Củng cố cấu trúc an ninh đa phương khu vực lấy ASEAN làm trung tâm

Để củng cố cấu trúc an ninh đa phương lấy ASEAN làm trung tâm, có một cách là tăng cường năng lực của ASEAN với tư cách là một nhân tố độc lập.
Củng cố cấu trúc an ninh đa phương khu vực lấy ASEAN làm trung tâm ảnh 1(Nguồn: AFP)

Theo trang mạng eastasiaforum.org, một thuận lợi đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh chính là tổ chức này đã đạt được sự thành công tương đối với tư cách là tổ chức đa phương trung tâm của khu vực.

Sự mở rộng của ASEAN đến cuối những năm 90, cũng như cách tiếp cận toàn diện đối với các cường quốc ngoài ASEAN, đã giúp tổ chức này trở thành nhân tố tập hợp quan trọng các nền tảng đối thoại và hợp tác đa phương ở châu Á-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, vai trò của ASEAN trong hệ thống cấu trúc đa phương đã phải đối mặt với những thách thức từ cái được gọi là sự trỗi dậy của “chủ nghĩa đa phương 2.0”- chủ nghĩa đa phương được thúc đẩy bởi các cường quốc lớn thay vì ASEAN- và sự phổ biến của các thỏa thuận “tiểu đa phương” không tập trung vào ASEAN.

Những diễn biến như vậy đã kéo theo những lo ngại về sự vững chắc của cấu trúc đa phương lấy ASEAN làm trung tâm trong bối cảnh diễn ra thời kỳ chuyển đổi cấu trúc và chiến lược.

Tuy nhiên, cấu trúc an ninh đa phương tập trung vào ASEAN có thể mạnh mẽ hơn so với những gì người ta thường nghĩ. ASEAN hiện có một bộ cơ chế đầy đủ hợp lý để giải quyết một loạt vấn đề, bao gồm Hội nghị cấp cao ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Diễn đàn khu vực ASEAN, cũng như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+).

Đối với các vấn đề an ninh và chiến lược, các con đường cho sự hợp tác đối thoại và thực tế đã tồn tại- cả ở cấp độ ASEAN và cấp độ châu Á-Thái Bình Dương rộng lớn hơn.

Trung Quốc có thể "sở hữu" Diễn đàn Hương Sơn và Diễn đàn Bác Ngao, và Mỹ cũng thường được coi là đang thống trị Đối thoại Shangri-La, nhưng ASEAN vẫn là tổ chức tốt nhất được trang bị để tập hợp tất cả các nhân tố khu vực chính trong các lĩnh vực khác nhau.

Chìa khóa là đẩy mạnh cấu trúc an ninh song phương tập trung vào ASEAN và đảm bảo rằng đây vẫn là lựa chọn tốt nhất cho cả các nước ASEAN lẫn các nước ngoài ASEAN khi nhắc đến chủ nghĩa đa phương khu vực cấp độ rộng hơn.

Theo nghĩa này, ngay cả khi các cường quốc hình thành các liên minh có cùng chí hướng để giải quyết các vấn đề khu vực, họ sẽ vẫn chuyển sang các nền tảng tập trung vào ASEAN vì chúng mang lại kết quả cao hơn cho các cuộc tham vấn và hợp tác đa phương rộng lớn.

Để củng cố cấu trúc an ninh đa phương lấy ASEAN làm trung tâm, có một cách là tăng cường năng lực của ASEAN với tư cách là một nhân tố độc lập. Kể từ khi thành lập, câu chuyện của ASEAN là một trong những điểm mạnh trong điểm yếu.

Do các quốc gia thành viên không có đủ nguồn lực kinh tế và quân sự để đe dọa, ASEAN có thể tận dụng “điểm yếu” này để trở thành nhân tố triệu tập chủ nghĩa đa phương khu vực, bao gồm các cường quốc như Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ.

