mở cửa ngày 20/6 sau khi lao dốc trong phiên giao dịch trước.

Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite ở sàn giao dịch Thượng Hải và Shenzhen Composite ở Thâm Quyến đều giảm lần lượt là 0,615 và 0,62%. Trước đó, chốt phiên giao dịch ngày 19/6, Hang Seng, Shanghai Composite và Shenzhen Composite giảm lần lượt 2,78%, 3,78% và 5,77%.

Sắc đỏ tràn ngập thị trường Âu Mỹ sau các tuyên bố áp thuế lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngày 15/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố danh sách các mặt hàng tổng trị giá 50 tỷ USD của Trung Quốc bị áp mức thuế 25% với cáo buộc Bắc Kinh vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời cảnh báo sẽ áp thuế bổ sung nếu Trung Quốc dùng các biện pháp trả đũa. Bắc Kinh sau đó có động thái trả đũa bằng cách áp thuế tương tự lên số hàng Mỹ có cùng trị giá.

Ngày 18/6, Tổng thống Trump tiếp tục công bố các kế hoạch áp mức thuế 10% đối với gói hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá tới 200 tỷ USD. Những tranh cãi này đẩy hai nước tiến gần hơn một cuộc chiến thương mại mà theo dự đoán sẽ gây tổn hại cho kinh tế toàn cầu.

Nhà phân tích thị trường Craig Erlam cho rằng: "Sự leo thang rõ ràng trong những ngày qua đã khiến các nhà đầu tư bất an và đặt dấu chấm hết cho thời gian tăng trưởng của thị trường chứng khoán Mỹ kéo dài từ đầu tháng 5." Theo ông, mặc dù chứng khoán Trung Quốc bị ảnh hưởng mạnh hơn song các doanh nghiệp Mỹ rõ ràng không hề miễn dịch với cuộc chiến tranh thương mại và có thể sẽ phải chịu áp lực lớn hơn nữa nếu hai nước không đạt được thỏa thuận.

Tuy nhiên, bất chấp sắc đỏ lan tràn khắp các thị trường, nhiều nhà quan sát vẫn hoài nghi về khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại. Chuyên gia đầu tư của Cornerstone Wealth Management Alan Skrainka cho biết lời khuyên cho các khách hàng là lùi ra khỏi những "ồn ào" này, và sau đó "những cái đầu lạnh sẽ chiếm ưu thế và hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận."

Tại châu Âu, ngoài những lo ngại về chiến tranh thương mại, các nhà đầu tư châu Âu còn đang thận trọng về các cuộc đàm phán về cải cách châu Âu giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cũng như các cuộc tranh cãi trong nội bộ EU về vấn đề người nhập cư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục