Trên phố Hoàng Cầu, Hà Nội có một xưởng mộc mang tên Creative Gara. Điều đặc biệt là xưởng mộc này được dựng lên chỉ để phục vụ các em nhỏ (từ 3 đến 12 tuổi). Không sách vở, không lý thuyết, không sắp đặt mà các học viên nhí sẽ tự lên ý tưởng, tự tay làm các công đoạn của nghề mộc để hoàn thành những đồ chơi cho mình.
Vào một buổi sáng đầu đông, chúng tôi có mặt tại Xưởng sáng tạo Creative Gara. Những thành viên trong nhóm Creative Gara mỗi người một việc cặm cụi chuẩn bị đồ dùng, vật liệu để phục vụ hơn 40 em nhỏ tham gia khóa học làm thợ mộc với chủ đề “Trang trí cây thông noel.”
Buổi học bắt đầu từ 9 giờ sáng, các em nhỏ với những vật dụng nghề mộc trên tay vừa đục, vừa gõ và phát huy trí tưởng tượng cũng như khả năng sáng tạo của bản thân để làm ra những món đồ chơi bằng gỗ.
Creative Gara hoạt động chủ yếu vào 2 ngày cuối tuần. Mỗi tuần, Creative Gara đều có những chủ đề mới. Ngoài ra, ở đây còn có những khóa trải nghiệm kéo dài 4-6 buổi để các bạn nhỏ có thể làm được một sản phẩm theo đúng mơ ước của mình.
[Thị trường trung thu năm 2017: Đồ chơi Việt lại “lên ngôi”]
Được biết, vào năm 2015, với mục đích tạo ra sân chơi cho con em mình anh Phạm Quý Phúc cùng một vài người bạn đã tạo ra một nhà kho với rất nhiều đồ dùng của thợ mộc để các con chơi. Trước khi tạo ra cái kho này thì cả nhóm đã bàn bạc và quyết định hướng các em đến với những món đồ chơi bằng gỗ vì đây là vật liệu gần gũi với môi trường và có thể tái chế những vật dụng bỏ đi trong cuộc sống.
Sau khoảng 3 tháng hoạt động, dần dà cái kho này được nhiều người biết đến và xin cho con em mình tham gia. Anh Phúc cùng những người sáng lập quyết định mở rộng và chuyển cái kho này thành Xưởng sáng tạo mang tên Creative Gara và trở thành điểm đến ưa thích, giúp cho các em biết được giá trị của sự lao động.
Anh Phúc chia sẻ, thời gian đầu do không có khuôn mẫu nên vừa làm, vừa mò mẫm, quá trình tạo sản phẩm, nội dung cũng vất vả. Làm mộc vốn là một công việc nguy hiểm và đòi hỏi nhiều kỹ năng, thậm chí là nhiều người lớn còn gặp khó khăn trong việc thành thục những kỹ năng đó.
Vì vậy, cứ mỗi bàn sẽ có hai tình nguyện viên hướng dẫn, giám sát để đảm bảo tiêu chuẩn an toàn cho các bạn nhỏ. Trước khi ra được sản phẩm mới thì Creative Gara đều phải nghiên cứu xem các bạn nhỏ sẽ làm như thế nào, phải đặt mình vào vị trí của các em để có thể tính toán các thao tác liên quan.
Để bớt đi sự nguy hiểm, độ khó của nghề mộc, những thành viên của Creative Gara đã phải nghiên cứu và chế tạo ra những công cụ phù hợp và có độ an toàn cao với trẻ nhỏ.
Đây là nơi những đứa trẻ đến để thực làm, thực vui chơi, tự do sáng tạo và tránh đi được những trò chơi công nghệ dễ ảnh hưởng không tốt tới tâm lý của các em./.