Chẳng hạn, sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Nhật Bản để giành quyền lãnh đạo Hội nghị thượng đỉnh Đông Á vào giữa những năm 2000, dẫn đến việc ASEAN mặc định được đảm trách “dây cương” của nền tảng đa phương mới này. Một kịch bản tương tự cũng có thể lặp lại theo hướng có lợi cho ASEAN.

Tuy nhiên, nhiều khả năng ASEAN sẽ không thể tìm thấy những cơ hội hiếm có như vậy khi sự cạnh tranh quyền lực lớn gia tăng và các cường quốc tạo ra các mạng lưới phục vụ lợi ích của riêng họ.

Chẳng hạn, một số nhà quan sát đã nhấn mạnh tiềm năng để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng về phía Nam thông qua cơ chế LMC – điều này có thể gây ra nguy cơ chia rẽ sâu sắc trong ASEAN.

Tương tự, Quad, ngay cả với các cuộc tranh luận xung quanh tính bền vững của đối thoại này, cũng cho thấy mối quan tâm ưu tiên của 4 thành viên có thể không nhất thiết phải phù hợp với những mối quan tâm của ASEAN.

Liệu ASEAN có giữ được vị trí như một trung tâm của chủ nghĩa đa phương khu vực hay không phần lớn phụ thuộc vào mức độ mà tổ chức này có thể vượt qua với tư cách là một nhân tố độc lập đáng tin cậy.

Những tuyên bố rằng ASEAN không muốn lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ phải được hỗ trợ với năng lực thực sự cho phép ASEAN có thể chọn việc không lựa chọn.

Điểm khởi đầu để có được năng lực này là tăng cường sự gắn kết giữa các quốc gia thành viên ASEAN. Mục đích là để ngăn chặn một trường hợp khác của ASEAN không nhất trí với các tuyên bố công khai, giống như tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN ở Phnom Penh năm 2012.

Phải thừa nhận rằng, nói thường dễ hơn làm. Điều này liên quan đến việc cố gắng xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa 10 quốc gia có lợi ích và ưu tiên đa dạng, và để đảm bảo rằng tầm nhìn chiến lược của họ phù hợp, hoặc ít nhất là không xung đột.

Điều này không phải là ưu tiên lợi ích khu vực nhiều hơn lợi ích quốc gia, mà là tìm kiếm một cách bền vững lợi ích cho cả quốc gia và khu vực.

Chẳng hạn, ADMM có thể cân nhắc việc tổ chức nhiều cuộc tập trận đa phương chỉ liên quan đến 10 quốc gia thành viên. Đây không chỉ là việc xây dựng niềm tin mà còn tăng cường năng lực của chính ASEAN để giải quyết các mối quan tâm chiến lược và quốc phòng chung.

Nhiều cuộc tập trận chung sẽ tạo thêm sức ép về nguồn lực và thời gian vốn rất hạn chế, nhưng có thể sẽ được đền đáp trong dài hạn. Một ASEAN mạnh mẽ, gắn kết sẽ tự nhiên thu hút sự cam kết và tham gia của các cường quốc ngoài ASEAN trong cấu trúc đa phương khu vực.

ASEAN có thể đã bắt đầu như một tổ chức nhằm giảm bớt căng thẳng giữa các quốc gia thành viên và duy trì sự ổn định ở khu vực Đông Nam Á, tuy vậy, hiệp hội hiện cũng đang khẩn trương xem xét làm thế nào để đảm bảo tính lâu bền của mình ở châu Á-Thái Bình Dương.

Các cường quốc ngoài ASEAN có lịch sử gắn bó với ASEAN vì họ thiếu các lựa chọn thay thế trong chủ nghĩa đa phương khu vực. Khi điều này thay đổi, thái độ của họ đối với các nền tảng tập trung vào ASEAN cũng sẽ thay đổi.

Đã đến lúc ASEAN cần kiểm tra lại vị trí của mình trong cấu trúc an ninh đa phương khu vực và xem xét củng cố khả năng chiến lược của mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục