Ngày 16/3, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos cho biết khoảng 17.000 thành viên Lực lượng Vũ trang cách mạng Colombia (FARC) sẽ từ bỏ vũ khí và tái hòa nhập cộng đồng khi thỏa thuận hòa bình được ký kết.
Đây là lần đầu tiên Tổng thống Santos đề cập tới con số cụ thể các thành viên của FARC sẽ hạ vũ khí. Ông cũng khẳng định Colombia có đủ điều kiện để tiếp nhận các tay súng của FARC.
Theo ông, 10 năm trước, hơn 59.000 tay súng cũng như thành viên các nhóm vũ trang bán quân sự cực hữu đã từ bỏ vũ khí và những người này đã hòa nhập tốt với xã hội thông qua các chương trình trợ cấp kinh tế và đào tạo việc làm.
Cùng ngày, báo chí Colombia đưa tin Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ rà soát những tiến bộ đã đạt được trong tiến trình hòa đàm giữa Chính phủ Colombia và FARC vào tuần tới khi tháp tùng Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm Cuba. Nhà Trắng đã nhiều lần tuyên bố ủng hộ và đánh giá cao những nỗ lực đàm phán của Chính phủ Colombia với FARC.
Trong khi đó, Chính phủ Anh thông báo sẽ hỗ trợ Colombia 8,4 triệu USD cho quá trình tái thiết đất nước sau chiến tranh. Thông tin này được Bộ trưởng về vấn đề đối ngoại và thịnh vượng chung Anh, nữ bá tước Anelay de St. Johns thông báo trong chuyến thăm Colombia. Bà cũng khẳng định cam kết của London trong việc đồng hành và giúp đỡ Bogota trong tiến trình hòa bình.
Sau hơn 3 năm đàm phán tại Cuba, cho tới nay, Chính phủ Colombia và FARC đã đạt được thỏa thuận trong các vấn đề cải cách nông thôn, sự tham gia của FARC vào chính trường hợp pháp, cuộc chiến chống ma túy và giải quyết vấn đề các nạn nhân của xung đột vũ trang. Hiện tại, hai bên vẫn chưa thống nhất về vấn đề ngừng bắn song phương, giải giáp vũ khí và việc các thành viên của FARC tái hòa nhập cộng đồng.
Tuần trước, cả hai bên đều tuyên bố về việc khó có khả năng ký được thỏa thuận hòa bình chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hơn 50 năm qua tại Colombia vào ngày 23/3 tới như dự kiến.
FARC là nhóm vũ trang lớn nhất ở Colombia và nội chiến tại nước này là cuộc chiến dai dẳng nhất ở Mỹ Latinh, cướp đi sinh mạng của khoảng 260.000 người cũng như khiến hàng triệu người mất nhà cửa từ năm 1964./.