Chuyên gia đề xuất cách "tiếp sức" cho thị trường lương thực thế giới

Trong khi sản xuất ngũ cốc của Nga và Ukraine chiếm 6% tổng sản lượng ngũ cốc toàn cầu, cuộc xung đột Nga-Ukraine đang đẩy thế giới vào nguy cơ mất an ninh lương thực.
Chuyên gia đề xuất cách "tiếp sức" cho thị trường lương thực thế giới ảnh 1Cánh đồng lúa mỳ ở Mala Dyvitsya (Ukraine). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, kéo theo các biện pháp trừng phạt, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, giá lương thực toàn cầu đã tăng cao chóng mặt trong khi lượng hàng tồn kho giảm, đẩy thế giới vào nguy cơ mất an ninh lương thực.

Theo Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) - cơ quan chung của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Liên hợp quốc, sản xuất ngũ cốc của Nga và Ukraine chiếm 6% tổng sản lượng toàn cầu.

Xuất khẩu các loại ngũ cốc như lúa mỳ, ngô, yến mạch và lúa mạch của hai nước này cũng chiếm đến 16% xuất khẩu các mặt hàng này của toàn cầu. Bên cạnh đó, Nga và Ukraine cũng cung cấp thức ăn chăn nuôi, đồng nghĩa lạm phát đối với thực phẩm cung cấp protein như thịt gà hoặc thịt lợn sẽ tiếp tục tăng.

Nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận The Conference Board dự báo Chỉ số giá cả của chi phí tiêu dùng cá nhân (PCE), đo lường giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, sẽ dao động tăng quanh ngưỡng 6% so với cùng kỳ năm ngoái trong phần lớn năm 2022.

Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia đã đề xuất các cách thức giải quyết tình trạng thiếu lương thực toàn cầu. Theo đó, các doanh nghiệp có thể tự bảo vệ mình bằng cách tìm các nguồn cung ngũ cốc thay thế, thông qua việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng hoặc tìm kiếm lựa chọn khác tại thị trường nội địa hoặc những thị trường không bị ảnh hưởng.

[Giá lương thực thế giới cao nhất từ trước tới nay]

Theo giới chuyên gia, sự đa dạng hóa và thay thế này sẽ giúp giảm thiểu một số chi phí mà cuối cùng sẽ được chuyển cho người tiêu dùng.

Có một tín hiệu tích cực là một số nền kinh tế có thể ngay lập tức tham gia thị trường để “tiếp sức” cho thế giới. Yếu tố quyết định là liệu kho dự trữ của những nền kinh tế này có thể phục vụ cho xuất khẩu hay không và cơ sở hạ tầng nội bộ cũng như lực lượng lao động của họ có khả năng thúc đẩy thương mại hay không.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Ấn Độ, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Brazil và Canada có vị thế rất thuận lợi để tăng xuất khẩu ngũ cốc.

Vào cuối niên vụ 2021-2022, Mỹ được dự báo sẽ thu hoạch dư thừa 18 triệu tấn lúa mỳ, 37 triệu tấn ngô và 2,6 triệu tấn lúa mạch, yến mạch, lúa miến và lúa mạch đen.

Các nhà hoạch định chính sách có thể xác định nguồn dự trữ ngũ cốc dư thừa và hợp tác với các tổ chức phi chính phủ để phân phối lương thực cho các quốc gia dễ bị tổn thương.

Bên cạnh đó, các chính phủ cũng có thể trích lương thực từ nguồn dự trữ trong nước để làm giảm bớt các tác động của cú sốc nguồn cung ngũ cốc đối với người tiêu dùng.

Ngoài ra, các nước cũng cần phân bổ ngân sách để giúp tăng sản lượng lương thực, thông qua việc chi tiêu cho các thiết bị, hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), cũng như cơ sở hạ tầng.

Đơn cử tại Mỹ, trợ cấp của chính phủ liên bang cho nông dân trong nước, bao gồm các khoản vay, hạn ngạch và chính sách mua lương thực, cùng một số biện pháp khác, có thể thay đổi để hỗ trợ việc mua sản lượng ngũ cốc lớn hơn.

Không chỉ vậy, các doanh nghiệp, từ siêu thị đến nhà ăn tại các công ty tư nhân, có thể giảm lãng phí thực phẩm nhờ các chính sách đặt hàng và hệ thống làm lạnh tốt hơn. USDA ước tính có tới 30-40% nguồn cung thực phẩm đang được sử dụng một cách lãng phí tại Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục