Đặc sắc hội đua thuyền mừng Tết Độc lập ở quê hương Đại tướng

Lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang trở thành sự kiện văn hóa lớn nhất được tổ chức hàng năm ở quê hương Đại tướng đúng vào ngày Quốc khánh 2/9.

Không biết từ bao giờ, ở quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đã tồn tại câu ca dao tái hiện không khí tưng bừng của lễ hội đua thuyền đậm nét văn hóa đặc trưng của vùng quê chiêm trũng sông nước:

“Dù ai đi Tây về Đông

Mồng 2 tháng 9 cũng mong về nhà

Về nhà xem hội quê ta

Dưới sông bơi trải, nhà nhà cờ bay.”

Dòng sông Kiến Giang hiền hòa như một dải lụa xanh biếc chảy từ dãy Trường Sơn, men theo những làng quê thanh bình yên ả, trước khi đổ về biển cả.

Tự bao đời nay dòng sông này trở thành đường đua cho những con thuyền rẽ sóng trong ngày hội bơi, đua truyền thống của người dân huyện lúa Lệ Thủy.

Trước đây, lễ hội là dịp để người dân cầu yên, cầu thịnh, cầu siêu, là chỗ dựa tinh thần giúp họ có thêm sức mạnh để chiến thắng thiên tai, địch họa. Vì vậy, lễ hội bơi đua này cũng mang đậm nhiều huyền tích, truyền thuyết.

Chuyện kể rằng, thời mới khai sơn lập ấp, đội đua thuyền của làng An Xá luôn đứng ở thứ hạng kém. Một lần chuẩn bị vào đua, bỗng xuất hiện một người phụ nữ đến nói với các trai bơi: “Ngày mai các trai cứ cố gắng bơi, đừng để ý xung quanh dù có chuyện gì xảy ra.”

Vào hội, làng An Xá vẫn ì ạch bám đuôi những đội khác. Đến đoạn nước rút, bất ngờ xuất hiện người phụ nữ mình trần bơi ra giữa dòng nước cổ vũ. Trai bơi các đội đua thấy lạ, mất tập trung, buông tay chèo, còn đội của làng An Xá được dặn trước nên tập trung bơi và giành giải nhất.

Đặc sắc hội đua thuyền mừng Tết Độc lập ở quê hương Đại tướng ảnh 1Llễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Từ đó, đội đua thuyền An Xá nhiều lần giành giải cao, còn người phụ nữ cũng không thấy xuất hiện nữa, không ai biết bà là ai.

Để ghi nhớ công ơn, làng An Xá đã xây miếu thờ bà và đặt tên là miếu bà Lỗ. Hàng năm, trước giờ xuống thuyền đi thi, trai bơi của làng An Xá đều đến miếu bà Lỗ thắp hương xin được phù hộ.

Từ sau Cách mạng tháng Tám, vượt lên yếu tố tâm linh, lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang mang ý nghĩa cổ vũ tinh thần cách mạng, mừng ngày Tết Độc lập của dân tộc. Từ đây lễ hội trở thành sự kiện văn hóa-chính trị lớn nhất được tổ chức đều đặn hàng năm ở quê hương Đại tướng đúng vào ngày Quốc khánh 2/9.

Lễ hội đua thuyền là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống người dân Lệ Thủy, in sâu vào tiềm thức, ngấm vào máu thịt, gắn với kỷ niệm tuổi thơ của mỗi người. Vì thế con em quê hương Lệ Thủy làm ăn, công tác ở xa quê, vào dịp tổ chức lễ hội bơi, đua cũng tìm mọi cách về quê ôn lại kỷ niệm tuổi thơ, sum họp, đoàn tụ gia đình, mừng Tết Độc lập, đón lễ hội bơi, đua truyền thống trên sông Kiến Giang.

Không giống như các con sông dài, rộng diễn ra lễ hội đua thuyền ở những nơi khác, sông quê Kiến Giang không rộng lắm, dọc bờ sông lại là hai con đường cái quan vừa đủ tầm nhìn để từ các cháu bé cho đến các cụ già cổ vũ lễ hội.

Trên đường, từng đoàn thanh niên nam nữ các làng có thuyền đua với cờ, hoa, chiêng, trống… chạy bộ dọc theo hai bờ sông cổ vũ thuyền đua làng mình. Người dân chất phác Lệ Thủy gọi đùa họ là những người “bơi cạn.” Tất cả tạo nên không khí náo nhiệt, đông vui.

Lễ hội đua thuyền truyền thống mừng Tết Độc lập được người dân háo hức chuẩn bị trước cả tháng, từ việc chọn thợ giỏi để đóng thuyền, chọn trai bơi, gái đua vừa khỏe lại dẻo dai, đến việc tổ chức luyện tập, kiểm tra sức khỏe trước khi bước vào cuộc tranh tài chính thức.

Những ngày mùa thu tháng Tám này, quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp tràn ngập không khí lễ hội, từ trung tâm huyện đến khắp các nẻo đường thôn, xóm đều rợp cờ hoa, biểu ngữ.

Dòng sông Kiến Giang đã rộn ràng tiếng “mỏ khua,” tiếng “xé nước,” tiếng “hố lên, hồ lên” theo nhịp chầm, nhịp chèo của thuyền bơi, thuyền đua hòa lẫn trong tiếng reo hò động viên, cổ vũ của người dân với trai bơi, gái đua đang tập dượt.

Tham gia lễ hội đua truyền thống trên quê hương Đại tướng năm nay vào chung kết có tám thuyền đua nữ, 22 thuyền bơi nam.

Chương trình lễ hội được Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Bình truyền hình trực tiếp và được tiếp phát sóng trên 30 Đài Phát thanh và Truyền hình trong cả nước.

Trong không khí vui tươi, háo hức của lễ hội bơi đua vào mỗi dịp Quốc khánh 2/9, các gia đình ở Lệ Thủy cũng không quên làm mâm cơm, hương hoa kính dâng lên ban thờ tổ tiên, ban thờ Bác Hồ.

Đặc biệt, Tết Độc lập năm nay, người dân Lệ Thủy còn làm lễ dâng hương tại Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp để nhắc nhở con cháu biết ơn sự hy sinh của nhiều thế hệ cha ông, từ đó sống xứng đáng hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục