Chuyên gia hướng dẫn những việc cần làm khi xảy ra động đất

Viện Vật lý Địa cầu đã biên soạn và xuất bản cuốn sách "Những hiểu biết cơ bản đề an toàn với động đất tại Việt Nam" nhằm cung cấp đến người dân những kỹ năng cần thiết để phòng, tránh rủi ro.
Chuyên gia hướng dẫn những việc cần làm khi xảy ra động đất ảnh 1Vị trí chấn tâm động đất xảy ra ở huyện Kon Plông ngày 15/4. (Nguồn: Viện Vật lý Địa cầu)

Từ tháng 4/2021 đến nay, các số liệu thống kê của Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho thấy hiện tượng động đất tại khu vực huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) và lân cận có tần suất xảy ra thường xuyên và xu hướng mạnh dần. Đặc biệt trong các ngày 15-18/4, khu vực này đã ghi nhận 22 trận động đất với độ lớn 2,5 đến 4,5.

Động đất là một dạng thiên tai tuy không thường xuyên xảy ra như bão, lũ nhưng tác hại của nó vô cùng to lớn. Hiểu biết về động đất và những biện pháp phòng tránh là cơ sở đầu tiên giúp giảm thiểu những thiệt hại khi động đất xảy ra.

Hiểu rõ hơn về động đất

Tiến sỹ Bùi Thị Nhung thuộc Viện Vật lý Địa cầu cho biết động đất là sự rung động mặt đất gây ra bởi sự giải phóng đột ngột năng lượng trong thạch quyển tạo nên các sóng địa chấn lan truyền trong Trái Đất. Động đất có nhiều cấp độ lớn khác nhau, từ rất yếu chỉ có máy móc mới có thể ghi nhận tới rất lớn, gây nên những phá hủy trên bề mặt, có thể là sụp đổ cả những thành phố lớn hoặc tạo ra những trận sóng thần lan truyền trên khắp đại dương.

Động đất xảy ra khi các mảng kiến tạo thuộc thạch quyển di chuyển rời xa nhau tạo thành ranh giới mảng, khi các cạnh của ranh giới mảng không đủ lực ma sát dính vào một trong các đứt gãy, các đá bị biến dạng nằm ở cạnh đứt gãy "nảy lên" bất ngờ. Năng lượng biến dạng tích lũy được giải phóng và xảy ra động đất tại đứt gãy đó. Hầu hết các trận động đất trên thế giới đều xảy ra tại các đứt gãy này.

Ngoài ra, động đất còn có thể xảy ra bởi một số nguyên nhân khác như: do các vụ nổ núi lửa; các vụ trượt lở đất; thiên thạch va chạm vào Trái Đất; hoạt động của con người (vụ nổ hạt nhân, thủy điện...).

Các nhà khoa học trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã tìm nhiều cách nhằm dự báo chính xác thời gian, địa điểm xảy động đất nhưng cho đến nay, chưa nước nào có thể dự báo được chính xác, cũng như làm cách nào để ngăn chặn động đất xảy ra. Đối với mỗi đứt gãy cụ thể, các nhà khoa học biết rằng có thể sẽ có một trận động đất khác xảy ra trong tương lai nhưng không có cách nào để biết nó xảy ra vào khi nào.

Trong lịch sử, đã có một trận động đất được dự báo thành công. Đó là trận động đất Hải Thành có độ lớn 7.3 vào năm 1975 ở Trung Quốc. Nhiều tháng trước khi động đất xảy ra, người ta đã nhận thấy dấu hiệu của những chuyển động dưới mặt đất và có nhiều trận động đất nhỏ trước đó. Động vật trong vùng cũng có những hành vi bất thường.

Nhờ vào dấu hiệu này, các nhà chức trách đã di tản toàn bộ gần 1 triệu người dân trong thành phố này, giúp cứu được nhiều sinh mạng khi trận động đất xảy ra. Mặc dù vậy, trận động đất này vẫn cướp đi sự sống của 2000 người tại Hải Thành. Đây chỉ là trường hợp dự báo thành công hy hữu về động đất trên thế giới.

Tại Nhật Bản, nơi thường xuyên xảy ra động đất, các nhà khoa học cũng không thể dự báo chính xác được động đất dù đã thực hiện nhiều biện pháp.

[Kon Tum: Xảy ra 3 trận động đất liên tiếp ở huyện Kon Plông]

Đến nay, các quốc gia trên thế giới chỉ tập trung vào bàn bạc về các biện pháp giảm nhẹ hậu quả động đất, ưu tiên nghiên cứu xây dựng những công trình có khả năng chịu động đất cao cũng như huấn luyện cho người dân những kỹ năng tồn tại và sống sót sau thảm họa.

Mặc dù không nằm trên "vành đai lửa" của các chấn tâm động đất mạnh trên thế giới, Việt Nam vẫn có mối hiểm họa động đất khá cao. Việt Nam đã ghi nhận được những trận động đất mạnh nhất với độ lớn đạt tới 6,7-6,8 và tương đương gồm: 1 trận được ghi nhận vào thế kỷ 14, trận động đất tại Điện Biên năm 1953 với độ lớn 6,7, trận động đất tại Tuần Giáo năm 1983 có độ lớn 6,8.

Chỉ tính từ năm 1910 đến năm 2020, hệ thống mạng trạm địa chấn quốc gia đã ghi nhận trên 300 trận động đất có độ lớn trên 4 xảy ra tại khu vực Tây Bắc.

Việt Nam có tổng cộng 46 hệ thống đới đứt gãy sinh chấn chính trên lãnh thổ, thềm lục địa và Biển Đông. Đây chính là nguồn nguy cơ tiềm ẩn hiểm họa động đất có thể xảy ra bất cứ lúc nào tại nước ta.

Để giảm thiểu những thiệt hại do động đất gây ra, điều quan trọng đầu tiên là phải đảm bảo tính bền vững của các công trình xây dựng, đồng thời tuyên truyền các biện pháp phòng tránh rủi ro và giải quyết hậu quả do động đất gây ra đến với người dân.

Những việc cần làm ngay khi động đất xảy ra

Tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết Viện Vật lý Địa cầu đã biên soạn, tổng hợp và xuất bản cuốn sách "Những hiểu biết cơ bản đề an toàn với động đất tại Việt Nam" nhằm cung cấp đến người dân những kỹ năng cần thiết trong phòng tránh rủi ro do động đất.

Cuốn sách hướng dẫn người dân những biện pháp cụ thể như: gia cố nhà cửa, lập kế hoạch phòng tránh thiên tai của mỗi gia đình đang sinh sống ở nơi dễ xảy ra động đất; những việc cần làm khi động đất xảy ra; xử lý sự cố, kiểm tra thiệt hại và cứu chữa người sau khi động đất xảy ra...

Nếu động đất xảy ra khi chúng ta đang ở trong một tòa nhà, nhận thấy tòa nhà đang rung lắc và nhìn thấy các đồ vật rơi xuống hoặc kính đang vỡ, đừng hoảng loạn, hãy bình tĩnh và cố gắng trấn an những người khác.

Người dân không được rời khỏi tòa nhà khi động đất đang tiếp diễn. Để bảo vệ bản thân, cần áp dụng biện pháp quỳ gối xuống và dùng tay che đầu. Nếu gần đó có một cái bàn hay đồ vật chắc chắn, hãy chui xuống bên dưới để trú ẩn và dùng một tay giữ chặt vào vật đang che chắn.

Nếu trong phòng không có bàn hoặc đồ vật để trú ẩn, ít nhất hãy tránh xa các cửa sổ có kính, tới góc tường và ở nguyên vị trí đó, cúi xuống nhiều nhất có thể để bảo vệ các bộ phận quan trọng của cơ thể như đầu, ngực; cố gắng giữ nguyên tư thế đó đến khi các rung động ngừng lại.

Chuyên gia hướng dẫn những việc cần làm khi xảy ra động đất ảnh 2Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai triển khai cuộc họp để ứng phó với động đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum với các bộ, ngành liên quan. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Nếu người dân đang ngủ, bị đánh thức bởi các rung lắc của phòng ngủ và nhận ra động đất đang xảy ra, hãy cố gắng ở yên trên giường, bảo vệ đầu bằng gối và nằm úp mặt xuống.

Nếu quan sát thấy trong phòng có kệ đầu giường hoặc đèn trần, quạt trần có thể rơi xuống vị trí nằm thì người dân cần chui xuống gầm giường hoặc di chuyển tới địa điểm an toàn khác như góc phòng và khi hết rung lắc thì đi ra ngoài.

Trường hợp người dân gặp động đất khi đang đi ngoài đường, cần sẵn sàng giúp đỡ mọi người, không vào trong các tòa nhà và không chạy xung quanh chúng, hãy ở yên bên ngoài, di chuyển nhanh tránh các đường dây điện, tòa nhà cao tầng; cố gắng tìm chỗ trú ẩn an toàn như khu vực đất trống.

Một trong những trường hợp nguy hiểm và khó xử lý khi bất chợt gặp động đất là đang lái xe. Nếu người dân càng hoảng loạn trong lúc này thì càng dễ gây tai nạn nghiêm trọng. Do đó, người dân cần đi chậm lại và tìm một địa điểm an toàn để dừng lại, tốt nhất là tấp xe vào lề đường; tránh các đường dây điện và tòa nhà cao tầng; không cố chui qua hoặc vượt qua những cây cầu vì chúng có thể bị sập; không ra khỏi xe cho đến khi động đất dừng lại.

Đối với người khuyết tật gặp động đất khi đang ngồi xe lăn, cần nhanh chóng tới chỗ trú ẩn gần nhất hoặc khu vực thoáng, rộng, sau đó khóa bánh xe lại, che đầu và cổ bằng tay hay bất cứ thứ gì khác sẵn có như: sách, chăn hoặc gối và nắm giữ thật chặt vật che chắn.

Trường hợp động đất xảy ra khi người dân đang ở trong thang máy và nguồn điện vẫn hoạt động, hãy nhanh chóng thoát ra khỏi thang máy nhưng cần ở yên trong tòa nhà hoặc nếu bắt buộc phải thoát khỏi tòa nhà, cần sử dụng cầu thang bộ.

Trường hợp động đất gây mất điện và người dân vẫn ở trong thang máy, cần lập tức nằm xuống sàn, bảo vệ đầu bằng tay, đợi đến khi thang máy hoạt động trở lại hoặc hết rung lắc thì gọi trợ giúp, khi ra khỏi thang máy cần sử dụng cầu thang bộ.

Nếu người dân bị mắc kẹt trong trận động đất và không thể ra khỏi đống đổ nát, người dân cần giữ bình tĩnh, không nên di chuyển, bảo vệ mũi, miệng bằng áo hoặc khăn, không dùng bật lửa hoặc diêm để đốt sáng, không la hét khi khói bụi vẫn còn.

Để những người cứu hộ có thể tìm thấy, việc hiệu quả nhất là dùng còi, khi không có còi, người dân cần cố gắng báo hiệu vị trí bị kẹt của mình bằng cách gõ hoặc đập mạnh vào các tấm hoặc ống kim loại gần đó.

Sau một trận động đất, việc nắm được những thông tin về những gì vừa xảy ra có thể giảm bớt nỗi sợ hãi và giúp người dân hiểu điều gì xảy ra tiếp theo. Trong trường hợp cần giúp đỡ, người dân có thể liên lạc tới Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn hoặc Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam.

Theo Quyết định số 78/2007/QĐ-TTg ngày 29/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế phòng, chống động đất, sóng thần, khi nhận được tin động đất, cảnh báo sóng thần, mọi công dân trong vùng bị ảnh hưởng phải chủ động sơ tán khỏi vùng nguy hiểm để đảm bảo an toàn.

Ủy ban nhân dân các cấp phải bằng mọi hình thức thông báo tin trên đến nhân dân trong khu vực; tổ chức hướng dẫn sơ tán dân và huy động các phương tiện trên địa bàn để giúp dân sơ tán đến nơi an toàn, đồng thời có biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự trong khu vực.

Ngay sau khi xảy ra động đất, sóng thần, chính quyền các cấp phải huy động mọi nguồn lực tại chỗ theo quy định để cứu người bị nạn, cấp cứu người bị thương, tìm kiếm người mất tích đồng thời tổng hợp thông tin và báo cáo khẩn cấp đến cấp có thẩm quyền để chỉ đạo các biện pháp cần thiết, hạn chế thiệt hại do động đất, sóng thần gây ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục