Cục Thương mại điện tử bắt tay Amazon đào tạo doanh nghiệp Việt

Thương mại điện tử xuyên biên giới: Mở cơ hội xuất khẩu toàn cầu

Chương trình đào tạo về thương mại điện tử xuyên biên giới giúp doanh nghiệp có thể đưa được sản phẩm của mình tiếp cận đến với những thị trường tiềm năng, kể cả những thị trường chưa được khai phá...
Thương mại điện tử xuyên biên giới: Mở cơ hội xuất khẩu toàn cầu ảnh 1Các doanh nghiệp tham gia liên kết hỗ trợ về thương mại điện tử xuyên biên giới. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thương mại điện tử xuyên biên giới đang là xu hướng bùng nổ tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử bán lẻ trên 20%/năm, đây là một ngành mới được đánh giá có nhiều tiềm năng và phù hợp với chủ trương phát triển của nền kinh tế số của Chính phủ.

Bên lề Hội nghị: Thương mại điện tử xuyên biên giới với chủ đề “Tinh hoa châu Á, bứt phá toàn cầu,” do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Amazon Global Selling tổ chức sáng 7/6, tại Hà Nội, bà Lại Việt Anh đã có một số trao đổi với phóng viên về tiềm năng và cơ hội của doanh nghiệp khi tham gia lĩnh vực này.

- Thưa bà, xin bà cho biết các hoạt động hợp tác giữa Bộ Công Thương với Amazon để hỗ trợ cho doanh nghiệp về thương mại điện tử xuyên biên giới như thế nào?

Bà Lại Việt Anh: Nhận thức được khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt trong bối cảnh kinh tế thế giới đang gặp rất nhiều thách thức về lạm phát, về sự suy giảm nhu cầu tiêu dùng cũng như là sự suy giảm kim ngạch xuất nhập khẩu nói chung và của Việt Nam nói riêng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã có rất nhiều chương trình phối hợp với các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới và cụ thể là Amazon để có Chương trình thương mại điện tử xuyên biên giới bứt phá toàn cầu.

[Doanh thu xuất khẩu thương mại điện tử có thể đạt 296 nghìn tỷ đồng]

Chương trình nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam có thể nâng cao năng lực ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới và trang bị cho mình những kỹ năng có thể bán hàng một cách hiệu quả trước những nền tảng thương mại toàn cầu, trong đó có thể đưa được sản phẩm của mình tiếp cận đến với những thị trường tiềm năng, kể cả những thị trường chưa được khai phá và qua đó là cắt giảm chi phí, tối ưu hóa được hiệu quả kinh doanh và mở rộng thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp mình, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

- Vậy bà có thể cho biết cụ thể là số lượng doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ và dưới hình thức như thế nào?

Bà Lại Việt Anh: Cụ thể là trong khuôn khổ Chương trình Thương mại điện tử xuyên biên giới bứt phá toàn cầu, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số kết hợp với Amazon đặt ra mục tiêu đến hết năm 2026 có thể đào tạo được 10.000 lượt doanh nghiệp về kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới cũng như khai thác những tính năng sẵn có của những nền tảng thương mại điện tử toàn cầu trong đó có Amazon trong việc đưa sản phẩm của mình tiếp cận được với thị trường quốc tế.

Thương mại điện tử xuyên biên giới: Mở cơ hội xuất khẩu toàn cầu ảnh 2Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đang trao đổi với báo chí. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trong năm 2022, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số đã đào tạo được cho 1.300 lượt doanh nghiệp, cho 9 lớp của các địa phương theo ngành hàng cụ thể và phân theo vùng trọng điểm kinh tế, qua đó cũng kỳ vọng có thể đưa được một nhóm doanh nghiệp cụ thể lên những nền tảng thương mại điện tử như Amazon, qua đó có thể bán hàng đến các thị trường truyền thống và sau đó mở rộng sang các thị trường tiềm năng trên nền thương mại điện tử toàn cầu.

- Trong quá trình hỗ trợ, các doanh nghiệp có những điểm nghẽn, hạn chế gì trong việc đưa hàng hóa xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới?

Bà Lại Việt Anh: Trong hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới thì doanh nghiệp cũng sẽ gặp những rào cản nói chung đối với hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là với doanh nghiệp vừa và nhỏ đó là những rào cản mà nhiều năm nay chúng ta đã phân tích.

Thứ nhất là những rào cản về quy định, đó là những rào cản về kỹ thuật, quy định rất khắt khe của thị trường nhập khẩu sản phẩm của chúng ta. Thứ hai, đó là rào cản về năng lực của doanh nghiệp và điểm này đặc biệt lưu ý những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong việc trang bị đội ngũ chuyên nghiệp để có thể nghiên cứu, đánh giá phát triển thị trường cạnh tranh cho sản phẩm của mình và năng lực cạnh tranh được trong bối cảnh thị trường rộng lớn toàn cầu chứ không phải là thị trường địa phương và khu vực.

Một rào cản tiếp theo đó là rào cản về chi phí, để tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu đòi hỏi chi phí rất lớn của doanh nghiệp. Bên cạnh chi phí sản xuất, phân phối thông thường thì chi phí để đưa doanh nghiệp thâm nhập những thị trường, chi phí vận tải, chi phí thanh toán ngoại tệ…

Thương mại điện tử xuyên biên giới: Mở cơ hội xuất khẩu toàn cầu ảnh 3Các đại biểu tại phiên Khai mạc Ngày kết nối nhà cung cấp dịch vụ Thương mại điện tử xuyên biên giới sáng 7/6, tại Hà Nội. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Cuối cùng đó là những rào cản của thông tin. Để gia nhập thị trường rộng lớn, thị trường toàn cầu, doanh nghiệp cần phải trang bị rất nhiều thông tin về những quy định của từng thị trường cũng như thông tin về nhu cầu đối với sản phẩm và những thông tin về những quy định, khung khổ pháp lý của thị trường đó để có thể tham gia một cách hiệu quả và cạnh tranh cao nhất.

Theo tôi, 4 rào cản trên là những rào cản nói chung đối với hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp cũng như hoạt động xuất nhập khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới.

- Xin cảm ơn bà./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục