Tuần này, cổ phiếu OCG bị bán ra mạnh và dẫn đầu sàn HoSE về khối lượng giao dịch, đạt gần 31,6 triệu đơn vị. Đứng thứ hai là cổ phiếu DLG, có khối lượng cổ phiếu chuyển nhượng 29,1 triệu đơn vị và các vị trí còn lại trong top 5 thuộc về FLC, HAG, HQC.
Trên sàn HNX, mã SHB tiếp tục có khối lượng cổ phiếu chuyển nhượng nhiều nhất, với 17,4 triệu đơn vị, tiếp đến là mã cổ SCR có khi lượng giao dịch đạt 12,8 triệu đơn vị đồng thời các mã VCG, KHB, TIG đứng tại các vị trí liền sau.
Trong tuần, VN-Index tăng điểm khá tích cực và vượt thành công ngưỡng kháng cự 610 điểm. Tuy nhiên, dòng tiền chưa có sự lan tỏa cần thiết, chủ yếu tập trung vào các mã vốn hóa lớn như VNM, FPT, BVH, GAS. Chốt tuần, VN-Index tăng 0,82%, lên 612,36 điểm.
Bên phía sàn HNX, do thiếu nhóm cổ phiếu dẫn dắt, HNX-Index chủ yếu dao động với biên độ hẹp và chốt tuần giảm 0,89%, xuống 81,5 điểm.
Tuần qua, nhóm cổ phiếu ô tô đã suy yếu khá mạnh sau đà tăng của tuần giao dịch trước nữa, cụ thể mã SVC (-14,04%), TMT (-18,7%), HAX (-22,73%), HHS (-5,52%).
Nhóm cổ phiếu dầu khí với những ảnh hưởng từ biến động giá dầu thế giới đã có biến động xen kẽ trong các phiên, song phần lớn các mã trong nhóm cùng chốt tuần với mức điều chỉnh nhẹ, mã PVD (-2,99%), PXS (-2,61%), PGD (-4,32%), GAS (+1.5%).
Điểm nhấn của tuần giao dịch phải kể đến VNM và FPT, hai mã trụ cột nằm trong danh mục thoái vốn của SCIC. Cụ thể, VNM đã trở thành lực đỡ chính cho VN-Index với mức tăng 9,32% trong tuần giao dịch, chốt tuần ở 129.000 đồng/cổ phiếu. Thêm vào đó, FPT cũng có mức tăng khá tốt, chốt tuần ở 52.500 đồng/cổ phiếu, tăng 6,49%.
Tuần qua, diễn biến giao dịch khối ngoại trên hai sàn có phần trái ngược. Khối ngoại đẩy mạnh mua ròng 152,2 tỷ đồng trên HoSE. Nhưng trên HNX, họ tăng hơn hai lần khối lượng bán ở tuần trước, trong khi vào chỉ tăng 28% dẫn đến giá trị mua ròng giảm mạnh, chỉ đạt 2,33 tỷ đồng.
Trên sàn HoSE, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh nhất là mã SSI với khối lượng 2,3 triệu đơn vị, đứng thứ hai là mã CTI đạt 2 triệu đơn vị, các vị trí kế tiếp là các mã DLG, HQC, VCB.
Ở chiều ngược lại, họ lại bán ròng mạnh nhất tại mã cổ phiếu HAG, với khối lượng lên đến 4,7 triệu đơn vị, đứng thứ hai là mã KDC có khối lượng gần 1,3 triệu đơn vị.
Phía sàn HNX, mã CEO được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với 531.400 đơn vị. Các mã đứng ở những vị trí tiếp theo là SCR, VKC, SHB, CVT.
Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng nhiều nhất tại mã cổ phiếu PVC, với 760.000 đơn vị, tiếp đến là các mã SHS, KLS, PVC, HUT.
Diễn biến chung, thị trường đã trải qua tuần giao dịch khá giằng co sau khi VN-Index vượt thành công mốc kháng cự 600 điểm. Tâm điểm giao dịch của tuần thuộc về nhóm các cổ phiếu trụ, trong đó nổi bật nhất là bộ ba VNM, BVH, FPT.
Với hiệu ứng thoái vốn, nới room khối ngoại đã khiến dòng tiền tập trung mạnh vào các mã trên đồng thời tạo động lực giúp VN-Index duy trì bên trên ngưỡng 610 điểm. Tuy nhiên, thanh khoản trên thị trường đã giảm nhẹ so với tuần trước và mức độ tập trung của dòng tiền vào nhóm các mã lớn dường như cho thấy thị trường đang thiếu xung lực để tiến tới các vùng giá cao mới.
Nội dung toàn văn hiệp định TPP được công bố trong ngày 5/11, sơ bộ các điểm đáng chú ý của văn kiện này bao gồm quy định: hiệp định vẫn có hiệu lực nếu 85% quốc gia (tính theo GDP) thông qua và dự kiến thời gian ký kết hiệp định sẽ diễn ra vào trước quý 1/2016 (sớm hơn so với dự kiến). Theo các nhà phân tích, đây sẽ là thông tin tích cực giúp hỗ trợ xu hướng tăng của thị trường trong giai đoạn tới.
Nhìn nhận chung về xu hướng thị trường, giới chuyên gia cho rằng, các diễn biến trong tuần giao dịch đầu tiên của tháng 11 cho thấy thị trường vẫn trong xu hướng tăng điểm. Tuy nhiên, dòng tiền đang có sự phân hóa và trạng thái này sẽ tiếp tục diễn ra trong các phiên tới.
Số liệu thống kê do Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cung cấp./.