Đà Nẵng: Giá nhiên liệu giảm, nhưng giá cước vận tải vẫn cao

Sở Giao thông Vận tải thành phố Đà Nẵng đã có công văn yêu cầu các đơn vị vận tải rà soát, điều chỉnh giá cước cho phù hợp, đảm bảo lợi ích cho người sử dụng dịch vụ vận tải đường bộ.
Đà Nẵng: Giá nhiên liệu giảm, nhưng giá cước vận tải vẫn cao ảnh 1Quang cảnh Bến xe Trung tâm thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Từ ngày 1/7 đến nay, giá xăng dầu đã giảm 5 lần liên tiếp, với mức giảm trung bình gần 30%.

Mặc dù giá nhiên liệu đã giảm sâu, nhưng nhiều hãng vận tải ở Đà Nẵng vẫn giữ nguyên mức giá cao và chưa có dấu hiệu giảm giá.

Hành vi trục lợi

Những ngày đầu tháng 8, tại bến xe Đà Nẵng, lưu lượng xe ra, vào dần nhộn nhịp trở lại sau dịch bệnh COVID-19. Nhiều người dân tranh thủ thời gian nghỉ hè để đi du lịch trong nước. Sau khi mua vé xe, nhiều hành khách tỏ ra không hài lòng vì giá vé của các hãng xe vẫn giữ ở mức cao.

Tại khu vực chờ xe của bến, ông Lê Văn Mạnh cho biết ông vừa mua vé của hãng xe Phương Trang để đi từ thành phố Đà Nẵng đến Thành phố Hồ Chí Minh, với mức giá 395.000 đồng.

Ông Lê Văn Mạnh cho rằng giá nhiên liệu hiện nay đã giảm mạnh, nhưng việc các hãng xe vẫn giữ nguyên giá vé như khi giá nhiên liệu đạt “đỉnh” là điều bất hợp lý. Các hãng xe cần sớm điều chỉnh giá hợp lý để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, góp phần phục hồi nền kinh tế.

Cùng chung quan điểm này, hành khách Phạm Văn Chính đi từ thành phố Đà Nẵng đến tỉnh Thái Bình cho biết, ông thường xuyên đi xe của hãng xe Hữu Hoa, trước đây giá vé là 350.000 đồng, nay đã lên đến 500.000 đồng và chưa biết khi nào sẽ giảm.

[Bộ GTVT yêu cầu rà soát, kê khai và điều chỉnh giá cước vận tải]

Khi giá xăng dầu tăng thì người dân phải chịu giá vé cao, nhưng giờ giá xăng dầu giảm mà các hãng xe vẫn giữ nguyên mức giá như vậy là hành vi trục lợi.

Tại các quầy vé trong bến xe Đà Nẵng, các hãng xe đều niêm yết mức giá bán từ thời điểm giá xăng dầu cao (trước tháng 6/2022). Hãng xe Quang Hạnh niêm yết giá vé từ ngày 20/6/2022, với mức rẻ nhất của xe giường nằm tuyến Đà Nẵng-Nha Trang là 320.000 đồng.

Hãng xe Sơn Tùng niêm yết giá vé xe giường nằm tuyến Đà Nẵng-Quy Nhơn là 220.000 đồng. Trong khi đó, công ty trách nhiệm hữu hạn Vận tải và Dịch vụ Du lịch Quảng Hà đã tăng giá 3 lần kể từ đầu năm 2022, giá vé từ bến xe Đà Nẵng đi bến xe miền Trung (Nghệ An) tăng từ 260.000 đồng lên 350.000 đồng...

Theo ông Phạm Lợi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và quản lý bến xe Đà Nẵng, từ đầu tháng 7 đến nay, trong số 17 hãng xe đang mở bán vé tại bến xe Đà Nẵng vẫn chưa có hãng xe nào tiến hành điều chỉnh giá vé.

Theo quy định thì các doanh nghiệp vận tải tự xây dựng giá vé để phù hợp với tình hình kinh doanh. Còn Ban quản lý bến xe chỉ quản lý, theo dõi việc niêm yết và bán đúng giá vé, chứ không có quyền tác động vào việc tăng hay giảm giá vé.

Rà soát, điều chỉnh giá cước

Theo Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Đà Nẵng Đặng Nam Sơn, có nhiều nguyên nhân khiến giá vận tải điều chỉnh có độ trễ so với việc tăng, giảm giá nhiên liệu.

Đà Nẵng: Giá nhiên liệu giảm, nhưng giá cước vận tải vẫn cao ảnh 2Hành khách mua vé xe tại Bến xe Trung tâm thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Chẳng hạn như các hãng taxi phải thực hiện kê khai giá với Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố rồi điều chỉnh đồng hồ tính tiền, tốn chi phí kiểm định lại đồng hồ, in lại thông tin niêm yết giá... Doanh nghiệp vận tải khách liên tỉnh cũng không thể điều chỉnh ngay giá vé bởi sau khi đăng ký kê khai giá mới thì phải làm thủ tục in lại vé, đổi vé cũ cũng gây tốn kém.

Trong những tháng đầu năm 2022, mặc dù giá nhiên liệu tăng liên tục nhiều lần, nhưng các đơn vị vận tải tại Đà Nẵng phải đến đầu tháng 6 mới có thể thực hiện điều chỉnh tăng giá cước.

Ông Đặng Nam Sơn cho biết thêm Sở Giao thông Vận tải thành phố Đà Nẵng đã có công văn số 3164/SGTVT-QLVTPTNL ngày 5/8/2022 triển khai đến các đơn vị kinh doanh vận tải thuộc diện kê khai giá theo quy định, yêu cầu các đơn vị rà soát, điều chỉnh giá cước cho phù hợp, đảm bảo lợi ích cho người sử dụng dịch vụ vận tải đường bộ.

Hiện nay, khi giá nhiên liệu giảm, các hãng taxi đang đăng ký điều chỉnh giảm giá cước (giảm từ 3-6,5%), các đơn vị xe tuyến cố định cũng đang tính toán lại chi phí đầu vào để đăng ký mức giá cước vận chuyển cho phù hợp.

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải thành phố Đà Nẵng, trong 6 tháng đầu năm 2022, có 10/17 đơn vị kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định liên tỉnh điều chỉnh tăng giá vé/chuyến (tăng từ 8,3-13,6% tùy cự ly tuyến); 6/6 đơn vị taxi trên địa bàn thành phố điều chỉnh tăng giá cước/km (tăng từ 4,28-4,76%)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục